Tài chính 24h: Doanh nghiệp lại bức xúc vì ngân hàng tăng phí

Không chỉ khách hàng cá nhân mà một số doanh nghiệp cũng bất ngờ với mức phí giao dịch qua tài khoản, thẻ ATM vừa được ngân hàng điều chỉnh tăng.

Ảnh minh họa.

Phí ngân hàng tăng, doanh nghiệp bức xúc

Anh Thanh, giám đốc một công ty luật đang mở tài khoản doanh nghiệp (DN) tại Ngân hàng (NH) TMCP Quốc tế (VIB), xác nhận vừa nhận được tin nhắn trừ tiền các loại phí dịch vụ với mức phí tăng 3-4 lần so với trước.

Xu hướng tăng phí giao dịch qua thẻ ATM, tài khoản cũng được nhiều NH thương mại áp dụng gần đây, gây phản ứng cho cả khách cá nhân lẫn DN.

Theo anh Thanh, anh vừa nhận được thông báo trừ phí SMS Banking với mức tăng từ 50.000 đồng/tháng lên 200.000 đồng/tháng, phí dịch vụ Internet Banking (phí duy trì dịch vụ hằng năm, gói dịch vụ truy vấn) tăng từ 350.000 đồng/tháng lên 1 triệu đồng/tháng. Chưa hết, công ty của anh còn bị thu thêm 1 triệu đồng phí duy trì số dư tối thiểu tài khoản tiền gửi thanh toán, áp dụng cho tài khoản đang hoạt động có số dư nhỏ hơn số dư tối thiểu. (Xem thêm)

3 điểm sáng quan trọng từ báo cáo tài chính 2017 của VAMC

Tại ngày 31/12/2017 số dư trái phiếu đặc biệt VAMC đã phát hành cho các tổ chức tín dụng (TCTD) là 182.684 tỷ đồng, giảm 12.032 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, trái phiếu đặc biệt loại kỳ hạn 6 năm không còn, trong khi năm trước là hơn 528,7 tỷ đồng; loại trái phiếu kỳ hạn 5 năm giảm khoảng 15.000 tỷ đồng; loại trái phiếu kỳ hạn 10 năm tăng thêm 3.050 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2016.

Trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành 182.684,2 tỷ đồng có mệnh giá 199.047,4 tỷ đồng, VAMC đã ghi giảm hơn 16.363 tỷ đồng cho khối lượng trái phiếu đặc biệt nói trên thông qua nghiệp vụ thu hồi nợ xấu đã mua từ các TCTD bằng hình thức trái phiếu đặc biệt. So với thời điểm cuối năm 2016, nợ mua bằng trái phiếu đặc biệt mà VAMC đã thu hồi được tăng thêm 3.394 tỷ đồng. (Xem thêm)

Tòa bác đề nghị hoãn xử của luật sư bào chữa cho Hứa Thị Phấn

Phiên xét xử vụ Hứa Thị Phấn và 27 đồng phạm sáng 8/5, sau phần thủ tục, hội đồng xét xử (HĐXX) ghi nhận và trả lời các ý kiến của các luật sư bào chữa cho các bị cáo.

Các luật sư bào chữa cho bị cáo Hứa Thị Phấn gồm Trương Thị Minh Thơ, Lưu Văn Tám đề nghị hoãn phiên tòa vì lý do vắng mặt của bị cáo Phấn không đảm bảo quyền của bị cáo, nhiều chứng cứ vụ án chưa thu thập đủ.

Trả lời các luật sư trên, HĐXX cho biết, đã nhận được đơn, trong đó có cả đơn của luật sư Trương Thị Thủy trước đó cùng với lý do. (Xem thêm)

TS. Cấn Văn Lực: Ngân hàng chỉ nên tăng trưởng dựa trên khả năng kiểm soát rủi ro

Đánh giá về quá trình tái cơ cấu hệ thống trong thời gian qua, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính cho rằng, tới thời điểm này, nhà điều hành đã hoàn thành cơ bản một số mục tiêu.

Thứ nhất, đã không để xảy ra đổ vỡ hệ thống trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp và phải xử lý nhiều vấn đề cùng lúc.

Thứ hai, hệ thống ngân hàng đã lành mạnh hơn trước, thể hiện qua một loạt các chỉ tiêu tài chính.

“Khi mới bắt đầu có Đề án 254, tháng 9/2012, nợ xấu toàn hệ thống ở mức khoảng 17,2%. Đến thời điểm cuối năm ngoái, theo số liệu của NHNN và Fitch, tỷ lệ nợ xấu và nợ tiềm ẩn đã giảm xuống còn khoảng 7,4%. Và theo dự báo của Fitch, đến cuối năm nay, con số này sẽ chỉ còn 6%”, ông Lực nói. (Xem thêm)

Vay tiêu dùng: Đọc kỹ trước khi ký để bảo vệ mình

Lý giải về lý do lãi suất cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính (CTTC) ở mức cao hơn so với lãi suất của các ngân hàng thương mại, TS. Đinh Thế Hiển phân tích: “Khách hàng muốn vay lãi suất thấp thì phải có tài sản thế chấp để đảm bảo tính an toàn giống như các ngân hàng. Tuy nhiên, các CTTC cho vay theo hình thức tín chấp nên phải có lãi suất cao hơn nhằm đề phòng rủi ro có thể xảy ra...”

Đồng quan điểm, TS. Vũ Thị Thanh Thủy, Trưởng Bộ môn Tài chính, Trường Đại học Lao động – Xã hội, bổ sung: “Ngân hàng có thể huy động được nguồn vốn lớn từ người dân trong khi các CTTC buộc phải đi vay lại hoặc huy động vốn từ tổ chức do khuôn khổ pháp luật quy định nên chi phí vốn sẽ cao hơn rất nhiều. Điều này dẫn đến việc lãi suất của các CTTC sẽ cao hơn là điều dễ hiểu.”. (Xem thêm)

Trợ thủ của “bà trùm” Hứa Thị Phấn bế con 3 tuần tuổi tới tòa

Sáng nay (8/5), TAND TP.HCM bắt đầu xét xử vụ Hứa Thị Phấn và 27 đồng phạm trong vụ "rút ruột", gây thiệt hại cho Ngân hàng Đại Tín hơn 6.300 tỷ đồng.

Trong phần thủ tục, bị cáo Bùi Thị Kim Loan, kế toán Công ty Phú Mỹ, một trợ thủ đắc lực cho bà Sáu Phấn đến tòa trễ, trùm khăn kín và bế theo con nhỏ.

Theo đó, bị cáo Loan khai mới sinh con ngày 17/4/2018 (tức được 3 tuần tuổi). Chủ tọa cho biết, đã bố trí bác sĩ sản nhi để hỗ trợ bị cáo Loan khi cần và cho phép bị cáo Loan được về phòng riêng. (Xem thêm)

LINH LINH

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/tai-chinh/tai-chinh-24h-doanh-nghiep-lai-buc-xuc-vi-ngan-hang-tang-phi-3448735.html