Tác nghiệp lúc... 0 giờ

Ai đã từng ra Trường Sa tác nghiệp, hẳn không thể quên những kỷ niệm trong suốthành trình đến với những người lính nơi tuyến đầu Tổ quốc. Với tôi, đó là những trảinghiệm nghề vừa bổ ích, vừa tích lũy thêm kinh nghiệm trưởng thành.

Chuyến ca nô đầy sóng gió. Ảnh: TGCC

Chuyến ca nô... thót tim

Hành trình ra Trường Sa chẳng hề đơn giản. Bỏ qua những lúc say sóng quay quắt thì khoảng cách di chuyển bằng ca nô từ vị trí tàu neo đậu vào đảo hoặc từ đảo ra tàu cũng gặp không ít khó khăn, nhất là khi thời tiết bất thường, sóng to, biển động.

Trong chuyến công tác đầu năm 2018, chúng tôi đến đảo Sơn Ca (huyện đảo Trường Sa) vào một ngày khá yên ả. Sau thời gian tác nghiệp các hoạt động của bộ đội nơi đây, chúng tôi được lệnh rời đảo ra tàu để tiếp tục hải trình đến đảo Sinh Tồn.

Sáng hôm ấy, thời tiết thay đổi, gió to dần. Đại tá Bùi Đình Dương, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 (Vùng 4 Hải quân), Chủ tịch UBND huyện Trường Sa ngước nhìn bầu trời, rồi quả quyết: “Phải vài giờ nữa mới có mưa kèm theo gió lớn, các nhà báo còn nội dung nào chưa hoàn thành khẩn trương tác nghiệp, ăn cơm sớm để lên ca nô rời đảo trước khi gió lớn”.

Chúng tôi làm nốt mấy việc còn lại với tinh thần khẩn trương. Bữa cơm trưa diễn ra chóng vánh, rồi ai nấy về phòng thu dọn hành lý ra địa điểm tập trung. Sóng đã khá to, phía xa mây đen đang đùn lên, lấn chiếm bầu trời. Tôi và một số “nhà báo chiến sĩ” được chọn đi chuyến đầu tiên để “đầu xuôi đuôi lọt”, trấn an tinh thần mấy đồng nghiệp nữ. Chiếc ca nô nhỏ đợi sẵn ở âu tàu.

Khi mọi người đã ngồi yên vị, tài công bắt đầu tăng tốc đưa chúng tôi trở ra vị trí tàu hải trình đang neo đậu cách đảo chừng 1 km. Những con sóng cuộn lên, đập vào mũi ca nô, nước bắn tung tóe. Càng ra xa đảo, sóng càng thêm dữ dội.

Tôi nhắc mấy đồng nghiệp: “Bình tĩnh, bám chắc vào, đừng để ca nô bị lệch”. Vừa dứt lời thì một đợt sóng trùm lên, nhấn chúng tôi xuống. Mấy tiếng la thất thanh... Trong khoảnh khắc thót tim ấy tôi đã kịp thò tay túm chiếc ba lô quần áo, đồ nghề được đựng trong bao ni lông sẵn sàng làm phao khi ca nô bị lật. Rất may, mũi ca nô lại vọt lên, đè sóng tiến gần về phía con tàu...

Cả nhóm thở phào nhưng ai nấy ướt hết, nước tràn lưng khoang. Nhìn sang bên cạnh, tôi thấy nhà báo Trọng Tuấn, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Tài chính Quân đội, cũng vừa đặt lại chiếc túi bọc trong bao ni-lông vào chỗ cũ. Thì ra, anh cũng rất kinh nghiệm, sẵn sàng cho trường hợp xấu nhất xảy ra.

Tôi nhìn anh, nói nhỏ: “Tài công xử lý chưa tốt, để mũi ca nô thấp hơn đỉnh sóng nên bị nhấn xuống. Lẽ ra phải tăng, giảm tốc độ hợp lý để khi con sóng ở “ngành xuống” thì mũi ca nô chờm lên mới hạn chế được những cú nguy hiểm như vừa rồi”.

