Tác phẩm hay cho thiếu nhi của nhà văn Nga viết 'Ông tướng của tôi'

Tại Nga, người ta thường trìu mến gọi nhà văn nổi tiếng chuyên viết truyện thiếu nhi Albert Likhanov bằng cái tên 'người cha liên bang'.

Trưởng thành trong chiến tranh và công cuộc xây dựng XHCN, ông kể, khi đế chế hùng cường Liên Xô tan rã, ông đã suy sụp và ngừng viết một thời gian. Nhưng với ý thức công dân, trách nhiệm với thế hệ trẻ, ông lại tiếp tục sáng tác.

Albert Likhanov (sinh năm 1935) là một nhà văn viết cho thiếu nhi, có tác phẩm đã được dịch ra 34 thứ tiếng, từng đạt nhiều giải thưởng quốc tế, nổi tiếng ở Việt Nam với cuốn truyện Ông tướng của tôi.

Những con ngựa gỗ là một tập truyện tiêu biểu khác của ông, gồm 3 truyện vừa: Những dốc đứng, Âm nhạc, Những con ngựa gỗ. Sách do NXB Kim Đồng ấn hành 2019, với bản dịch của Ngô Thu Hằng.

Những con ngựa gỗ do NXB Kim Đồng ấn hành.

Những con ngựa gỗ do NXB Kim Đồng ấn hành.

Đây thực sự là một cuốn sách đáng trân trọng không chỉ dành cho những người yêu nước Nga, mà hơn thế nữa, nó đề cao trách nhiệm công dân tích cực, giữ gìn các giá trị đạo đức bình dị mà cao cả, lưu giữ các truyền thống của cha ông, đấu tranh bảo vệ lẽ phải trong cuộc sống và kêu gọi người lớn hãy thấu hiểu các vấn đề của thế hệ trẻ.

Trong truyện Những dốc đứng, chiến tranh đã bắt đầu không báo động trong một ngày nắng đẹp, hoa anh đào rụng tơi bời. Cậu bé 6 tuổi Cô-li-a mỉm cười khi người cha đi mua bia đầu phố về và thông báo chiến tranh nổ ra. Và khi phải ăn cháo bột loãng, cậu mới thấu hiểu cái khốc liệt của chiến tranh.

Chiến tranh ở đâu cũng vậy, đều là đau thương và mất mát. Trong mắt cậu bé, sự khốc liệt của cuộc chiến được thể hiện cụ thể qua các hình ảnh những cẳng chân vàng vọt của tử sĩ nhô ra dưới tấm chăn trên cáng, người phụ nữ có ria mép đánh xe ngựa chở thương binh, lớp học tù mù dưới ánh nến, nỗi thèm thắt ruột một mẩu bơ đến nỗi cậu liếm cả cái bưu ảnh màu bơ và mẹ cậu đã bán máu cho con ăn một bữa no.

Cô-li-a đã trưởng thành nhanh chóng, từ một đứa trẻ mẹ phải mặc quần áo cho và dắt tay đến lớp, em đã biết giúp đỡ mọi người, chăm chỉ học hành -nhất là những bài học lịch sử về Kutuzov chiến thắng Napoleon, rồi tự khâu những túi thuốc lá tặng chiến sĩ ra trận.

Trong những ngày khó khăn, bố em từ chiến trận trở về, dạy con trai chăm sóc bà và mẹ, đi trượt tuyết cùng con, cùng con trượt từ đỉnh những dốc đứng, như là một cách vượt qua chính mình. Và ông lại ra trận, đoàn tàu rời thành phố, như trong một bộ phim chiến tranh. Cô-li-a ở lại nhà, tiếp tục chinh phục những dốc đứng.

Cuốn truyện thực sự hấp dẫn đặc biệt với các nam thiếu niên. Nó dạy các em cách kiên trì vượt qua những khó khăn bằng sự bình tĩnh và vững tâm. Nó đượm mùi thuốc súng chiến tranh, mùi thuốc lá và mùi những người đàn ông thô ráp mạnh mẽ. Nó cũng chỉ ra một cách tinh tế, những khía cạnh mất mát khác của đời sống, mà ta phải dùng con tim để đối xử.

