Tài chính: 'Mặt trận' kế tiếp của thương chiến Mỹ - Trung?

Đằng sau bầu không khí phấn chấn đạt được sau thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, dường như có kdấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang lên kế hoạch cho một tương lai không mấy thân thiện với Mỹ.

Tài chính rất có thể sẽ là mặt trận kế tiếp của thương chiến Mỹ - Trung. (Nguồn: Reuters)

Những chi tiết về một thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc được đưa ra gần đây hẳn đã khiến cộng đồng quốc tế và giới kinh doanh cảm thấy nhẹ nhõm dù vẫn tỏ ra thận trọng.

Nội dung tuy còn mơ hồ và vẫn còn nhiều tranh cãi xoay quanh những điểm cụ thể, nhưng thỏa thuận này dường như đã ngăn chặn một đợt áp thuế mới gây tổn hại - và chí ít cũng đồng nghĩa với việc hai đối thủ kinh tế đáng gờm này vẫn đang thảo luận với nhau.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, cảm giác nhẹ nhõm như vậy là hơi sớm. Những vấn đề lớn nhất mà mối quan hệ Mỹ-Trung đang phải đối mặt, từ công nghệ mới tới cuộc khủng hoảng ở Hong Kong (Trung Quốc), vẫn chưa được giải quyết. Và khi xem xét kỹ lưỡng cuộc thảo luận trong nội bộ Trung Quốc, người ta nhận thấy tiền tuyến tương lai trong cuộc xung đột Mỹ-Trung có thể đã thành hình: cuộc chiến tài chính.

Những lo ngại của Trung Quốc

Nhiều người thuộc giới tinh hoa Trung Quốc, ngay cả những người từ lâu chủ trương ủng hộ cải cách thị trường và mở cửa nền kinh tế, cũng nhận thấy tương lai ảm đạm của quan hệ Mỹ-Trung và ngày càng chú trọng vào “bá quyền tài chính” toàn cầu của Mỹ như một nguy cơ dài hạn đối với Trung Quốc.

Nhà kinh tế học Lâu Kế Vĩ, người từng giữ chức Bộ trưởng Tài chính, điều hành Quỹ đầu tư quốc gia khổng lồ của Trung Quốc, từng nhận định trên tờ South China Morning Post rằng: “Bước đi tiếp theo trong va chạm giữa Mỹ và Trung Quốc là cuộc chiến tài chính. Chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa dân túy đang thắng thế ở Mỹ, do đó nước này sẽ làm tất cả những gì có thể để sử dụng các biện pháp mang tính bắt ép và mở rộng quyền tài phán của Mỹ”.

Ông cho biết, trong cuộc chiến tài chính này, Mỹ sẽ lợi dụng khả năng chi phối hệ thống tài chính quốc tế để gây tổn hại cho Trung Quốc - và Trung Quốc sẽ phản công.

Tại Trung Quốc, những mối quan ngại về sức mạnh tài chính của Mỹ đã nổi lên trong suốt năm 2019 và gia tăng đáng kể trong những tháng gần đây.

Việc Giám đốc điều hành Huawei Mạnh Vãn Châu bị bắt giữ được cho là do có sự hợp tác của các thể chế ngân hàng Mỹ trong việc chứng minh rằng Huawei đã vi phạm các biện pháp trừng phạt đối với Iran. Vụ việc đình đám này đã khiến Bắc Kinh phản ứng gay gắt và chỉ trích động thái này “được thúc đẩy bởi những ý định và sự thao túng chính trị mạnh mẽ”.

Dù vậy, có nhiều lý do để cho rằng một cuộc chiến tài chính sẽ không nổ ra trong nay mai. Những rào cản ngăn chặn biến động rất khó bị loại bỏ do sự thống trị của đồng USD và sự phụ thuộc của Trung Quốc vào vốn đầu tư nước ngoài, cùng nhiều lý do khác.

Việc Giám đốc điều hành Huawei Mạnh Vãn Châu bị bắt giữ được cho là do có sự hợp tác của các thể chế ngân hàng Mỹ. (Nguồn: CNBC)

Phần lớn dự trữ tiền tệ của thế giới là bằng đồng USD, và đồng tiền này vẫn có vai trò không thể thay thế trong thương mại và các giao dịch quốc tế. Nhà sử học Adam Tooze đã gọi đây là “bá quyền của trục USD-Bộ Tài chính Mỹ trong tài chính toàn cầu”. Kết quả là ngay cả trong Sáng kiến Vành đai và Con đường mang dấu ấn của Tập Cận Bình, các hợp đồng cũng đều được thực hiện bằng đồng USD.

Bắc Kinh tìm cách đáp trả

Một “cuộc chiến tài chính” với Trung Quốc trên thực tế sẽ diễn ra như thế nào? Một mục tiêu gây quan ngại đối với Trung Quốc là sự thống trị của Mỹ đối với cơ sở hạ tầng của giới tài chính.

Trung Quốc lo ngại về một hệ thống cơ sở hạ tầng rất cụ thể, đó là Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng quốc tế (SWIFT) - hệ thống trao đổi thông tin tài chính quốc tế được sử dụng rộng rãi cho các khoản thanh toán xuyên biên giới.

SWIFT có trụ sở tại Bỉ và tự nhận là “một nhà cung cấp dịch vụ toàn cầu trung lập”, nhưng vì sức mạnh rất lớn của Mỹ, hiệp hội này đã tuân thủ các biện pháp trừng phạt của Mỹ (chẳng hạn như các biện pháp nhằm cô lập các ngân hàng của Iran) bất chấp sự phản đối của Liên minh châu Âu. Điều này khiến SWIFT trở thành một công cụ rất hiệu quả để Mỹ gây ảnh hưởng tới các thị trường tài chính toàn cầu.

Trong những bình luận của mình, chuyên gia Lâu Kế Vĩ đã kêu gọi Trung Quốc và các quốc gia khác thiết lập “các hệ thống thanh toán quốc tế độc lập” mà sẽ làm suy yếu sức ảnh hưởng của Mỹ đối với nền kinh tế của những nước này.

Không rõ liệu Trung Quốc có thể có một lựa chọn thay thế thực sự trong thời gian tới hay không. Trung Quốc đã bắt đầu vận hành Hệ thống chi trả liên ngân hàng xuyên biên giới vào năm 2015, nhưng hệ thống này không nhận được sự hưởng ứng, và một số học giả Trung Quốc đã thừa nhận rằng việc thay thế SWIFT là “hoàn toàn bất khả thi”.

Một chuyên gia tài chính đã đề xuất khả năng Trung Quốc sẽ có thể viện tới nguồn lực có khả năng đem lại cho họ sức ảnh hưởng lớn nhất: "Tổng nợ công 1.100 tỷ USD của nước này với Mỹ". Tuy nhiên, cũng theo chuyên gia này, việc sử dụng khoản nợ công của Trung Quốc với Mỹ như một vũ khí sẽ có tác động thảm khốc đối với cả Trung Quốc lẫn Mỹ, tương đương với một cuộc tấn công hạt nhân trong giới tài chính.

Thanh Dung

(theo Politico)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tai-chinh-mat-tran-ke-tiep-cua-thuong-chien-my-trung-106904.html