Tái cơ cấu thu, chi ngân sách, tạo nguồn lực cho đầu tư phát triển

Củng cố các chính sách tài khóa, tái cơ cấu thu - chi ngân sách Nhà nước (NSNN) và quản lý chặt chẽ nợ công, đẩy mạnh khai thác nguồn thu trên địa bàn... những năm qua, tỉnh đã chủ động trong công tác điều hành tài chính - NSNN, góp phần đảm bảo ổn định, duy trì bền vững dư địa tài chính, tạo nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Với tổng mức đầu tư sau điều chỉnh trên 1.170 tỷ đồng, Bệnh viện Sản - Nhi Vĩnh Phúc là một trong những công trình trọng điểm của tỉnh, đã và đang phát huy hiệu quả trong công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Ảnh: Nguyễn Lượng

Trong điều kiện nền kinh tế trong nước cũng như khu vực còn nhiều khó khăn, song, với sự phối hợp của các sở, ngành, địa phương, sự nỗ lực của các doanh nghiệp (DN), các cơ chế, chính sách tài chính đã phát huy vai trò tích cực, góp phần tháo gỡ khó khăn cho DN, thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế, cải thiện mạnh mẽ hạ tầng giao thông, thủy lợi, đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, nâng cao chất lượng an sinh xã hội (ASXH).

Giai đoạn 2016 - 2020, tổng thu NSNN trên địa bàn tỉnh đạt trên 161 nghìn tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt hơn 140 nghìn tỷ đồng. Cơ cấu thu NSNN có sự chuyển biến tích cực với tỷ trọng thu nội địa chiếm hơn 87%.

Tổng chi NSNN của tỉnh trong giai đoạn này đạt gần 76 nghìn tỷ đồng. Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt gần 39 nghìn tỷ đồng (chiếm hơn 51% tổng chi ngân sách địa phương (NSĐP)).

Trong giai đoạn này, chi đầu tư phát triển có xu hướng tăng dần qua từng năm do bổ sung từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi, dự phòng ngân sách và nguồn cải cách tiền lương.

Nhiều công trình trọng điểm về KT - XH trên địa bàn tỉnh được ưu tiên sử dụng nguồn vốn đầu tư công nhằm thu hút mạnh mẽ các dự án sản xuất công nghiệp, dịch vụ chất lượng cao, góp phần từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng KT - XH, giao thông và đô thị của tỉnh.

Chi thường xuyên NSNN được điều hành chặt chẽ và thực hiện triệt để tiết kiệm, hạn chế bổ sung ngoài dự toán; quản lý chặt chẽ nguồn dự phòng ngân sách, ưu tiên cho các nhiệm vụ khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ, dịch bệnh...

Tổng chi thường xuyên giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh đạt hơn 36,7 nghìn tỷ đồng với cơ cấu chi thay đổi theo hướng ưu tiên đầu tư cho con người, thực hiện cải cách tiền lương, các chính sách an sinh xã hội và XĐGN, nhất là đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, các xã miền núi khó khăn...

Mặc dù ở một số thời điểm, công tác điều hành tài chính - NSNN phát sinh nhiều khó khăn, thách thức do tình trạng bội chi, nợ công tăng, hay như trong bối cảnh dịch Covid-19 đã tác động trực tiếp đến mọi mặt của đời sống xã hội, diễn biến bất thường của thiên tai, biến đổi khí hậu... làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế, ảnh hưởng tới kết quả thu ngân sách; tuy nhiên, với việc triển khai hiệu quả các giải pháp, chính sách tài khóa, quyết tâm phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất nhiệm vụ tài chính - NSNN, cân đối thu chi NSĐP vẫn được đảm bảo,tỉnh vẫn dành nguồn để bù đắp hụt thu ngân sách, không phải trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh dự toán thu chi ngân sách.

Vĩnh Phúc đã có mức phát triển kinh tế ổn định theo hướng phát triển công nghiệp với những giải pháp tích cực cải thiện môi trường đầu tư, hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, nguồn nhân lực chất lượng cao ngày càng đáp ứng yêu phát công cuộc CNH - HĐH...

Đây là những nền tảng quan trọng để Vĩnh Phúc vững vàng vượt qua giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, phục hồi trong năm 2022, lấy lại đà tăng trưởng kinh tế cho các năm tiếp theo và cả giai đoạn 2021 - 2025.

Theo Nghị quyết 55 của HĐND tỉnh vừa mới ban hành về kế hoạch tài chính 5 năm, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh đề ra mục tiêu phấn đấu thu NSNN đạt trên 171 nghìn tỷ đồng; tỷ lệ tăng thu NSNN bình quân 6 - 8%/năm; tỷ trọng thu nội địa bình quân khoảng 85 - 90% tổng thu NSNN.

Từng bước cơ cấu lại chi NSĐP, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính của tỉnh theo hướng phân cấp nguồn thu, phân bổ và sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn lực tài chính, ưu tiên chi đầu tư phát triển, đầu tư công.

Đến năm 2025 có từ 2 - 3 địa phương tự cân đối được thu chi ngân sách. Đảm bảo an toàn mức dư nợ công của tỉnh hàng năm không quá 30% nguồn thu NSĐP được hưởng theo phân cấp...

Để đạt được những mục tiêu này, các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh tiếp tục tập trung quản lý chặt chẽ, khai thác hiệu quả nguồn thu trên tất cả các lĩnh vực, nhất là các nguồn thu mới; giữ vững tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu NSNN.

Đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư từ các nhà đầu tư tiềm năng trong và ngoài nước để đa dạng hóa nguồn lực, tạo sự ổn định, vững chắc về tài khóa.

Cơ cấu lại chi NSĐP theo hướng tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển, giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên gắn với đổi mới mạnh mẽ khu vực sự nghiệp công lập theo cơ chế tự chủ và tinh giản bộ máy, đẩy mạnh cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công lập đủ điều kiện.

Linh hoạt trong sử dụng nguồn vốn đầu tư công để tránh tình trạng chồng chéo, lãng phí, đảm bảo tính hiệu quả của các dự án.

Siết chặt kỷ luật tài khóa, quản lý ngân sách, nợ công, xử lý dứt điểm nợ đọng XDCB, không để phát sinh nợ mới. Rà soát các chính sách ASXH, đảm bảo sử dụng ngân sách tập trung và hiệu quả.

Phấn đấu đến năm 2025, Vĩnh Phúc trở thành tỉnh công nghiệp phát triển và là một trong những trung tâm Công nghiệp - Dịch vụ - Du lịch của vùng và cả nước; thu nhập thực tế bình quân đầu người cao hơn cả nước, đạt mức 80 - 85 triệu đồng/người/năm; kết cấu hạ tầng đô thị cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại I.

Việt Sơn

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/72226/tai-co-cau-thu-chi-ngan-sach-tao-nguon-luc-cho-dau-tu-phat-trien.html