Tái diễn nạn rải chông 'bẫy' lực lượng bảo vệ rừng ở Đắk Nông

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông xuất hiện tình trạng các đối tượng phá rừng chôn đinh, bàn chông dọc đường tuần tra để 'bẫy' lực lượng quản lý bảo vệ rừng nhằm ngăn cản lực lượng thực hiện nhiệm vụ và hủy hoại tài sản.

Bàn chông do các đối tượng phá rừng dùng để "bẫy" lực lượng bảo vệ rừng tại Đắk Nông.

Bàn chông do các đối tượng phá rừng dùng để "bẫy" lực lượng bảo vệ rừng tại Đắk Nông.

Vụ việc bắt đầu xuất hiện vào cuối tháng 3 vừa qua tại lâm phần do Ban quản lý Rừng phòng hộ Gia Nghĩa quản lý. Sau khi lực lượng chức năng vào cuộc ngăn chặn tình trạng trên tạm lắng một thời gian, nay việc rải đinh, bàn chông đã tái diễn trên lâm phần do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn (Công ty Lâm nghiệp Quảng sơn) quản lý.

Mới đây, vào đêm 1/5, Trạm quản lý bảo vệ rừng số 1, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn tổ chức tuần tra tại khoảnh 2, tiểu khu 1644 phát hiện 1 nhóm đối tượng đang cắt dọn diện tích rừng bị cưa hạ trước đó. Tổ tuần tra tổ chức áp sát nhằm vây bắt quả tang các đối tượng tại hiện trường. Tuy nhiên, quá trình thực hiện các nhân viên quản lý bảo vệ rừng đã dẫm trúng bàn chông đinh của các đối tượng phá rừng đã đặt trước đó. Trong lúc các nhân viên hỗ trợ sơ cứu, các đối tượng phát hiện đã thông tin cho nhau chạy vào rừng lẩn trốn.

Mở rộng kiểm tra khu vực chung quanh, tổ tuần tra còn phát hiện và thu được nhiều bàn chông do các đối tượng phá rừng đặt ở các lối mòn đi vào khu vực phá rừng bên trong.

Mặc dù được trang bị giày bảo hộ nhưng đinh vẫn xuyên qua đế cao-su khiến nhân viên bảo vệ rừng bị thương tích.

Quá trình tuần tra, mặc dù các nhân viên đã được đơn vị bố trí giày bảo hộ nhưng do chông đinh của lâm tặc đặt bẫy sắc nhọn nên vẫn xuyên qua đế cao-su, cắm sâu vào chân khiến nhân viên quản lý bảo vệ rừng bị thương.

Bẫy đinh thường được các đối tượng phá rừng dùng đinh sắt đóng xuyên ván gỗ rồi đặt nằm ngữa, đóng vào các đế cao-su cố định rồi chôn một phần xuống đất sau đó phủ lá cây khô lên để tránh phát hiện, hoặc mài sắt sắc nhọn đóng xuyên qua ván gỗ làm bàn chông đặt ở các tuyến đường thường xuyên có lực lượng bảo vệ rừng đi qua để ngăn chặn, hủy hoại tài sản…

Các đối tượng phá rừng tổ chức phá chốt lưu động, hủy hoại tài sản của đơn vị chủ rừng.

Tiểu khu 1644 trước đây Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông giao cho Hợp tác xã Nông nghiệp-Dịch vụ-Thương mại Hợp Tiến thực hiện Dự án nông, lâm nghiệp. Do buông lỏng quản lý, phần lớn tích rừng, đất lâm nghiệp của đơn vị này bị phá, lấn chiếm nên tỉnh Đắk Nông đã thu hồi dự án, bàn giao về cho Công ty Lâm nghiệp Quảng Sơn quản lý.

Từ khi nhận bàn giao thực địa (tháng 8/2022) đến nay, theo đánh giá, tình trạng phá rừng không diễn biến phức tạp như trước. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng các đối tượng lén lút dọn dẹp cây rừng, trồng cây nông nghiệp trên diện tích đã phá rừng trước để chiếm đất; hoặc phá rừng lấn ranh khu vực tiếp giáp với rẫy cũ để lấn thêm diện tích.

Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn Đinh Văn Nam cho biết, nhận định các đối tượng sẽ lợi dụng các ngày nghĩ lễ để tổ chức phá rừng nên đơn vị đã tăng cường tuần tra, giám sát các khu vực “điểm nóng” trước, trong và sau dịp nghỉ lễ; đồng thời lập 2 chốt tuần tra lưu động tại tiểu khu 1660 và tiểu khu 1661, cắt cử lực lượng túc trực thường xuyên. Tuy nhiên, vào ngày 29/4, lợi dụng lúc lực lượng quản lý bảo vệ rừng đi tuần tra, một số đối tượng đã tiến hành đốt phá chốt khiến 1 chốt bị rạch rách bạt và 1 chốt bị đốt cháy.

