Tái hiện 400 năm hùng binh Hoàng Sa cắm cột mốc chủ quyền biển đảo

Hàng nghìn người dân các tộc họ ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) cùng du khách mặc niệm, tri ân bậc tiền nhân từng giong buồm ra Hoàng Sa, Trường Sa, dựng bia khẳng định chủ quyền.

Ngày 1/5, các tộc họ ở huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) tổ chức lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, tri ân công đức tổ tiên từng dong thuyền ra Hoàng Sa, Trường Sa, cắm cột mốc khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Nghi thức thả mô hình khinh thuyền xuống biển, tưởng nhớ, tri ân công đức đội hùng binh Hoàng Sa ở huyện đảo Lý Sơn. Ảnh: Minh Hoàng.

Theo các bộ chính sử triều Nguyễn, đội Hoàng Sa hoạt động liên tiếp từ thế kỷ XVII, đầu thời chúa Nguyễn, đến giữa thế kỷ XIX sang đến thời Tây Sơn, với những cai đội nổi tiếng như Phú Nhuận hầu Võ Văn Phú, Hội Nghĩa hầu Võ Văn Khiết. Sang thời nhà Nguyễn, ngay từ thời Gia Long đã sai Phạm Quang Ảnh làm Cai đội Hoàng Sa, tuyển chọn các binh phu đi Hoàng Sa và Trường Sa, dựng bia chủ quyền, lập miếu, đo đạc thủy trình, lập bản đồ...

Tháng 4/2013, lễ khao lề thế lính Hoàng Sa ở huyện đảo Lý Sơn được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là di sản phi vật thể quốc gia.

Ông Phạm Toại Tuyền (ngụ xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn) cho biết hàng năm, vào tháng 3 âm lịch, các tộc họ trên đảo tự nguyện góp tiền, lương thực, thực phẩm, cùng tổ chức lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. Dân làng góp tiền mua hai con lợn, 11 gà trống (5 con đặt vào mô hình khinh thuyền Hoàng Sa), gạo, muối....để làm lễ khao.

"Thầy pháp" làm phép cho gạo vào khinh thuyền trong lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. Ảnh: Minh Hoàng.

"Tưởng nhớ tổ tiên hy sinh vì đất nước, hàng năm các tộc họ ở Lý Sơn đều tổ chức lễ khao lề thế lính Hoàng Sa để thế hệ con cháu hôm nay ghi nhớ mà noi theo", ông Tuyền cho hay.

Các tộc họ trên huyện đảo Lý Sơn đều có người đăng lính Hoàng Sa, nên lễ khao lề thế lính Hoàng Sa là một nghi thức mang đậm yếu tố tín ngưỡng dân gian, thể hiện khát vọng sống, khát vọng cống hiến cho Tổ quốc và cầu mong linh hồn những người đã hy sinh được siêu thoát.

Kết thúc lễ tế, “thầy pháp” ném gạo phù phép gọi quân binh Hải đội Hoàng Sa về phát lương thảo, trấn an tinh thần, giong buồm thẳng tiến ra Hoàng Sa, Trường Sa, thực thi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Trong tiếng chiêng, trống giục, tiếng ốc U (loại ốc biển đặc trưng ở Lý Sơn) vang lên từng hồi dài như tiếng kèn xung trận, thanh niên các tộc họ rước thuyền từ đình làng xuống biển.

Trai làng các tộc họ ở huyện đảo Lý Sơn tạm gác chuyến biển để dự lễ khao lề thế lính Hoàng Sa và tham gia hội đua thuyền "tứ linh". Ảnh: Minh Hoàng.

Các khinh thuyền Hoàng Sa dập dềnh trong sóng nước vang vọng bài văn tế chiến sĩ Hoàng Sa: "Biết mấy phen thề non hẹn biển, quyết một lòng chiến đấu đến cùng, xót thương thay những chiến sĩ tuân mệnh triều đình bảo vệ lãnh hải trên quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa đã xả thân vì Tổ quốc, son sắt một lòng, ngang dọc chí nam nhi, phong ba vùi dập, tuyết sương chẳng quản, mưa gió chẳng sờn...”.

Ngoài lễ cáo yết nghinh thần, cầu siêu các binh phu Hoàng Sa, Trường Sa, dịp này trai làng các tộc họ còn tổ chức lễ đua thuyền tứ linh truyền thống "Long, Lân, Quy, Phụng", thu hút hàng nghìn người cùng du khách đến xem.

Theo các nhà sử học, lễ khao lề thế lính Hoàng Sa không chỉ tồn tại lâu đời trong các tộc họ ở huyện đảo Lý Sơn mà còn là lễ thức dân gian, văn hóa tín ngưỡng độc đáo, diễn ra hàng năm tại các địa phương ven biển ở Quảng Ngãi. Nơi nào có binh phu đi Hoàng Sa năm xưa thì nơi đó hàng năm đều diễn ra nghi lễ này.

Lễ thức khao lề thế lính là để chia tay những người đăng lính. Còn lễ thức khao lề tế lính là tưởng niệm người đăng lính đã bỏ mình trên dặm dài sóng nước.

Minh Hoàng

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/tai-hien-400-nam-hung-binh-hoang-sa-cam-cot-moc-chu-quyen-bien-dao-post838839.html