Tài chính 24h: Nên siết tín dụng ở mức 12 - 14% để kiểm soát lạm phát

'Mục tiêu tăng trưởng GDP trong năm nay gần như đã đạt được. Vì vậy, chính sách tiền tệ cần chuyển hướng từ hỗ trợ tăng trưởng sang thận trọng với lạm phát... Tôi cho rằng, trong năm nay, tín dụng chỉ nên tăng 10 - 12%, hạn chế cung tiền ra nền kinh tế', TS. Phạm Thế Anh - chuyên gia kinh tế khuyến nghị.

Ảnh minh họa.

Đề nghị siết tín dụng ở mức 12 - 14%

TS. Phạm Thế Anh cho rằng, Việt Nam đã vượt qua giai đoạn suy giảm và đang lấy lại tốc độ tăng trưởng. Tuy nhiên, chúng ta cần hướng vào tăng trưởng bền vững, thực chất, tránh tăng trưởng dựa quá nhiều vào tín dụng như trước đây.

“Mục tiêu tăng trưởng GDP trong năm nay gần như đã đạt được. Vì vậy, chính sách tiền tệ cần chuyển hướng từ hỗ trợ tăng trưởng sang thận trọng với lạm phát, vì sức ép lạm phát là nguy cơ lớn nhất của nền kinh tế trong mấy tháng cuối năm. Tôi cho rằng, trong năm nay, tín dụng chỉ nên tăng 10 - 12%, hạn chế cung tiền ra nền kinh tế”, TS. Phạm Thế Anh khuyến nghị. (Xem thêm)

Sau vài tháng gần như giữ nguyên, lãi suất cho vay đã bắt đầu tăng

Báo cáo của Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) cho biết, lãi suất cho vay tiền đồng bình quân tăng 0,25% lên 9,5% trong tháng 9 từ 9,25% trong tháng 8. Sau vài tháng gần như giữ nguyên, thì lãi suất cho vay đã bắt đầu tăng vào tháng 8 và tháng 9 với mức tăng tổng cộng trong 2 tháng là 0,48%.

Do vậy lãi suất cho vay bình quân hiện tại cao hơn 0,46% so với tại thời điểm cuối năm ngoái là 9,04%. Nói chung, lãi suất cho vay kỳ hạn ngắn rơi vào 7-9% còn trung dài hạn rơi vào 9-12,5%. (Xem thêm)

Lãi suất: Bài toán khó cuối năm

Ghi nhận trên thị trường cho thấy, nhiều ngân hàng đã có động thái điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi. Đơn cử Vietcombank vừa điều chỉnh lãi suất tiết kiệm hôm 8/10. Hiện ngân hàng này áp dụng lãi suất kỳ hạn 1-2 tháng 4,4%/năm (tăng 0,1 điểm %); kỳ hạn 3 tháng là 4,8%/năm; kỳ hạn 6 tháng là 5,5%/năm - hai kỳ hạn này đều tăng 0,2%/năm. Trước đó, Agribank cũng tăng lãi suất huy động từ 0,2-0,3 điểm % kỳ hạn ngắn. Hai ông lớn còn lại là BIDV, VietinBank đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động nhiều kỳ hạn thêm từ 0,2-0,4 điểm %. (Xem thêm)

Ngân sách Nhà nước: Nguồn thu hẹp dần, “cửa” chi phình ra

Theo ông Nguyễn Minh Tân, Vụ phó Vụ Ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính, tỷ trọng các khoản thu từ sản xuất kinh doanh có xu hướng giảm xuống cho thấy dư địa thu ngân sách ngày càng hạn chế.

“Chúng tôi xác định sản xuất kinh doanh là gốc là nền tảng để thu NSNN nhưng tỷ trọng các khoản thu trực tiếp từ sản xuất kinh doanh giảm cho thấy dư địa và khả năng tài chính ngân sách của doanh nghiệp có vấn đề”, ông Tân nhấn mạnh. (Xem thêm)

Việt Nam có thể rơi vào trạng thái “rủi ro lưỡng cực” trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung

Theo lý giải của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại bản báo cáo, rủi ro lưỡng cực được hiểu là có thể bị cuốn vào vòng xoáy “phá giá nội tệ để cạnh tranh” và theo đó, diễn biến tỷ giá VND/USD sẽ trở nên khó lường hơn. Nếu cố gắng hạn chế tỷ giá biến động mạnh, nghĩa là cố gắng neo giữ đồng nội tệ ở mức độ nhất định so với đồng USD, thì khi USD tăng giá mạnh, VND cũng sẽ tăng giá so với các đồng tiền khác, điều này ảnh hưởng rất lớn tới xuất khẩu và sau đó là tăng trưởng kinh tế. (Xem thêm)

Ngân hàng quốc doanh tăng mạnh lãi suất, nên gửi tiền vào đâu?

Ở kỳ hạn 1 tháng, lãi suất của Agribank, Vietcombank, BIDV và VietinBank cùng ở mức từ 4,4-4,5%/năm, cao hơn 0,1-0,2% so với Lienvietpostbank. Lãi suất kỳ hạn 6 tháng của nhóm ngân hàng quốc doanh cũng cao hơn 0,2% so với nhà băng tư nhân này.

Đặc biệt, tại mức kỳ hạn 12 tháng và dưới 18 tháng, nhóm ngân hàng quốc doanh đang đưa ra mức lãi suất rất cạnh tranh so với nhóm tư nhân. Cụ thể, lãi suất đối với khoản tiền gửi kỳ hạn 1 năm tại BIDV hiện ở mức 6,9%/năm, bằng Sacombank và cao hơn nhóm ngân hàng tư nhân như ACB; Eximbank; Techcombank hay Lienvietpostbank... cùng ở mức 6,8%/năm. (Xem thêm)

HOÀNG HÀ

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/ngan-hang/tai-chinh-24h-nen-siet-tin-dung-o-muc-12-14-de-kiem-soat-lam-phat-3475191.html