Trong truyện Những con ngựa gỗ, chồng hy sinh, người phụ nữ Nga tái giá với người thương binh bạn chồng, cậu con trai Vaxca định bỏ nhà ra đi, nhưng rồi cậu đã ở lại, cùng mọi người xây dựng quê nhà sau chiến tranh. Cậu vẫn giữ mãi những con ngựa gỗ bố đã đẽo cho mình, trước khi ông ra trận.

Mùi vị của nước Nga cũng tràn trề trong những trang sách. Vị thơm ngon của món khoai tây rán thịt, bánh rán nhân bắp cải, cốc sữa tươi nổi bơ, cháo bột lúa mạch vàng ngậy váng mỡ... Cảnh sắc mênh mông ma xa vắng của làng quê Nga với rừng bạch dương êm đềm, bụi miên liễu bên dòng sông mênh mông, như trong những bức tranh của Levitan.

Truyện vừa Âm nhạc lại đề cập đến một khía cạnh khác về giáo dục. Học nhạc là một câu chuyện không bao giờ cũ của các bậc phụ huynh. Trong chiến tranh, người mẹ sẵn sàng đổi cái áo lông duy nhất của mình để lấy một cây vĩ cầm cho con. Người bà quyết đoán nhất định bắt cháu chơi piano thay vì balalaika. Cậu bé kiên cường chiến đấu với cây đàn hàng tháng ròng rã, vượt qua cái lắc đầu thương hại của ông giáo sư trường nhạc, sự chế nhạo của thằng bé hàng xóm.

Để đến khi cậu nhận thấy mình chơi bản nhạc số 24 cũng như chỉ “đập tay lên từng phím theo một trình tự nhất định” rồi sau đó đã kiên quyết từ bỏ việc học nhạc. Từ chối học nhạc nhưng cậu bé cũng nhận ra rằng, đời người như âm nhạc. “Âm nhạc lên bổng xuống trầm tựa như sóng biển, có lúc nó trang trọng, có lúc lặng lẽ, buồn rầu và vui tươi, hệt như cuộc sống”. Qua những chiêm nghiệm đó, con người dần trưởng thành.

Đó cũng chính là quan điểm của Likhanov. Nhà văn cho rằng, trẻ em thời chiến tranh hay thời bình đều có thể gặp những nỗi khổ tinh thần giống nhau. Ông không đứng “ở bên trên” để rao giảng, mà đặt mình vào vị trí các em, thông qua đó trình bày sự hình thành thế giới quan của thiếu niên và mối quan hệ của các em với người lớn, vai trò của gia đình và nhà trường trong giáo dục nhân cách học sinh bằng các chi tiết sinh động và sâu sắc.

Likhanov từng phát biểu: “Thật xấu hổ nếu như chỉ tỏ ra thương cảm cho những rắc rối của trẻ con trên trang giấy, mà cần bắt tay vào làm điều gì đó thực tế”.

Likhanov xúc động nhận bản in cuốn Ông tướng của tôi tiếng Việt xuất bản từ năm 1979. Ông rất cảm động và cho biết sẽ mang về ngôi nhà thờ của dòng họ ông ở Kirov để trưng bày.

Nhà văn đã xuất hiện ở Việt Nam vào tháng 5/2017 trong buổi ra mắt tác phẩm Ông tướng của tôi do NXB Kim Đồng tái bản. Tráng kiện so với tuổi 82, sắc sảo, thâm trầm và chừng mực, ông trông không có vẻ một “Ivan hồn hậu” như người ta vẫn hay miêu tả về kiểu người Nga điển hình.

Likhanov tất nhiên rất xúc động vì những tình cảm nồng hậu bền bỉ của độc giả Việt Nam dành cho văn học Xô viết cũng như cho riêng ông trong suốt mấy chục năm ròng. Mặc dù thời thế có đổi thay, thì bài học về những phẩm chất căn bản của một con người chính trực, dũng cảm vẫn không bao giờ thay đổi.

Lê Thượng Nhã

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/tac-pham-hay-cho-thieu-nhi-cua-nha-van-nga-viet-ong-tuong-cua-toi-post973084.html