Tái diễn màn kịch 'ngồi mát ăn bát vàng'

Xem phim, lướt mạng xã hội, nhấn like, share… là có ngay vài trăm ngàn cho một ngày 'ngồi mát ăn bát vàng'. Hình thức lừa đảo này đã xảy ra từ khoảng ba năm nay khiến cho nhiều người sập bẫy, mất tiền tỷ trong vòng một 'nốt nhạc'. Thời điểm hiện tại, chiêu trò này vẫn còn tiếp diễn và hoạt động dưới vỏ bọc tinh vi hơn.

Một lần vào “hang ổ” lừa đảo

Đầu tháng 4, chị Hồng Nga, 28 tuổi, ngụ Q.3, TP Hồ Chí Minh nhận được cuộc gọi giới thiệu là nhân viên bên Đài truyền hình VTV, đang muốn tuyển cộng tác viên (CTV) xem video để tăng lượt tương tác. Chị Nga vốn nghiện xem ti vi, đặc biệt là chương trình giải trí và phim truyện nên đã đồng ý kết bạn zalo để nhân viên trao đổi công việc.

Các bạn trẻ tại TP Hồ Chí Minh tham gia ngày hội việc làm trực tiếp và nhận được nhiều cơ hội thiết thực

Trước khi vào xem phim nhận tiền, chị Nga phải cung cấp số tài khoản ngân hàng để bên nhà đài chuyển tiền thù lao. Nghe đến đây chị Nga nghi ngờ có “mùi” lừa đảo nhưng vẫn muốn thử xem họ lừa như thế nào. Chị Nga cung cấp số tài khoản cũ và đã lâu rồi không sử dụng cho nhân viên tư vấn quét mã QR.

Sau đó, nhân viên hướng dẫn chị Nga tải app VTV và ứng dụng Telegram. Vì hay xem phim nên trên điện thoại của chị Nga có sẵn app của VTV, còn áp Telegram chị Nga cẩn thận tìm hiểu và thấy được độ bảo mật cao, có thể sửa tin nhắn đã gửi đi cả tháng trước mà vẫn giữ nguyên ngày giờ nhận.

Khi tải thành công, chị Nga được add vào nhóm có tên là NV VTV và Tiki, sau đó phổ biến nhiệm vụ cần làm. Trưởng nhóm yêu cầu chị Nga xem các video được đẩy lên trong nhóm, với nhiệm vụ mỗi video xem 1 phút, với thù lao 10 ngàn đồng. Xem đủ 4 video sẽ trả hoa hồng một lần.

Ngày đầu chị Nga xem hết 12 video, tổng nhận 3 lần chuyển khoản là 120 ngàn đồng, đến cuối ngày trưởng nhóm bảo chị Nga hoàn thành nhiệm vụ tốt, công ty sẽ trả lương theo ngày là 150 ngàn đồng, số tiền nhanh chóng được chuyển vào tài khoản của chị Nga. Như vậy, chỉ việc ngồi ở nhà xem phim mà nhận được 270 ngàn đồng.

Sang đến ngày thứ hai, chị Nga xem được 3 cái video thì trưởng nhóm bảo hệ thống báo đỏ phải làm nhiệm vụ Tiki, tức là chị Nga phải mua hàng qua app nhưng không phải đặt hàng trực tiếp trên Tiki mà là chuyển tiền vào một tài khoản tổng và tài khoản đó sẽ tự mua hàng. Chị Nga nghe xong nhắn lại với trưởng nhóm: “Nếu không làm nhiệm vụ này thì sao, vì tôi không có nhu cầu mua hàng”. Trưởng nhóm nhắn lại: “Đây là nhiệm vụ bắt buộc, nếu không tham gia sẽ cắt quyền truy cập vào app”.

Số tiền tối thiểu để làm nhiệm vụ Tiki là 500 ngàn, tối đa là 3 triệu/ngày, nếu nộp nhiều tiền thì sẽ nhận nhiều quà và sẽ được xem nhiều video hơn. Chờ mãi không thấy chị Nga nộp tiền để nhận nhiệm vụ mới, trưởng nhóm liên tục thúc giục. Biết đây là trò lừa, chị Nga dọa: “Lừa đảo, tôi sẽ báo công an”. Lập tức, tài khoản của chị Nga bị “bay màu” và khóa toàn bộ quyền truy cập.

