Tái cơ cấu Tập đoàn Hóa chất Việt Nam

Tái cơ cấu tập đoàn, tổng công ty nhà nước là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước và Chính phủ nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, tăng khả năng cạnh tranh và phát huy sức mạnh kinh tế của các tập đoàn.

Dây chuyền sản xuất của Công ty cổ phần ắc-quy Tia Sáng (Tập đoàn Hóa chất Việt Nam).

Thực hiện chủ trương này, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đang tích cực triển khai Đề án tái cơ cấu Tập đoàn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Mục tiêu chiến lược Ngày 28-12-2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2097/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Hóa chất Việt Nam giai đoạn 2012-2015. Thực hiện đề án này, Vinachem đã chỉ đạo các đơn vị tích cực phối hợp thực hiện, coi tái cơ cấu không chỉ là nhiệm vụ quan trọng mà còn là mục tiêu chiến lược trong giai đoạn 2011 - 2015.

Nhận thức được quá trình phát triển tất yếu gắn với việc đổi mới và tái cơ cấu doanh nghiệp, Vinachem đã thực hiện sắp xếp lại Công ty mẹ và các đơn vị thành viên theo hướng tập trung nguồn lực vào các lĩnh vực kinh doanh chính, đó là: sản xuất và kinh doanh phân bón, hóa chất, hóa dược, thuốc bảo vệ thực vật, chế biến cao-su và khai thác mỏ. Ngày 23-6-2010, Công ty mẹ đã chuyển đổi thành Công ty TNHH MTV Tập đoàn Hóa chất do Nhà nước làm chủ sở hữu. Về thực hiện nội dung tái cấu trúc quản trị doanh nghiệp tại Công ty mẹ, Vinachem tích cực sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống quy chế quản lý nội bộ (quy chế quản lý người đại diện vốn tại Tập đoàn, quy chế quản lý đoàn ra, đoàn vào, quy chế tiền lương...) phù hợp với Điều lệ của Tập đoàn và pháp luật có liên quan; sắp xếp lại cơ cấu tổ chức, bộ máy quản lý, điều hành; thực hiện việc phân công lại nhiệm vụ trong lãnh đạo Tập đoàn; hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của các ban tham mưu, giúp việc tại Tập đoàn; nghiên cứu việc thành lập ban chuyên ngành để tập trung phát triển ngành hóa chất, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và hóa dược. Để phát triển nguồn nhân lực, Tập đoàn đã thực hiện đào tạo kỹ năng quản lý, điều hành cho những người đại diện vốn của Tập đoàn và các cán bộ quản lý chủ chốt tại các Công ty con, công ty liên kết; triển khai xây dựng kế hoạch, quy hoạch phát triển nguồn nhân lực tại các đơn vị thành viên thuộc Tập đoàn...

Tập đoàn đã và đang tiến hành quyết liệt giảm tỷ lệ nắm giữ vốn tại một số đơn vị hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ và lĩnh vực khác, hỗ trợ cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh cốt lõi. Tập đoàn cũng là một trong những đơn vị có nhiều thành tích trong việc sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước. Từ thành công trong việc thí điểm cổ phần hóa ba xí nghiệp năm 1999, đến nay, Tập đoàn có gần 20 công ty cổ phần do Tập đoàn nắm hơn 50% vốn điều lệ, 12 công ty liên kết, bốn công ty liên doanh với nước ngoài, một trường cao đẳng, một viện nghiên cứu. Việc cổ phần hóa, chuyển đổi doanh nghiệp của Tập đoàn đã tuân thủ đúng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đúng các quy định của pháp luật và triển khai theo đúng tiến độ. Theo Đề án tái cơ cấu Tập đoàn đến năm 2015, Vinachem phải thực hiện thoái hết vốn tại 13 công ty. Hiện các công ty đã định giá phần vốn của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam và Tập đoàn đã phê duyệt phương án thoái vốn tại chín công ty cổ phần như Công ty Tài chính cổ phần Hóa chất Việt Nam; Tổng công ty cổ phần Bảo Minh; Công ty CP chứng khoán Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Công ty CP Sơn chất dẻo... Việc thoái vốn tại các công ty cổ phần còn lại đang được Tập đoàn tiến hành theo quy định của pháp luật.

