Tái cấu trúc 244 cơ sở giáo dục đại học

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đang xây dựng và đưa ra lấy ý kiến góp ý dự thảo Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Dự kiến sẽ có khoảng 30 cơ sở GDĐH thành trường trọng điểm quốc gia, xóa hệ thống cao đẳng sư phạm, phát triển 5 đại học quốc gia trở thành các đại học thuộc nhóm hàng đầu châu Á...

Giải thể các cơ sở không đạt chuẩn

Mô hình quản lý thiếu thống nhất và phân mảnh do các cơ sở GDĐH chịu sự quản lý của nhiều bộ, ngành, địa phương. Do đó, yêu cầu được quy hoạch lại để nâng cao hiệu quả điều tiết về đào tạo nguồn nhân lực cấp vĩ mô là rất cần thiết. Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó vụ trưởng Vụ GDĐH, Bộ GD-ĐT cho hay: Theo dự thảo quy hoạch, đến năm 2030, toàn quốc có khoảng 250 cơ sở GDĐH và 50 phân hiệu thuộc 200 cơ sở GDĐH đầu mối, định hướng phân bố theo các vùng. Trong đó, khoảng 30 cơ sở GDĐH trọng điểm quốc gia, bao gồm 5 đại học quốc gia, 5 đại học vùng và từ 18 đến 20 cơ sở GDĐH trọng điểm ngành quốc gia. Đây là các đơn vị đầu tàu với quy mô đào tạo đại học trên toàn quốc là 30%, thạc sĩ 60% và tiến sĩ là 80%. Khoảng 100 cơ sở GDĐH đầu mối khác trực thuộc các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương. Ít nhất 70 cơ sở GDĐH tư thục, bao gồm cả các cơ sở GDĐH tư thục hoạt động không vì lợi nhuận, cơ sở GDĐH có vốn đầu tư nước ngoài.

Đại học Bách khoa Hà Nội là một trong những đơn vị được quy hoạch thành đại học quốc gia.

Cùng với đó sẽ củng cố, sắp xếp những trường đại học không đạt chuẩn cơ sở GDĐH theo các phương án tái cấu trúc và tập trung đầu tư để đạt chuẩn trong lộ trình từ 3 đến 5 năm; sáp nhập để trở thành một đơn vị đào tạo hoặc một phân hiệu của một cơ sở GDĐH có uy tín; đình chỉ hoạt động đào tạo trước năm 2028 và giải thể trước năm 2030. Quan điểm của Bộ GD-ĐT cơ bản không thành lập trường đại học công lập mới, trừ các trường hợp đặc biệt. Về đào tạo giáo viên, Bộ GD-ĐT dự kiến từng bước chuyển việc đào tạo ngành giáo dục mầm non trình độ cao đẳng sang các trường đại học sư phạm và các cơ sở GDĐH đa ngành có nhóm ngành đào tạo giáo viên. Từ sau năm 2030 chỉ tổ chức đào tạo giáo viên tại các cơ sở GDĐH.

Chia sẻ về quan điểm quy hoạch lần này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh: Quy hoạch thực chất là sắp xếp lại, mở rộng không gian phát triển và phân bổ không gian nhưng không giống như quy hoạch vùng hay quy hoạch Thủ đô. Tuy nhiên, giáo dục là một lĩnh vực đặc thù nên dù chỉ có 244 trường đại học nhưng nhiệm vụ quy hoạch khá khó khăn và phức tạp, có tác động lớn lên toàn hệ thống. Bởi vậy sẽ có những phạm vi, nội dung cụ thể, không phải là bản chiến lược phát triển và đáp ứng hết những mong đợi.

Mỗi lĩnh vực chỉ có 1 đến 2 trường trọng điểm

Phản hồi trước thông tin đến năm 2030 các trường cao đẳng sư phạm sẽ không còn đào tạo giáo viên, bà Nguyễn Thị Thanh, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương cho hay, hiện nay nguồn giáo viên đang thiếu hơn 51.000 giáo viên, nếu đào tạo giáo viên mầm non ở trình độ đại học sẽ càng gây thiếu hụt trầm trọng nguồn giáo viên này. Do đó, bà Thanh đề xuất sáp nhập 3 trường cao đẳng trực thuộc Bộ GD-ĐT là Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương, Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Nha Trang, Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương TP Hồ Chí Minh thành một cơ sở GDĐH để đào tạo nguồn giáo viên mầm non cho cả nước trong thời gian tới.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng, việc các trường cao đẳng sư phạm chỉ đào tạo một ngành duy nhất là sư phạm mầm non khiến cơ hội phát triển của các trường này rất khó khăn. Việc mở thêm một ngành khác hay sáp nhập thành một trường cao đẳng nghề đa ngành lại gây khó khăn trong quản lý. Để giải quyết vấn đề này, Bộ GD-ĐT đã ưu tiên các trường cao đẳng sư phạm sáp nhập với một trường đại học có đào tạo giáo viên hoặc sáp nhập trở thành một đơn vị đào tạo trong một trường đại học tại địa phương. Đây là phương án phát triển tốt nhất để đội ngũ giáo viên phát huy được năng lực.

Bày tỏ mong muốn trở thành đại học trọng điểm quốc gia, ông Nguyễn Hải Nam, Hiệu trưởng Trường Đại học Dược Hà Nội cho hay, ngành dược học là ngành học hết sức quan trọng, toàn quốc chỉ có một trường đại học dược. Vì vậy, đề nghị trong danh sách trường trọng điểm quốc gia bổ sung Trường Đại học Dược Hà Nội. Góp ý về dự thảo, ông Nguyễn Ngọc Long, Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải cho rằng, thay vì liệt kê trường trọng điểm, nên đưa ra điều kiện cụ thể để trở thành trường đại học trọng điểm; nhóm đáp ứng các điều kiện đưa ra, nhóm liên quan đến chất lượng đầu ra... để các trường làm căn cứ xem xét.

Liên quan đến đưa các trường vào danh mục trọng điểm, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn khẳng định, nguồn lực đầu tư của Nhà nước có hạn. Dự thảo hiện nay có 30 cơ sở giáo dục đầu mối, không thể đưa tất cả vào, mà tập trung các ngành học then chốt để tăng trưởng kinh tế, bám sát những nghị quyết của Đảng. Bộ GD-ĐT sẽ lấy ý kiến các bộ, ngành, nhưng mỗi lĩnh vực cũng chỉ xác định 1-2 cơ sở đào tạo. Nếu đưa vào nhiều sẽ không còn là trọng điểm. Bộ GD-ĐT sẽ tiếp thu ý kiến đóng góp, hoàn thiện dự thảo quy hoạch, làm rõ các tiêu chuẩn, tiêu chí.

(Theo qdnd.vn)

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/giao-duc/202312/tai-cau-truc-244-co-so-giao-duc-dai-hoc-997488/