Vậy là sau hai ngày tham gia thử thách “lừa đảo”, chị Nga được lời 270 ngàn.

Tuy nhiên, để tỉnh táo và sáng suốt như lần này, chị Nga đã trải qua hai cú lừa đau xót từ chiêu trò như trên. Chị Nga kể, năm 2021, chị ở nhà vì dịch bệnh, bèn lên mạng tìm việc online và nhận được lời chào mời xem phim, nhấn like, share cho các trang giải trí, mỗi ngày họ trả cho 300 -500 ngàn. Chị Nga hào hứng tham gia đến ngày thứ hai thì bị yêu cầu nộp 500 ngàn để hưởng thêm hoa hồng. Tin tưởng, chị làm theo, sau đó tiếp tục nộp thêm 3 lần nữa, tổng cộng nộp 7,5 triệu đồng và cuối ngày được trả hoa hồng và công xem phim được 3 triệu. Riêng số tiền đã nộp cứ một tuần sẽ thu hồi lại.

Sang ngày thứ 3, chị Nga không còn tiền để nộp nữa, vì mỗi lệnh nộp sau luôn cao hơn lần nộp trước, tối đa lên tới 100 triệu đồng. Không nhận được tiền từ “con mồi”, chủ app đã khóa tài khoản và “sa thải” chị Nga. Lần đó, chị Nga mất tổng cộng 4 triệu đồng. Tuy nhiên, chị Nga nghĩ đó không phải là trò lừa, mà do chị không có tiền để chơi tiếp. Đến cuối năm 2022, chị Nga tiếp tục nhận lời mời tham gia xem phim nhận thưởng y chang lần đầu. Chị Nga tham gia và cũng đến ngày thứ 3 thì mất 15 triệu mà chỉ thu về được 750 ngàn tiền công. Lúc này, biết mình bị lừa nhưng chị Nga không có cơ hội rút vốn về, đành chịu mất tiền.

Tin nhắn, giao dịch, chuyển khoản và cam kết mà nhóm đối tượng lừa đảo thực hiện với nạn nhân

Đây là bài học xương máu khiến chị Nga nhớ đời. Lần này, khi được mời chào, chị Nga biết ngay đó là trò lừa nên muốn “chơi lại” một vố và được lời 270 ngàn cho hai ngày xem phim. Chị Nga cho biết: “Do tôi bị lừa hai lần nên đã quen với kiểu này và biết cách đối phó. Đừng ai làm như tôi kẻo bị lộ lọt thông tin cá nhân, sẽ gây ra nhiều hệ lụy sau này”.

Thế nào là công việc “ngồi mát ăn bát vàng”?

Một ngày sau khi nộp hồ sơ trên sàn giao dịch việc làm online, chị Lê Thị Kim Liên, 32 tuổi, ngụ Q. Tân Bình, TP Hồ Chí Minh nhận được cuộc gọi giới thiệu việc làm của TV360. Liên hệ xong, hai bên add zalo của nhau để tiện trao đổi. Nhiệm vụ của chị Liên chỉ việc ngồi một chỗ theo dõi và nhấn like cho các bộ phim trên app với mức tiền 10 ngàn/phim và tối đa 5 phim/ngày. Đang chờ việc nên chị Liên đồng ý tham gia, vừa giải trí, lại vừa được tiền thù lao theo giới thiệu là 200 ngàn/ công, 10 ngàn/ bộ phim theo dõi.

Đồng ý tham gia, chị Liên phải cung cấp giấy tờ tùy thân. Cũng sợ bị lừa đảo nên chị Liên chụp giấy xác nhận tiêm ngừa COVID có họ tên, số CCCD, SĐT, địa chỉ trên đó để làm hợp đồng cộng tác viên (CTV). Chị Liên được thêm vào 2 group, một group để nhận nhiệm vụ và một group để báo cáo hoàn thành nhiệm vụ.

