Tác hại khôn lường kiểu nuôi dạy "bao cấp"

Làm cha mẹ ai cũng muốn mang lại những điều tốt đẹp nhất cho con. Nhưng điều mà nhiều người Việt đang vấp phải chính là sự bao bọc con quá mức, khiến trẻ Việt thường thiếu tự lập, thiếu kỹ năng.

Bao bọc con quá rồi mua bực mình

Một ngày mệt mỏi vì công việc, cộng với bị nhức đầu, cảm cúm mấy ngày liền, chị Đào Thanh Hương (Hà Nội) mới nhờ con làm việc nhà giúp mình, nhưng câu đầu tiên chị gặp phải khi nhờ cô con gái dễ thương là “con còn phải học”. Bực quá, chị quát: “sao tao lại đẻ ra đứa con như mày”.
Không chỉ chị H. mà rất nhiều bà mẹ cũng gặp phải tình trạng trên, khi hễ cứ đề nghị con làm việc nhà là con bảo còn bận học. Song, gốc rễ của việc lười nhác ở con trẻ chính là do cha mẹ, họ đã không để ý rèn luyện cho con ngay từ khi còn nhỏ. Việc gì mẹ cũng làm hộ con nên đến khi mẹ cần con giúp thì con chẳng biết làm gì.
Ở Việt Nam không hiếm những đứa trẻ khi xa rời bố mẹ một chút là đã cuống cả lên và không biết phải tự chăm sóc cho mình ra sao. Có trẻ thì ỷ lại, thoái thác để không phải động chân động tay vào bất cứ việc gì.
Nhiều người nước ngoài cũng từng chia sẻ rất ngạc nhiên với cách dạy con của người Việt. Một doanh nhân người Mỹ đã từng nhận định về cách nuôi dạy trẻ ở Việt Nam rằng: Cách nuôi dạy trẻ của chúng ta không chỉ là hậu quả của một kiểu nuôi dạy “bao cấp”, mà có khi những đứa trẻ “gối ôm” trở thành tác nhân gây “chiến” giữa cha mẹ mình.
Quả đúng như vậy, nhiều gia đình Việt đã phải to tiếng cãi nhau chỉ vì những đứa con “gối ôm”. Việc bao bọc con quá mức đôi khi còn không mang lại cảm giác an toàn cho con trẻ mà lại có phản ứng ngược lại, làm hại con.
Đơn giản như khi trẻ muốn đi sang đường, nhiều cha mẹ từ chối ngay lập tức với lý do là “rất nguy hiểm”. Vậy nhưng họ lại không quan tâm đến việc dạy con vì sao nguy hiểm và phải bảo vệ mình khi tham gia giao thông như thế nào.
Hay chuyện cha mẹ không để cho con nấu nướng vì sợ lửa có thể gây bỏng, không cho con cầm dao vì sợ dễ đứt tay… và cha mẹ sẽ làm hết những việc đó. Kết quả là, trẻ con bị bao bọc quá mức khiến cho nhiều bé đã hết tiểu học, hết cấp 2 vẫn không biết tự mình đi đến trường, không biết tự mình nấu nướng khi bố mẹ vắng nhà...
Trong khi đó, nguy hiểm tồn tại ở khắp mọi nơi, có thể xảy ra mọi lúc. Chính vì vậy, giấu con, bao bọc con khỏi những nguy hiểm không phải là cách giải quyết vấn đề. Quan trọng là dạy cho trẻ cách xác định các mối nguy hiểm, xử lý tình huống xấu mới là cái nên làm.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet.

Trẻ cần khả năng “miễn dịch” hơn môi trường “vô trùng”

Theo các chuyên gia, trước cuộc sống hiện đại ngày càng phức tạp và nhiều cám dỗ, cha mẹ không nên tạo ra một môi trường “vô trùng” cho con cái, mà hãy giúp con có khả năng “miễn dịch” với những cám dỗ và có bản lĩnh đối mặt với thử thách.
Các bậc phụ huynh thường băn khoăn khi thấy con mình không biết tổ chức cuộc sống của chúng sao cho gọn gàng, ngăn nắp, và thường làm việc gì cũng hỏng dẫn đến lo lắng không biết con mình sẽ thích nghi cuộc sống được không. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh không cần lo lắng quá bởi ở trẻ có 2 điểm báo chính cho thấy trẻ có thể tự phát triển những kỹ năng cần thiết.
Thứ nhất, hệ thần kinh của trẻ phải phát triển đến đúng độ “chín” để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Thứ hai, trẻ cần được trao cơ hội (bởi phụ huynh và người chăm sóc) để thực hành việc hoàn thành nhiệm vụ, và tất nhiên trẻ cũng cần được hỗ trợ khi thực tập các nhiệm vụ đó.
Theo thời gian phụ huynh sẽ dần thấy những thay đổi nhỏ ở trẻ cho tới khi trẻ nhuần nhuyễn kỹ năng đó. Rồi những kỹ năng xã hội sẽ dần được trẻ sử dụng thuần thục, điều này cũng giống như việc hình thành các kỹ năng thao tác như đánh răng, mặc quần áo… Điều quan trọng nhất cha mẹ phải hiểu rằng hình thành kỹ năng tất cả đều phải trải qua một quá trình do người lớn phải hướng dẫn.
Hiện nay, việc rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ không nằm trong chương trình chính khóa của hệ thống giáo dục. Trẻ ít có điều kiện được rèn luyện các kỹ năng ở trường. Trường học và các cô giáo chỉ đóng vai trò trợ giúp chứ không thể thay thế được sự ảnh hưởng của gia đình tới các kỹ năng xã hội của trẻ. Vì thế, tốt nhất các bậc phụ huynh nên cho con trẻ được học các kỹ năng này ngay từ buổi đầu. Nên có sự kết hợp giữa gia đình và nhà trường để rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ.

Thùy Minh

Nguồn VnMedia: http://www6.vnmedia.vn/vn/doi-thoai/van-de-hom-nay/426_3006597/tac-hai-khon-luong-kieu-nuoi-day-quot-bao-cap-quot.html