Cũng theo ông Nam, thời gian qua các đối tượng liên tiếp tấn công, chống phá, hủy hoại tài sản của đơn vị. Đáng lo ngại là các vụ việc này có xu hướng tăng, diễn biến phức tạp. Các đối tượng ngày càng manh động, có tổ chức và liều lĩnh hơn.

Chốt lưu động của lực lượng bảo vệ rừng bị các đối tượng phá rừng đốt cháy trơ khung.

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Nông, lâm phần của Công ty Lâm nghiệp Quảng Sơn hiện là một trong số các “điểm nóng” của tỉnh về tình trạng phá rừng và lấn chiếm đất lâm nghiệp. Chỉ tính từ đầu năm đến nay đã có khoảng 50 vụ vi phạm được phát hiện. Trong đó, chủ yếu là các vụ phá rừng (13 vụ làm thiệt hại hơn 2ha) và chiếm đất lâm nghiệp (21 vụ, chiếm 11,3ha).

Việc phá rừng đã tạo áp lực lên công tác quản lý bảo vệ rừng của các đơn vị ngày càng tăng. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ việc giá trị đất lên cao, người dân lợi dụng phá rừng để chiếm đất, tổ chức mua bán trái phép. Các đối tượng sẵn sàng gây thương tích, hủy hoại tài sản của đơn vị chủ rừng để “dằn mặt”, uy hiếp làm nản chí của lực lượng quản lý bảo vệ rừng. Trong khi đó, chức năng và quyền hạn của đơn vị chủ rừng còn hạn chế, theo quy định thì chủ yếu dừng lại ở việc phát hiện, ngăn chặn và báo cáo, không được xử lý trực tiếp nên không có tính răn đe.

Phương tiện của lực lượng bảo vệ rừng thường xuyên dính bẫy chông nên phải vá săm ngay ở giữa rừng.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Quảng Sơn Lê Đình Tuấn cho biết, hành động đặt bàn chông đinh rất nguy hiểm, có thể gây thương tích, hủy hoại tài sản, thậm chí dẫn đến tử vong đối với lực lượng bảo vệ rừng và người dân trong khu vực. Đây là một hình thức mới của các đối tượng phá rừng nhằm chống đối, ngăn chặn, hủy hoại tài sản đối với đơn vị chủ rừng, nếu không được ngăn chặn sớm sẽ tạo tâm lý hoang mang, giảm ý chí của lực lượng bảo vệ rừng. Địa phương đã cử lực lượng phối hợp, hỗ trợ đơn vị chủ rừng trong việc tuần tra, truy quét đối tượng, xử lý nghiêm theo quy định, nhằm răn đe, ngăn chặn vụ việc diễn biến sang các khu vực khác.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đắk Glong Nguyễn Văn Hợp cho biết, vụ việc rải đinh, bẫy chông tại các đơn vị lâm nghiệp là rất manh động, ảnh hưởng tâm lý của lực lượng bảo vệ rừng, thiệt hại tài sản của chủ rừng và người dân trên địa bàn. Xác định vụ việc có chiều hướng phức tạp, huyện đã chỉ đạo cho lực lượng công an các cấp vào cuộc điều tra, truy tìm đối tượng để xử lý nghiêm, nhằm răn đe, ngăn chặn, sớm chấm dứt thực trạng này.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đắk Nông Phạm Tuấn Anh cho biết, đã chỉ đạo cho lực lượng kiểm lâm phối hợp công an địa phương tiến hành điều tra xác minh, truy ra kẻ cầm đầu, để xử lý theo quy định pháp luật; đồng thời tăng cường lực lượng kiểm lâm xuống để hỗ trợ các chủ rừng. Cũng theo ông Anh, hành vi bẫy chông là rất nguy hiểm, chông thường được rải ở đoạn đường dốc, khúc quanh co, được ngụy trang bên dưới lá cây khô, nếu nhân viên bảo vệ rừng hoặc người dân trúng bẫy đinh sẽ nguy cơ tai nạn rất cao. Các đối tượng thường tổ chức người canh gác, canh chừng lực lượng quản lý bảo vệ rừng rồi mới tiến hành rải chông. Trong khi lực lượng của các đơn vị chủ rừng rất mỏng, diện tích rừng rất lớn, không có thiết bị hỗ trợ nên rất khó theo dõi, truy bắt đối tượng.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tai-dien-nan-rai-chong-bay-luc-luong-bao-ve-rung-o-dak-nong-post752028.html