Sau khi hoàn thành 5 nhiệm vụ phổ thông thì chị Liên sẽ được nhận nhiệm vụ chất lượng để nhận được nhiều hoa hồng hơn. Để câu nhử con mồi, chủ tiệm đã tặng ngay cho chị Liên 60 nghìn đồng làm quà.

Hoàn thành xem xong 5 phim, chị Liên được thêm 50 ngàn nữa, tiền được chuyển thẳng vào tài khoản của chị.

Nghĩ là “ngồi chơi xơi nước” mà lại có tiền, chị Liên cảm thấy rất hứng thú. Trở thành CTV chính thức của app, chị Liên được giao thêm nhiệm vụ chất lượng. Đây cũng là lúc bắt đầu màn lừa đảo.

Chị Liên nhận được đường link tới một người gọi là chuyên gia, người này sẽ thêm Liên vào nhóm cùng với khoảng 3-4 người nữa (thật ra là đồng bọn của nhau hết). Sau đó nhóm sẽ đưa ra rất nhiều mức chuyển khoản để nhận lại được hoa hồng. Số tiền chuyển khoản này sẽ được dùng để bình chọn cho diễn viên xuất sắc trên app và diễn viên này sẽ nhận được phần thưởng lớn nên sẽ chia hoa hồng cho người bình chọn.

Thường thì sẽ có 3 mức chuyển khoản là 3 triệu, 10 triệu và 50 triệu. Sau khi chuyển khoản thì nhân viên tư vấn sẽ lập cam kết và người tham gia sẽ gửi cam kết này cho chuyên gia.

Đặc biệt, bản cam kết này rất chỉn chu và chuyên nghiệp, người bình thường nhìn vào nhiều khi là tin ngay, bản thân chị Liên cũng suýt bị lừa chỗ này. Trong một ngày, thường sẽ có từ 2 đến 4 lệnh chuyển khoản và phải thực hiện hết các lệnh mới được nhận hoa hồng vào cuối ngày.

Trong lúc người tham gia làm nhiệm vụ thì đồng bọn liên tục nhắn tin với những câu từ tỏ vẻ như đây là “deal ngon, deal hời” (“deal” được hiểu là giao dịch, thỏa thuận) và lâu rồi mới nhận được nhiệm vụ ngon như thế này, sau đó chúng liên tục chọn mức 2, mức 3 với số tiền hoa hồng rất cao hòng dụ “con mồi” chọn mức cao nhất.

Sau khi chọn xong mức chuyển khoản thì chị Liên phải quay lại liên hệ với nhân viên tư vấn để nhận thông tin chuyển khoản và lập cam kết. Ngày đầu tiên chị Liên tham gia thì mức chuyển khoản chỉ từ 100 ngàn đến vài trăm ngàn đồng, mục đích để tạo sự tin tưởng và đánh vào lòng tham.

Cuối ngày, chị Liên được hoa hồng thật và thưởng thêm 300 ngàn, tổng cộng thu nhập trong ngày là 350 ngàn, trong khi chỉ phải bỏ ra có 100 ngàn.

Sang ngày hôm sau thì số tiền chuyển khoản tăng lên ngày một nhiều, lệnh đầu tiên có các mức từ 500 ngàn đến một triệu, lệnh thứ 2 có mức 10 triệu.

Chị Liên chuyển xong lệnh 500 ngàn, mới thấy lệnh 10 triệu hiện lên ở lệnh tiếp theo nên tá hỏa. Chị nhanh chóng ấn lệnh rút lại 500 ngàn nhưng không kịp.

Sau khoảng hai ngày nằm vùng trong hang ổ lừa đảo, chị Liên đã rút ra được vài chi tiết dễ dàng nhận ra chiêu trò lừa đảo. Chị phân tích, nhóm này thường hoạt động trên Telegram là chính. Vì Telegram là ứng dụng của nước ngoài và chưa đặt trụ sở tại Việt Nam nên việc truy vết tội phạm ở trên đây thường rất khó. Zalo và Telegram suy cho cùng chỉ là những app nhắn tin mà thôi, tại sao không trao đổi trên zalo luôn mà lại cần phải thay đổi app làm gì? Cho nên “mọi người nếu thấy Telegram thì “té” gấp vì 99.99% là lừa đảo rồi”.