Anh Tuấn gật đầu: “Chú cũng kinh nghiệm gớm, nhưng nút thắt ở chiếc túi ni-lông của chú chưa ổn, nếu làm phao thì chỉ được chục phút là nước vào đầy bên trong, ướt hết dụng cụ tác nghiệp lại không thể bảo đảm an toàn. Phải xoắn miệng túi, gập lại rồi mới quấn dây thật chặt không bị nước ngấm vào trong”. Tôi nhìn chiếc túi của anh căng phồng và chợt thấm thía câu nói “gừng càng già càng cay”.

Tác nghiệp lúc... 0 giờ

Không hẹn mà gặp lúc... 0 giờ

Ra đảo công tác, khó khăn nhất đối với các nhà báo là mạng Internet quá yếu nên việc gửi tin, bài, hình ảnh về đất liền thường khó thực hiện. Trong khi đó, các phóng viên, nhất là phóng viên thời sự, online luôn mong muốn những “sản phẩm” của mình được xử lý, gửi về đăng tải sớm nhất. Bởi vậy, nhiều phóng viên vừa đặt chân lên đảo là hỏi ngay “có mạng Internet không”, “ở vị trí nào trên đảo có mạng mạnh nhất”...

Kết thúc ngày tác nghiệp, sau bữa cơm tối, nhiều phóng viên tranh thủ ra khu vực chân cột an-ten gần sở chỉ huy đảo để gửi bài. Một số khác tỏ ra thờ ơ ngồi uống trà, tán gẫu, hoặc tới phòng chỉ huy các đơn vị trò chuyện, thăm hỏi chuyện sinh hoạt trên đảo, chuyện gia đình, vợ con... Còn tôi, cả buổi tối ngồi “mọc rễ” trong phòng anh bạn Chính trị viên phó đảo Sinh Tồn ôn lại chuyện xưa.

Khoảng 22 giờ đêm, tôi về nhà khách. Mấy phòng xung quanh đã tắt đèn, im lặng. Chắc mọi người đã ngủ say. Với kinh nghiệm từng tác nghiệp trên đảo, khoảng nửa đêm trở đi mạng Internet mới mạnh lên, bởi lúc đó ít người sử dụng nên tôi căn thời gian 0 giờ mới mang máy tính, cục 3G đi ra khu vực gần cột an-ten.

Tới nơi, tôi đã thấy mấy phóng viên trẻ đang hí hoáy gửi bài. Minh Thành, Báo Ấp Bắc, phàn nàn: “Em ngồi từ lúc gần 7 giờ tối đến tận bây giờ mà vẫn chưa gửi được mấy tấm hình về tòa soạn. Mạng kém quá anh ạ!”.

“Yên tâm đi, sắp được rồi đấy” - Tôi động viên, rồi tìm chỗ ngồi, chuẩn bị mở máy tính.

Dưới ánh điện bảo vệ, tôi nhận ra mấy phóng viên nữa cũng đang tiến lại gần cột an-ten. Thì ra là đồng nghiệp của các báo địa phương ven biển. Tôi lên tiếng trêu đùa: “Giờ này các ông không ngủ ra đây làm gì, định gác thay bộ đội à?”.

Anh Trần Thế Quới, Báo Phú Yên, người đã có nhiều lần tác nghiệp ở Trường Sa, cười: “Toàn “gương mặt thân quen” không hẹn mà gặp. Tôi tưởng các ông ngủ hết rồi chứ!”. Chúng tôi cùng cười hóm hỉnh. Bỗng, một phóng viên trẻ lần đầu ra đảo, thốt lên: “Gửi được rồi các anh ơi. Em ngồi suốt tối không gửi được tấm hình nào, vậy mà từ nãy đến giờ gửi được 2 tấm liền, đã quá!”. Cậu phóng viên Báo Thái Nguyên xác nhận: “Ừ, nãy giờ mạng mạnh hẳn... Mấy anh có kinh nghiệm có khác, toàn tác nghiệp lúc... 0 giờ. Tài thật!”.

Sau tiếng cười nói nhẹ nhàng vui vẻ, chúng tôi ai nấy cần mẫn gửi bài về tòa soạn trong đêm...

Yến Long

Nguồn Người Làm Báo: http://nguoilambao.vn/tac-nghiep-luc-0-gio-n11034.html