Tác phẩm 'Chống Đuyrinh' với cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay

Sáng 29-11, Trường Chính trị tỉnh đã tổ chức hội thảo khoa học 'Chống Đuyrinh' của Ph. Ăngghen và giá trị của tác phẩm đối với cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay.

TS.Nguyễn Văn Long, Phó hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh phát biểu tại hội thảo

TS.Nguyễn Văn Long, Phó hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh phát biểu tại hội thảo

Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe và tham khảo 13 tham luận của cán bộ quản lý, các giảng viên Trường Chính trị tỉnh; cán bộ các ban đảng Tỉnh ủy. Các tham luận đã tập trung làm rõ hoàn cảnh ra đời; nội dung chính của tác phẩm; sự phê phán của Ph. Ăngghen đối với những tư tưởng sai lầm của Đuyrinh trên các lĩnh vực: triết học, kinh tế chính trị học và chủ nghĩa xã hội nhằm bảo vệ chủ nghĩa Mác – Lênin trước sự đả kích, xuyên tạc của Đuyrinh.

Một số tham luận đề cập đến việc vận dụng phương pháp đấu tranh, phê phán của Ph.Ăngghen sử dụng trong tác phẩm để tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; các giải pháp đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch…

TS. Nguyễn Văn Long, Phó hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh phát biểu kết luận hội thảo đã khẳng định, "Chống Đuyrinh" là một trong những tác phẩm có vị trí hết sức quan trọng trong hệ thống các tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Mác – Lênin góp phần đập tan, quét sạch tận gốc rễ toàn bộ hệ thống triết học, lý luận của Đuyrinh. Tác phẩm được viết dưới dạng bút chiến, trình bày có hệ thống về phương pháp luận biện chứng, thế giới quan duy vật. Đặc biệt, qua nghiên cứu, tìm hiểu tác phẩm cho thấy Ph.Ăngghen đã vận dụng tinh thần, phong cách, văn phong bút chiến triệt để…

Phó hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Nguyễn Văn Long cũng cho rằng hiện nay các thế lực thù địch vẫn luôn lợi dụng những thiếu sót trong công tác lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của Nhà nước cũng như những suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí của một bộ phận cán bộ đảng viên để chống phá, làm mất niềm tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước. Vì vậy, việc nghiên cứu, vận dụng tinh thần đấu tranh, phê phán mà Ph.Ăngghen sử dụng trong tác phẩm "Chống Đuyrinh" là hết sức quan trọng và cần thiết. Điều này sẽ góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 35 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch.

Cũng tại hội thảo, cán bộ, giảng viên Trường Chính trị tỉnh đã cùng chia sẻ về cách tìm hiểu, nghiên cứu các tác phẩm kinh điển của Chủ nghĩa Mác – Lênin nhằm đáp ứng tốt hơn quá trình giảng dạy.

Tin, ảnh: Nga Sơn

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/tintuc/201911/tac-pham-chong-duyrinh-voi-cuoc-dau-tranh-bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang-hien-nay-2976328/