Tài chính 24h: Hạ giá VND để hỗ trợ xuất khẩu?

Một số ý kiến chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần theo một chính sách tỷ giá mềm dẻo, tức là nên giảm giá đồng VND so với USD nhưng không giảm mạnh như CNY để hỗ trợ xuất khẩu.

Ảnh minh họa.

Giảm giá VND để hỗ trợ xuất khẩu: Nên hay không?

Tháng 6 và đầu tháng 7 đánh dấu chuỗi biến động mạnh của thị trường ngoại hối khi tỷ giá USD/VND tăng mạnh 150 đồng, bật lên khỏi nền giá duy trì trong hơn một năm qua.

Tỷ giá tiếp tục tăng thêm 100 đồng trong 2 tuần đầu tháng 7, tương đương mức tăng 1,1% chỉ trong vòng 1 tháng và giao dịch ở mức 23.010/23.080 đồng trên thị trường ngân hàng.

Tỷ giá tự do cũng chịu áp lực và tăng mạnh 360 đồng lên mức 23.180/23.230 đồng, đồng thời chênh lệch giá mua bán tăng từ 20 đồng lên 50 đồng. (Xem thêm)

Vì sao ngân hàng “ngại” cho doanh nghiệp nhỏ vay vốn?

Năm 2018 mục tiêu tăng trưởng tín dụng 17%. Đến cuối tháng 6/2018, tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng tại TP.HCM chỉ khoảng 7,5%. Vì vậy, với dư địa tăng trưởng tín dụng còn lại, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM cho rằng không thiếu vốn cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, TP.HCM còn có nhiều chương trình cấp vốn cho doanh nghiệp, tiểu thương thông qua các chương trình kết nối giữa các nhóm doanh nghiệp và ngân hàng thương mại, triển khai các chính sách ưu đãi về lãi suất...

Đồng thời, TP.HCM có chương trình hỗ trợ doanh nghiệp theo ngân sách thành phố, nhiều khoản vay không tính lãi, hỗ trợ toàn bộ lãi vay (lĩnh vực y tế, giáo dục đào tạo, văn hóa thể thao, công nghệ cao), hoặc hỗ trợ 50% lãi vay (lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ)… (Xem thêm)

Thanh khoản eo hẹp, lãi suất liên ngân hàng tiếp tục tăng

Báo cáo trái phiếu tuần của CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, tuần vừa qua, NHNN đã không phát hành tín phiếu mới, trong khi đó lượng vốn đáo hạn qua kênh này đạt 27.400 tỷ đồng.

Như vậy, NHNN đã bơm ròng 27.400 tỷ đồng qua kênh tín phiếu tuần qua.

Diễn biến bơm ròng tuần vừa qua cho thấy thanh khoản toàn hệ thống đang có phần eo hẹp hơn so với các tuần trước đó. (Xem thêm)

“Đo” áp lực lãi suất bằng thanh khoản

Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (NFSC) cho biết, 6 tháng đầu năm, thanh khoản hệ thống TCTD tương đối dồi dào do được hỗ trợ từ việc NHNN mua được lượng lớn ngoại tệ và cung ứng tiền ròng khoảng 210.000 tỷ đồng ra thị trường từ đầu năm đến nay.

Theo NFSC, vốn huy động tăng mạnh hơn so với cùng kỳ năm 2017. Đến cuối tháng 6/2018, tổng vốn huy động từ tổ chức kinh tế và cá nhân tăng khoảng 8% so với cuối năm 2017 (cùng kỳ năm 2017 tăng 6,8%). Tổng phương tiện thanh toán (M2) tăng 4,01% trong quý I/2018, thì đến ngày 20/6 đạt 7,96%, cao hơn so với mức tăng 6,89% của cùng kỳ năm 2018.

CTCK Bảo Việt (BVSC) nhận định, việc M2 tăng trưởng cao hơn cùng kỳ chủ yếu đến từ động thái bơm tiền đồng để mua vào ngoại tệ nhằm tăng dự trữ ngoại hối 6 tháng đầu năm, hiện đã đạt mức kỷ lục 63,5 tỷ USD. (Xem thêm)

“Tỷ giá biến động nhưng sẽ không căng thẳng”

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, hiện có rất nhiều chính sách hỗ trợ vốn dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, thông qua 3 cơ chế tác động gồm: tín dụng, lãi suất và tỷ giá.

