Tái đàn sau dịch tả lợn châu Phi - Nỗ lực của các địa phương

2019 là một năm đầy khó khăn với ngành chăn nuôi của tỉnh. Bệnh dịch tả lợn châu Phi hoành hành tại 15.738 hộ chăn nuôi ở 162 xã, phường của tỉnh làm 144.759 con lợn ốm, chết và buộc phải tiêu hủy với trọng lượng trên 7.034 tấn. Hiện tại các địa phương đang nỗ lực tái đàn; đồng thời chú trọng công tác tiêu trùng khử độc, vệ sinh chuồng trại phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm.

Tái đàn lợn sau dịch tả lợn châu Phi của hộ ông Đặng Văn Soái, thôn 3, xã Quảng Phong (Hải Hà).

Tái đàn lợn sau dịch tả lợn châu Phi của hộ ông Đặng Văn Soái, thôn 3, xã Quảng Phong (Hải Hà).

Năm 2019, Hải Hà có 2.039 hộ chăn nuôi bị dịch tả lợn châu Phi. Theo Phòng NN&PTNT huyện, đầu năm 2020, huyện đã ban hành quyết định công bố hết dịch; đồng thời xây dựng kế hoạch phát triển ngành chăn nuôi, hướng dẫn người dân thực hiện tiêu độc, khử trùng chuồng trại, chủ động tái đàn lợn. Từ đầu năm đến nay, huyện đã tiêm 348.894 liều vắc xin cho gia súc, gia cầm; tiêu trùng khử độc các chuồng trại với 780 lít hóa chất.

Đã có 68,7% hộ bị ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi tiến hành tái đàn theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp, đưa tổng số đàn lợn trên địa bàn lên 26.578 con. Hiện huyện tiếp tục vận động, hỗ trợ kỹ thuật cho các hộ còn lại tái đàn lợn.

Không chỉ huyện Hải Hà mà các địa phương trong tỉnh đã tích cực vận động bà con chăn nuôi tái đàn lợn để đảm bảo cung cấp nguồn thực phẩm thịt lợn. Cùng với đó, công tác thông tin, tuyên truyền về các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, tái đàn lợn, tăng đàn lợn được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức, ở nhiều cấp độ.

Vệ sinh tiêu trùng, khử khuẩn chăn nuôi của gia đình ông Đinh Khắc Tứ, thôn 4, xã Quảng Chính (Hải Hà).

Để giúp người chăn nuôi được sử dụng con giống an toàn, có nguồn gốc, đảm bảo chất lượng giống, nhất là con giống để gây nái với mục đích sản xuất cung ứng con giống tại chỗ phục vụ chăn nuôi, tỉnh, Sở NN&PTNT đã hướng dẫn các địa phương tuân thủ nghiêm túc quy định về kiểm dịch; thông báo danh sách các doanh nghiệp cung ứng giống đủ điều kiện trên địa bàn để các cơ sở chăn nuôi nắm được, từ đó liên hệ mua giống đảm bảo chất lượng, như: Công ty Cổ phần KTKS Thiên Thuận Tường Quảng Ninh, Công ty TNHH Minh Châu, Công ty Cổ Phần nông nghiệp Tuấn Long, Công ty TNHH MTV phát triển nông lâm ngư Quảng Ninh.

Nhờ đó, hết quý I/2020, đã có hơn 5.500 hộ bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi tiến hành tái đàn lại, góp phần đưa số đàn lợn trong toàn tỉnh lên 288.841 con (tháng 12/2019, tổng đàn lợn của cả tỉnh chỉ còn 171.405 con). Tổng số lợn thịt xuất chuồng từ tháng 1/2020 đến hết tháng 3/2020 là 57.600 con, tương đương với 5.184 tấn lợn hơi, đáp ứng 40% nhu cầu tiêu dùng toàn tỉnh. Năm 2020, với năng lực sản xuất giống tại chỗ của tỉnh có thể cung cấp lợn nái bố mẹ đạt tiêu chuẩn khoảng 12.300 con. Đến hết quý IV/2020, có thể đạt được tổng đàn nái trên địa bàn tỉnh là 35.000 con.

Bên cạnh nỗ lực tái đàn lợn, các địa phương còn tích cực phát triển các đàn gia cầm, gia súc khác. Đến thời điểm này, toàn tỉnh còn đàn trâu 38.085 con, đàn bò 28.310 con, đàn gia cầm 3,8 triệu con. Công tác phòng chống dịch cho gia súc, gia cầm cũng được đẩy mạnh. Đến giữa tháng 4/2020, toàn tỉnh đã tiêm 27.242 liều vắc xin lở mồm long móng; 20.443 liều vắc xin tụ huyết trùng trâu, bò; 11.557 liều vắc xin tai xanh; 61.883 liều vắc xin các loại ở lợn; 1.156.699 liều vắc xin cúm gia cầm; 41.886 liều vắc xin dại; 31.580 liều vắc xin newcastle, tụ huyết trùng gia cầm... Cùng với đó, các huyện, thị xã, thành phố đã cấp phát và sử dụng 12.404 lít hóa chất, 13.820kg vôi bột thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng tại các hộ chăn nuôi, chợ kinh doanh, khu giết mổ gia súc, gia cầm, xử lý ổ dịch...

Khử trùng chuồng trại ở gia đình bà Vũ Thị Dương, thôn 13, xã Hiệp Hòa, Quảng Yên. Ảnh: Phạm Tăng.

Các cơ quan chức năng của tỉnh tích cực vào cuộc trong xử lý động vật, sản phẩm động vật nhập lậu, không rõ nguồn gốc. Các trạm kiểm dịch động vật phối hợp với kiểm dịch y tế tại cửa khẩu Hoành Mô và Bắc Phong Sinh phun khử trùng tiêu độc toàn bộ khu vực cửa khẩu 2 lần/tuần để phòng chống dịch bệnh Covid-19 và dịch cúm gia cầm.

Mặc dù nỗ lực rất lớn, nhưng do sợ dịch bệnh có thể bùng phát trở lại; cùng với đó, nguồn con giống hiện nay khan hiếm, giá cao; thức ăn chăn nuôi và các loại thuốc thú y giá tăng cao hơn cùng kỳ năm trước... nên người chăn nuôi có tâm lý e ngại và không dám tái đàn hoặc tái đàn chưa hết quy mô chăn nuôi. Thêm nữa, trong giai đoạn hiện nay tình hình thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp nên các bệnh trên gia súc, gia cầm khác vẫn xảy ra lẻ tẻ tại các địa phương, như bệnh: Phó thương hàn, tụ dấu lợn, viêm đường hô hấp, tiêu chảy... ở gia súc. Bởi vậy công tác tái đàn lợn và phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm cần tiếp tục được các địa phương quan tâm, giám sát chặt chẽ và có biện pháp hướng dẫn cụ thể để người dân yên tâm đầu tư cho chăn nuôi.

Cầm Khuê

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/202005/tai-dan-sau-dich-ta-lon-chau-phi-no-luc-cua-cac-dia-phuong-2484113/