Quy trình làm việc của nhóm lừa đảo này đề ra thường rất lằng nhằng phức tạp, phải liên hệ qua 2-3 người, lập 2-3 cái hợp đồng và vào 3-4 cái group khác nhau. Câu hỏi đặt ra là, tại sao không làm việc trong một group cho dễ quản lý? Chi tiết lừa đảo nằm ở đây, bởi vì phải lằng nhằng, rối rắm như thế mới dẫn dụ được “con mồi” nhẹ dạ, thiếu hiểu biết về công nghệ.

Luật sư Nguyễn Thanh Biên, Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh cho rằng, kiếm tiền bằng việc xem phim, nhấn like, share… thực chất là hình thức vẽ ra nhiệm vụ trá hình trên nền tảng các kênh giải trí có thương hiệu như VTV, HTV… nhằm kêu gọi người dùng nạp tiền rồi bất ngờ mất dạng để chiếm đoạt tài sản. Đối tượng dùng danh nghĩa các kênh có uy tín và phổ biến để câu dụ người dân, khiến cho nhiều người tin tưởng làm theo và mắc bẫy lừa đảo.

Các trang web này hầu hết hoạt động dưới dạng ẩn danh, không rõ ràng về nguồn gốc nên khi gặp rủi ro, các nạn nhân rất khó giải quyết. Bên cạnh việc bị lừa mất tiền, các nạn nhân tham gia “lướt” kiếm tiền còn có nguy cơ bị đánh cắp thông tin cá nhân, bởi khi tham gia thì việc đầu tiên là cung cấp thông tin, tài khoản ngân hàng để giao dịch, không ai bảo mật thông tin cá nhân trong trường hợp này, vì thế càng tiềm ẩn nhiều nguy cơ về sau.

Điều dễ nhận biết nữa là, chúng sẽ đánh vào lòng tham của con người. Ban đầu chỉ yêu cầu chuyển khoản với số tiền rất nhỏ nhưng nhận đc thù lao cộng hoa hồng rất cao, sau đó sẽ tăng dần số tiền và nếu ai không kiềm được lòng tham thì sẽ sa vào bẫy.

Thường khi vào một group trên Telegram thì sẽ có đồng bọn của nhóm trà trộn vào mục đích là để đánh lạc hướng và tạo lòng tin. Chúng sẽ dùng những lời lẽ tỏ vẻ như "đây là deal hời", "hiếm khi xuất hiện những deal ngon như thế này" để lừa nạn nhân chuyển khoản với số tiền lớn. Chị Liên nhận ra được đó là đồng bọn là bởi câu từ nhắn rất giống nhau, kiểu như cùng một người viết ra, giọng văn rất giống nhau và chúng không ngần ngại mà “chốt” những lệnh chuyển tiền ở mức cao nhất.

Trong quá trình làm nhiệm vụ, chúng sẽ lập ra các hợp đồng giả để đảm bảo số tiền của người tham gia không bị mất. Hợp đồng được trình bày rất chỉn chu, có cả mã số thuế, tên doanh nghiệp, mộc đỏ, chữ ký đủ cả nên những người không biết rất dễ bị lừa.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP Hồ Chí Minh nhận định: Tình trạng lừa đảo việc làm như báo chí nêu đã xuất hiện lâu nay và đang được các cơ quan chức năng tích cực ngăn chặn. Để tránh rơi vào bẫy lừa đảo, người lao động cần lưu ý một số điều. Thứ nhất, người lao động cần biết rằng vị trí của mình ở phân khúc nào để tìm một công việc tương ứng với trình độ và chuyên môn. Thứ hai, khi tiếp nhận thông tin tuyển dụng một cách dễ dàng, bằng những kênh thông tin không chính thống, người tìm việc cần phải đặt dấu chấm hỏi ngay. Thứ ba, khi người lao động được tuyển dụng thì phải tìm hiểu xem doanh nghiệp đó ở đâu, nguồn gốc như thế nào.

Ngọc Thiện

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-interpol/tai-dien-man-kich-ngoi-mat-an-bat-vang-i690308/