Hiệu quả từ tái cơ cấu Việc thực hiện tái cơ cấu Tập đoàn đã mang lại hiệu quả tích cực cho Vinachem. Năm 2013, mặc dù kinh tế có nhiều khó khăn nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh của Vinachem vẫn đạt một số kết quả đáng ghi nhận: giá trị sản xuất công nghiệp theo giá thực tế đạt 47.967 tỷ đồng, tăng 14,5% so năm 2012; doanh thu đạt 49.339 tỷ đồng, tăng 11,5% so năm 2012; tiền lương tăng 5% so năm 2012; giá trị đầu tư xây dựng đạt gần 8.540 tỷ đồng.

Năm 2013, Vinachem và các đơn vị thành viên đã tích cực thực hiện Đề án tái cơ cấu Tập đoàn đã được phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ. Về cơ bản, Tập đoàn đã hoàn thành đúng các nội dung và tiến độ theo kế hoạch đã đề ra. Tuy nhiên vẫn còn có một số khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp tới tiến độ tái cơ cấu của Tập đoàn. Việc thoái vốn tại các doanh nghiệp phải thực hiện theo trình tự nhiều bước như: thuê tư vấn định giá doanh nghiệp và phần vốn của Tập đoàn tại doanh nghiệp; phê duyệt phương án thoái vốn; tìm kiếm đối tác phù hợp để chuyển nhượng vốn; tiến hành thực hiện phương thức giao dịch qua sàn chứng khoán đối với các doanh nghiệp đang niêm yết..., do đó việc thoái vốn mất nhiều thời gian. Mặt khác, thị trường tài chính và thị trường chứng khoán còn nhiều yếu tố bất ổn, tình hình kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn. Những yếu tố nêu trên khiến các nhà đầu tư mua vốn rất dè dặt và trả giá thấp hơn giá sàn được phê duyệt. Vì vậy, việc thoái vốn diễn ra còn chậm.

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án tái cơ cấu, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam sẽ tăng cường chỉ đạo các Công ty TNHH MTV do Tập đoàn sở hữu 100% vốn điều lệ trong danh sách thực hiện cổ phần hóa tích cực triển khai các công tác chuẩn bị để bảo đảm tiến độ cổ phần hóa theo đúng kế hoạch; chỉ đạo các doanh nghiệp trong danh mục thoái hết vốn đã có phương án thoái vốn được Tập đoàn phê duyệt, thông qua các tổ chức tư vấn có uy tín, thực hiện việc thoái vốn theo đúng pháp luật về chứng khoán, thị trường chứng khoán và pháp luật có liên quan. Tiếp tục thực hiện việc sửa đổi, bổ sung để ban hành các Quy chế quản lý nội bộ của Tập đoàn (Quy chế quản lý đoàn ra, đoàn vào; Quy chế tiền lương, Quy chế quản lý Người đại diện vốn của Tập đoàn tại doanh nghiệp khác...) phù hợp với Điều lệ Tổ chức và hoạt động của Tập đoàn được ban hành tại Nghị định số 190/2013/NĐ-CP và pháp luật có liên quan. Triển khai việc thành lập các ban chuyên ngành trong bộ máy tham mưu, giúp việc của Tập đoàn, theo định hướng tập trung phát triển ngành hóa chất, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và hóa dược. Đã thành lập Ban Hóa chất cơ bản và Hóa dược trong tháng 12-2013 và đang trong quá trình kiện toàn nhân sự của Ban. Đồng thời, nghiên cứu cơ cấu tổ chức và nhân sự của Ban chuyên trách quản lý vốn của Tập đoàn đầu tư tại doanh nghiệp khác; triển khai việc quy hoạch đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong Tập đoàn.

HỒNG LIÊN

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/kinhte/tin-tuc/item/23093902-tai-co-cau-tap-doan-hoa-chat-viet-nam.html