Tác phẩm chung khảo thiết kế cầu vượt sông Hương bị chê kém ấn tượng

Hai trong số ba tác phẩm chung khảo cuộc thi về thiết kế cầu vượt sông Hương bị giới chuyên môn đánh giá là kém ấn tượng. Trong khi đó, việc ban tổ chức không công khai toàn bộ 17 tác phẩm dự thi để người dân bình chọn cũng khiến dư luận đặt câu hỏi về tính khách quan của việc lựa chọn này.

Hai trong số ba bài thi lọt vào vòng chung khảo lần 3 của Cuộc thi thiết kế cầu vượt sông Hương bị chê là kém ấn tượng

Hai trong số ba bài thi lọt vào vòng chung khảo lần 3 của Cuộc thi thiết kế cầu vượt sông Hương bị chê là kém ấn tượng

Đây là lần thứ ba tỉnh Thừa Thiên Huế lấy ý kiến đánh giá của người dân về ý tưởng thiết kế cầu vượt sông Hương, nhưng sau cả 3 lần, Ban tổ chức vẫn chưa thể chọn được phương án nào phù hợp nhất.

Được biết, trong lần thứ 3 tổ chức lấy ý kiến có tổng số 17 bài dự thi, tuy nhiên, Ban tổ chức chỉ chọn 3 tác phẩm để lấy ý kiến của người dân. 3 tác phẩm này được coi là những ý tưởng lọt vào “vòng chung kết” và được đăng công khai lên trang web của Sở Giao thông Vận tải tỉnh Thừa Thiên Huế nhằm lấy ý kiến bình chọn.

Trước việc chỉ có 3 tác phẩm được công khai lấy ý kiến bình chọn, dư luận tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, việc này đã làm giảm tính khách quan của cuộc thi vì mọi người không được tiếp cận với các tác phẩm còn lại. Trong khi đó, ở lần 1 và lần 2, tất cả các bài dự thi đều được công khai đăng lên web để lấy ý kiến khách quan.

Ở lần đầu, BTC nhận được 11 phương án của 5 đơn vị. Các phương án dự thi được đánh giá có chất lượng thấp, chưa đáp ứng yêu cầu. Phương án đoạt giải cao nhất cũng chỉ được chấm giải Ba nên không được lựa chọn.

Vị trí mà tỉnh Thừa Thiên Huế dự định sẽ đặt cầu vượt sông Hương

Đề bài khó này lại được tiếp tục trong lần thử thách thứ 2 vào tháng 2/2016 thu hút 20 phương án tham gia dự tuyển của 13 đơn vị; trong đó có 1 đơn vị đến từ Pháp. Lần này, các đơn vị đều đầu tư công phu từ ý tưởng đến cách thể hiện, trình bày, diễn giải. Chất lượng các phương án được cải thiện rõ rệt, đa dạng và phong phú hơn.

Thông tin từ phía UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, cầu vượt sông Hương này được tỉnh đưa vào kế hoạch đầu tư công, xin ngân sách của Trung ương. Khi nào có nguồn kinh phí từ Trung ương thì mới bắt đầu triển khai xây dựng. Kinh phí xây dựng dự kiến khoảng 1.200 tỷ đồng. Cầu này có chiều dài dự kiến 385m, chiều rộng 43m.

Quy chế tham gia thi tuyển, sử dụng ngôn ngữ kiến trúc hiện đại, tạo điểm nhấn về cảnh quan, phương án gắn liền hình tượng mang tính truyền thông của Huế, đảm bảo hài hòa với cảnh quan dọc hai bên sông Hương. Đồng thời, yêu cầu đặt ra là cây cầu phải khác biệt với các cầu đã có trên con sông này, không trùng lập với các ý tưởng và phương án thiết kế hiện có ở Việt Nam và trên thế giới.

Việc phải tổ chức tới 3 lần mà vẫn chưa chọn được phương án tốt nhất khiến dư luận đặt câu hỏi về việc liệu hoạt động này có gây lãng phí cho ngân sách, tốn công sức của nhiều cơ quan đơn vị?

Cũng liên quan đến những tác phẩm dự thi lần 3 được công khai lấy ý kiến bình chọn, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vỹ cho biết: “Tôi đã xem kỹ cả 3 phương án được đăng trên website của Sở Giao thông Vận tải tỉnh Thừa Thiên Huế và chỉ thấy 2/3 bài thi không có bất cứ ấn tượng nào.”

Chia sẻ thêm quan điểm của mình, ông Nguyễn Hùng Vỹ cho biết, 2 bài thi được đưa ra lấy ý kiến bình chọn kém ấn tượng khiến cho sự lựa chọn của người dân bị hạn chế. Cả hai bài thi này đều không đáp ứng được những tiêu chí mà cuộc thi đưa ra nên khiến mọi người cảm thấy thiếu ấn tượng.

Câu hỏi đặt ra là vì sao ban tổ chức không công khai toàn bộ 17 tác phẩm dự thi để người dân bình chọn? Việc ban tổ chức tự chọn rồi đưa ra 3 phương án, trong đó có 2 phương án không có một chút ấn tượng nào, liệu có phản ánh được sự khách quan của cuộc thi!

Ngọc Cương

Nguồn Ngày Nay: http://ngaynay.vn/van-hoa/tac-pham-chung-khao-thiet-ke-cau-vuot-song-huong-bi-che-kem-an-tuong-162666.html