Về cơ chế tín dụng, trước đây giai đoạn 2011 – 2012, tín dụng được thắt chặt, tăng trưởng tín dụng ở mức 8% - 10%, nhưng ở giai đoạn 2016 – 2018, mục tiêu tăng trưởng tín dụng được đề ra khoảng 18% - 20%. Năm 2018 mục tiêu tăng trưởng tín dụng 17%, nhưng đến cuối tháng 6/2018, tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng tại TP. Hồ Chí Minh chỉ khoảng 7,5%. Vì vậy, với dư địa tăng trưởng tín dụng còn lại, TP. Hồ Chí Minh không thiếu vốn cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng đang tích cực xử lý nợ xấu, tạo nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp. Tính đến cuối tháng 5/2018, tỷ lệ nợ xấu ở TP. Hồ Chí Minh khoảng 3% và nếu không tính nợ xấu của 3 ngân hàng 0 đồng, nợ xấu của toàn hệ thống tại TP. Hồ Chí Minh chỉ ở mức 1,7%, thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. (Xem thêm)

Bảo Việt chuẩn bị chi hơn 700 tỷ đồng trả cổ tức năm 2017

Tập đoàn Bảo Việt (mã BVH) vừa thông báo kế hoạch chi trả cổ tức năm tài chính 2017 bằng tiền mặt cho cổ đông hiện hữu.

Theo đó, 3/8 là ngày đăng ký cuối cùng và đến ngày 31/8, BVH sẽ thực hiện chi trả cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 10%/mệnh giá, tương đương cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ nhận được 1.000 đồng.

Với gần 700,9 triệu cổ phiếu đang lưu hành, số tiền Bảo Việt sẽ chi cho lần trả cổ tức này là hơn 700 tỷ đồng, bằng 68,3% lợi nhuận sau thuế của năm 2017.

Hiện Bộ Tài chính nắm gần 71% vốn Bảo Việt, ước tính Bộ sẽ thu về 490 tỷ đồng từ cổ tức này. (Xem thêm)

Chính phủ chi hơn 100.000 tỷ đồng trả nợ trong 6 tháng

Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, tổng thu ngân sách ước đạt 651.700 tỷ đồng, bằng 49,4% dự toán, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2017. Trong khi đó, chi ngân sách cũng lên tới 649.200 tỷ đồng, bằng 42,6% dự toán, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2017.

Đáng lưu ý, tổng trị giá chi trả nợ trong 6 tháng đầu năm của Chính phủ là 102.594 tỷ đồng gồm: trả nợ trong nước là 81.011 tỷ đồng; trả nợ nước ngoài là 21.583 tỷ đồng, bằng 40,5% kế hoạch trả nợ trong năm 2018.

Bộ Tài chính đánh giá, nhìn chung, công tác huy động vốn vay, trả nợ Chính phủ, công tác cho vay lại, cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ bám sát Kế hoạch vay trả nợ năm 2018 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. (Xem thêm)

6 tháng đầu năm 2018, SCB đạt lợi nhuận 94 tỷ đồng

Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đã công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2018. Theo đó, tính đến ngày 30/06/2018, tổng tài sản của SCB tăng trưởng 33.446 tỷ đồng so với đầu năm, đạt mức 476.673 tỷ đồng.

SCB tiếp tục giữ vững vị trí số một về tổng tài sản trong nhóm các ngân hàng TMCP ngoài quốc doanh. Trong nửa đầu năm, SCB huy động vốn trên thị trường 1 tăng 31.653 tỷ đồng, tương ứng tăng 8,9% so với đầu năm, đạt 385.465 tỷ đồng.

SCB cũng cho vay khách hàng ở mức 12%, tương ứng tăng 31.880 tỷ đồng, đưa tổng dư nợ lũy kế lên mức 298.381 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ quá hạn và nợ xấu trên tổng dư nợ được SCB duy trì ở mức thấp, lần lượt là 0,67% và 0,51%. (Xem thêm)

LINH LINH

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/tai-chinh/tai-chinh-24h-ha-gia-vnd-de-ho-tro-xuat-khau-3460537.html