Tái cấu trúc doanh nghiệp ngành cơ khí thích ứng với tình hình mới

Tái cấu trúc doanh nghiệp lúc này rất quan trọng đối với các doanh nghiệp nhất là khi COVID-19 khiến cho doanh nghiệp phải thay đổi phương thức hoạt động thích ứng nhanh với tình hình kinh doanh mới và trước xu hướng hội nhập cao của ngành cơ khí.

Ảnh minh họa (Nguồn: K.D)

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, để dễ tiếp cận, phân tích những hạn chế, bất cập nảy sinh từ thực tiễn của doanh nghiệp cơ khí nội địa Việt Nam, trước tiên chúng ta cùng nhau xác định các nội dung cơ bản và qui trình tái cấu trúc và cải cách doanh nghiệp.

Chúng ta, phải xác định bối cảnh, theo đó nhiệm vụ là phân tích chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như quốc tế; Những vấn đề định hướng và chính sách phát triển kinh tế ngành; Thị trường cũng như yêu cầu của thị trường về sản phẩm, dịch vụ mà doanh nghiệp đang theo đuổi; Bối cảnh nguy hiểm của COVID-19 và trạng thái bình thường mới sau đại dịch.

Theo đó, đánh giá thực trạng của doanh nghiêp, đánh giá điểm yếu, điểm mạnh, từ đó tìm nguyên nhân, tính lợi thế của những vấn đề chính như: Ngành nghề, thị trường sản phẩm, dịch vụ; Trình độ kỹ thuật công nghệ, dây chuyền sản xuất; Nhân lực, mô hình tổ chức; Hệ thống quản trị và tính tuân thủ pháp lý; Kỷ luật lao động, văn hóa doanh nghiệp, an ninh, an toàn và quản lý sự thay đổi; Tình hình tài chính và sự minh bạch.

Cùng với đó, cần xây dựng chiến lược, xác định mục tiêu tái cấu trúc và cải cách, củng cố tầm nhìn chiến lược, xác định lộ trình với từng mục tiêu cải cách và đặt ưu tiên cho một mô hình quản lý tiên tiến bao hàm tính kỷ luật cao, tính nổi bật trong văn hóa doanh nghiệp, phù hợp thông lệ quốc tế. Đồng thời, xây dựng đề án tái cấu trúc và cải cách doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới cùng các nguồn lực mà từng doanh nghiệp đang sở hữu, sẽ là những vấn đề rất cơ bản để người quản lý doanh nghiệp quyết định nội dung, qui trình hướng tới mục tiêu tái cấu trúc và cải cách.

Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam khẳng định, trong bối cảnh hiện tại, chúng ta nêu ra một số vấn đề mang tính cốt lõi, đang là mối quan tâm của nhiều doanh nghiệp cơ khí nội địa Việt Nam như tái cơ cấu ngành nghề, thị trường sản phẩm và dịch vụ. Theo đó, khả năng, mức độ đầu tư cho cải cách các nguồn lực để định hình lại một cách xuyên suốt, rõ ràng sản phẩm chính của doanh nghiệp là gì và phải rất khả thi, đủ tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu của khách hàng mục tiêu (giữ nguyên và nâng cao chất lượng, loại bỏ bớt hay bổ sung thêm) và chắc chắn cho việc sản xuất kinh doanh được duy trì vượt đại dịch, từng bước ổn định và có lãi.

Cùng với đó là tái cấu trúc tổ chức, nguồn nhân lực, nhiệm vụ được thực thi trên nguyên tắc thị trường: “Mục tiêu - định việc - định biên” với lực lượng lao động đạt chuẩn phù hợp. Đặc biệt là thiết lập cơ cấu tổ chức tinh gọn, bao gồm đầy đủ tính tuân thủ, kỷ luật, văn hóa doanh nghiệp, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí phân tích, tái cấu trúc tài chính với nguyên tắc công khai minh bạch, huy động và phát huy tối đa nguồn tiền, tài sản mà doanh nghiệp đang có, tìm kiếm sự hỗ trợ từ chính sách cho cải cách nhất là giai đoạn thảm họa dịch bệnh, thương thảo với đối tác kinh doanh.v.v, sao để có tiền cho duy trì hoạt động hàng ngày. Và những vấn đề cần được lưu tâm, dựa trên phân tích chuyên môn, tuân thủ pháp lý như: Phương án vốn điều lệ và cơ cấu sở hữu (tăng hoặc giảm vốn, thoái hoăc đầu tư thêm vốn ra ngoài doanh nghiệp); Cơ cấu nợ và các giá trị khác để duy trì dòng tiền; Kế hoạch tài chính hợp lý; Chuẩn hóa chính sách ghi nhận doanh thu, phân tích chi phí, lưu chuyển tiền tệ, phân tích hệ số biên lợi nhuận gộp; Kiểm tra, giám sát công tác tác kế toán và báo cáo tài chính.

