Tái cơ cấu ngân hàng, sao phải chờ nhà đầu tư ?

Hàng loạt ngân hàng sáp nhập, tái lập lại hệ thống trong thời gian qua cho thấy hướng đi của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là đúng đắn trong công tác điều hành, sắp xếp lại các tổ chức tín dụng (TCTD). Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng, tại sao những năm trước đây lại ồ ạc cho thành lập ngân hàng và các công ty tài chính thì gần đây lại cho đóng cửa, sáp nhập. Điều này này có gây lãng phí cho xã hội và có ảnh hưởng như thế nào đối với nền kinh tế…

Hai năm trở lại đây, NHNN ráo riết rà soát lại các định chế tài chính để tái cấu trúc bộ máy hoạt động. Trong đó, việc sáp nhập các ngân hàng lại với nhau được cho là một giải pháp hữu hiệu. Thông qua các vụ sáp nhập, nhà đầu tư có thể dễ dàng tham gia tái lập ngân hàng, phát huy tiềm lực có sẵn để thúc đẩy nền kinh tế.

Những vụ sáp nhập ngân hàng tiêu biểu trước đây có thể kể đến như: Ngân hàng Phương Nam (Souther Bank) sáp nhập vào Sacombank, Ngân hàng phát triển nhà ĐBSCL (MHB) nhập vào BIDV, Ngân hàng thương mại cổ phần phát triển nhà Hà Nội (Habubank) bị sáp nhập vào Ngân hàng Sài Gòn-Hà Nội (SHB). Ngân hàng Đại Á (DaiABank) đã sáp nhập với Ngân hàng phát triển thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) …v.v .

Ngân hàng Ocean Bank đang chờ nhà đầu tư - Ảnh: web Ocean Bank

Ngân hàng Ocean Bank đang chờ nhà đầu tư - Ảnh: web Ocean Bank

Từ 2012 – 2015, các ngân hàng bị nợ xấu rất lớn như: Habubank có nợ xấu cao 32% do khách hàng Vinashin vay khoảng 3.700 tỷ đồng không có khả năng trả nợ. Ngân hàng bị định giá 0 đồng và chuyển giao cho Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) quản lý đó là Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương (Ocean Bank) do bị mất hết vốn và ban lãnh đạo điều hành lâm vào vòng lao lý… Song song đó, hàng loạt cán bộ ngân hàng khác cũng“xộ khám” do nhiều nguyên nhân khác nhau như: Trust Bank , Sacombank, Eximbank, ACB, MHB…v.v.

Trước tình hình này, NHNN đưa ra thông điệp: “kiên quyết xử lý những ngân hàng yếu kém bằng cách sáp nhập vào các ngân hàng thương mại lớn hơn”. Theo lộ trình đã được phê duyệt, hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam sẽ chỉ còn khoảng 20 ngân hàng vào năm 2020. Tuy nhiên, đến nay sau gần 02 năm khi có chỉ thị của NHNN nhưng tình trạng ngân hàng yếu kém vẫn chưa thể xử lý dứt điểm và số lượng ngân hàng tính đến thời điểm hiện tại vẫn còn trên 30. Liệu rằng trong hơn một năm nữa có thể xử lý, sáp nhập thêm 10 ngân hàng nữa hay không, có lẽ không ai dám chắc chắn!

Công ty cho thuê tài chính II của Ngân hàng Agribank bị Tòa án nhân dân TP. HCM tuyên bố phá sản vào tháng năm ngoái do nợ tổng nợ phải thu hồi còn hơn 15.700 tỷ đồng. Trong khi đó nợ phải trả cho khách hàng cũng trên 10.160 tỷ đồng. - Ảnh: Vietnambiz

Trong một phiên chất vấn trước Quốc Hội Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng tiến trình xử lý ngân hàng yếu kém bị chậm vì liên quan đến đàm phán nhà đầu tư. Điều này cho thấy Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang phụ thuộc vào nguồn lực bên ngoài, trong khi tiềm lực bên trong của NHNN thì không nhỏ.

Một vấn đề đặt ra là NHNN có cả một hệ thống tài chính nhưng tại sao phải phụ thuộc nhà đầu tư? Vì sao những ngân hàng định giá không đồng như Ocean Bank hay Đại Tín (Trust Bank) lại không chờ nhà đầu tư mà NHNN vẫn có thể quyết định vấn đề một cách quyết liệt và đạt kết quả!

Theo một báo cáo của NHNN, năm 2018 toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đã xử lý được 149,22 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống TCTD là 1,89%, giảm so với mức 2,46% cuối năm 2016 và mức 1,99% cuối năm 2017. Đây là mức thấp nhất kể từ năm 2012 đến nay.

Mặc dù đạt được kết quả khả quan, nhưng các chuyên gia kinh tế cho rằng nợ xấu còn tiềm ẩn ở các khoản mục nợ như: trái phiếu doanh nghiệp, các khoản ủy thác và nợ khó đòi... Nợ xấu ở nhóm ngân hàng mua bắt buộc, ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt, ngân hàng yếu kém chậm cải thiện…v.v. Vì vậy, việc chờ đợi các tổ chức, các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào tái cơ cấu ngân hàng liệu rằng có phải là giải pháp hữu hiệu, trong khi Nghị quyết 42 của Quốc Hội được đưa ra, nợ xấu phải được xử lý hoàn toàn trong vòng 3 năm nhưng đến nay đã hết gần nửa đoạn đường mà dường như việc “giải tán” các TCTD yếu kém vẫn còn nhiều gian nan ở phía trước. Nên chăng, dưới sự quản lý điều hành của NHNN nên để cho các Ngân hàng lớn như: BIDV, Agribank, Vietcombank, Vietinbank tham hỗ trợ, củng cố các ngân hàng yếu kém trong giai đoạn này, để nhanh chóng khắc phục những “lỗ hổng” tài chính, còn hơn hàng ngày vẫn phải “dài cổ” chờ đợi. /.

Lê Thanh Đào

Nguồn Sao Pháp Luật: http://sao.baophapluat.vn/tin-tuc/chi-tiet/tai-co-cau-ngan-hang-sao-phai-cho-nha-dau-tu--4128/