Theo đó, doanh nghiệp cơ khí nội địa Việt Nam đã ý thức sâu sắc và hiểu rất rõ việc tái cơ cấu, cải cách nguồn lực là yếu tố tiên quyết để tồn tại và phát triển trong nền kinh tế thị trường, hội nhập sâu rộng. Chính vậy nên các doanh nghiệp cũng đã huy động tối đa trí lực và tâm huyết triển khai thực hiện, có nhiều đơn vị đã ký hợp đồng thuê các tổ chức, chuyên gia tư vấn có uy tín, thương hiệu (quốc tế và trong nước) để khảo sát, xây dựng, thẩm định thực hiện đề án tái cấu trúc. Đến thời điểm hiên tại, bên cạnh những thành công của một số doanh nghiệp, thì thực tiễn cũng đã nảy sinh và chỉ ra nhiều hạn chế, khó khăn, bất cập làm gia tăng sự trăn trở của người quản lý doanh nghiệp.

Tuy nhiên, những biến động không thể đoán định của bối cảnh làm cản trở, hủy hại lộ trình hướng đến mục tiêu tái cấu trúc doanh nghiệp. Các yếu tố kỹ thuật công nghệ, dây chuyền sản xuất, nguyên vật liệu đầu vào cho gia công, chế tạo sản phẩm cơ khí và dịch vụ liên quan về cơ bản đều nhập từ nước ngoài. Vậy nên, khi có biến động kinh tế, chính trị thế giới, sẽ làm sụt giảm thị trường, nguồn cung thiếu ổn định, giá cả tăng cao... đó là những khó khăn, thách thức mà doanh nghiệp cơ khí Việt Nam không thể lường trước được.

Hơn nữa, từ đầu năm 2020 thì COVID-19 bất ngờ xuất hiện, nó tàn phá kinh tế thế giới và gây tổn thất kinh hoàng. Hiện dịch bệnh vẫn đang diễn biến nguy hiểm, phức tạp, gây khủng hoảng kinh tế toàn cầu, thị trường sụt giảm, chuỗi cung ứng đứt gẫy, đời sống nhân loại muôn vàn khó khăn, những trật tự vốn có đã bị thay đổi toàn diện và sâu sắc.v.v. Những tác động nguy hiểm, tiêu cực đến doanh nghiệp hiện thời là chưa thể định lượng và nó đã hủy hại những nỗ lực vượt khó hướng tới mục tiêu của từng doanh nghiệp trong công cuộc tái cấu trúc và cải cách.

Thêm vào đó, thực tế của ngành công nghiệp cơ khí Việt Nam, ngoài bao gồm những tập đoàn, doanh nghiệp cơ khí có chủ sở hữu vốn là tư nhân hoặc tổ chức kinh tế tư nhân, thì hiện nay có rất nhiều Bộ, Ngành (Công thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Xây dựng, Ủy ban quản lý vốn nhà nước...) và tất cả các địa phương trên phạm vi cả nước đều là cơ quan quản lý trực tiếp, sở hữu phần trăm vốn có quyền chi phối hoặc phủ quyết theo luật định tại các doanh nghiệp cơ khí nội địa.

Từ thực tiễn đó, các hội, hiệp hội liên quan đến công nghiệp cơ khí được thành lập (trong đó có Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam - VAMI) trên nguyên tắc tự nguyện tham gia của các thành viên. Một trong những nhiệm vụ cơ bản của các hiệp hội là kết nối hai chiều giữa cơ sở và các cơ quan quản lý để giải quyết những vấn đề thực tiễn liên quan đến định hướng, cơ chế, chính sách, đặc biệt là cập nhật những thông tin mang ý nghĩa chiến lược để giúp tăng nguồn lực cho các đơn vị, doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện tại có rất nhiều hội, hiệp hội được thành lập và sự tham gia của các doanh nghiệp, đơn vị hoạt động trong cùng lĩnh vực phân tán, thậm chí theo khu vực, vùng miền. Hơn nữa, hiện tại hoạt động của các hiệp hội chưa được luật hóa, đặc biệt là các điều kiện cho hoạt động của hiệp hội còn hạn hẹp, nên việc cung cấp, bổ sung thêm thông tin cơ bản phục vụ củng cố, tăng cường cho nguồn lực của doanh nghiệp chưa đạt kỳ vọng và còn nhiều trăn trở.

Qua phân tích chúng ta thấy, thực tiễn của việc tiếp cận, nắm bắt thông tin chung về hiện trạng ngành công nghiệp cơ khí nội địa, tiềm năng nhu cầu sản phẩm cơ khí trong nước cũng như quốc tế là rất khó và vô cùng hạn chế, việc cập nhật phân tán và chưa đủ tính bao quát mang tầm chiến lược. Hơn nữa, những số liệu nhập khẩu vật tư thiết bị từ nước ngoài về phục vụ phát triển kinh tế ngành, các hiệp hội, các doanh nghiệp cũng chưa có cơ hội hoặc không nắm được một cách đầy đủ, chính xác theo thời gian và theo kế hoạch phát triển kinh tế của đất nước. Đó chính là nguyên nhân cơ bản dẫn đến sai lệch tầm nhìn chiến lược và nảy sinh nhiều bất cập, chồng chéo, bị động trong suốt quá trình thực thi tái cấu trúc và cải cách doanh nghiệp cơ khí nội địa Việt Nam mà chúng ta cần tái cấu trúc lại để thích ứng với tình hình mới.

A.N

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/kinh-te-va-hoi-nhap/tai-cau-truc-doanh-nghiep-nganh-co-khi-thich-ung-voi-tinh-hinh-moi-591629.html