Tái hiện đám cưới Việt-Nhật đầu tiên tại Hội An

Vào tháng 8 này, một lễ hội văn hóa được tổ chức ở Hội An sẽ kể những câu chuyện đẹp về sự hình thành và phát triển mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Vào tháng 8 này, một lễ hội văn hóa được tổ chức ở Hội An sẽ kể những câu chuyện đẹp về sự hình thành và phát triển mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Một cảnh tại Lễ hội Giao lưu văn hóa Việt Nam-Nhật Bản được tổ chức tại Đà Nẵng từ 27-7 đến 29-7.

Đám cưới Việt-Nhật đầu tiên

Công nữ Ngọc Hoa, tên gọi đầy đủ là Nguyễn Phúc Ngọc Hoa, tương truyền là con của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên. Khi thương nhân nổi tiếng trong lĩnh vực hàng hải ở Nhật Bản là Araki Sotaro đến thương cảng Faifo (Hội An ngày nay) vào những năm đầu thế kỷ 17, ông đã gặp và kết mối lương duyên cùng bà.

Theo nhiều tài liệu, năm 1620, Ngọc Hoa theo chồng về Nhật và trở thành người phụ nữ đầu tiên mang văn hóa Việt Nam đến Nhật: là người dạy các điệu múa An Nam cho người Nhật. Với trái tim nhân hậu của mình, bà tham gia nhiều hoạt động từ thiện, xây chùa ở Nagasaki cũng như giúp kết nối các thương nhân Nhật Bản và Việt Nam.

Công nữ Ngọc hoa mất năm 1645 ở Nagasaki và được thờ tại đền Daionji (Nagasaki). Hiện nay, Viện Bảo tàng nghệ thuật Nagasaki vẫn còn lưu giữ chiếc gương soi của Công nữ Ngọc Hoa. Tại phố cổ Hội An cũng có một con đường ghi dấu ấn của Công nữ Ngọc Hoa, đó là con đường chạy dọc sông, từ cầu gỗ trước chùa Cầu đến quảng trường sông Hoài.

Với sự hỗ trợ của các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử đến từ Nagasaki và Việt Nam, đám cưới ghi dấu mối lương duyên Việt-Nhật sẽ được tái hiện một cách sinh động ở phố cổ Hội An vào lúc 16 giờ 30 phút ngày thứ Bảy 18-8. Đây là một trong những điểm nhấn của “Ngày văn hóa Nhật Bản tại Quảng Nam” và “Giao lưu văn hóa Hội An-Nhật Bản lần thứ 16”, diễn ra tại các địa điểm trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, chủ yếu là Hội An, từ ngày 17 đến 19-8 sắp tới.

Những điệu múa, trò chơi truyền thống

Cũng trong ngày 18-8, các nghệ sĩ Nhật Bản và Việt Nam sẽ thể hiện những điệu múa truyền thống của nước mình. Những màn trình diễn về các điệu múa Obon, nhảy Yosakoi và vũ điệu Kagura (tái hiện thế giới thần thoại và lịch sử của Nhật Bản) hứa hẹn sẽ mang đến cho người xem những giây phút thư giãn và trải nghiệm thú vị.

Trong khi đó, hoạt cảnh “Trang phục Hội An-Ký ức thời gian” diễn vào lúc 19 giờ ngày 18-8 sẽ tái hiện các hoạt động, cuộc sống sinh hoạt cũng như giới thiệu trang phục truyền thống Hội An từ đầu thế kỷ 19. Ngoài ra, du khách cũng có thể tham gia các trò chơi dân gian bài chòi và trò chơi đập nồi diễn ra hằng đêm.

Trong ba ngày của lễ hội, du khách có thể trải nghiệm “Không gian văn hóa Việt Nam-Nhật Bản” trên toàn bộ tuyến đường Nguyễn Thị Minh Khai và khu vực xung quanh chùa Cầu. Tại đây, cũng sẽ trưng bày tư liệu lịch sử, kết quả khảo cổ học về sự giao thương và phố Nhật ở Hội An vào thế kỷ 17; trình diễn trà đạo Nhật Bản, thư pháp, thả hoa đăng Nhật Bản, các trò chơi trẻ em của Việt Nam và Nhật Bản.

Đến đây người dân và du khách sẽ được đưa về một miền ký ức xa xưa của cảng thị Hội An sầm uất một thời, ví dụ hoạt động buôn bán các sản vật địa phương, bán tò he (vật phẩm đặc trưng của làng gốm Thanh Hà-Hội An), gánh nước xuyên thế kỷ, những chiếc xe lôi mang đậm dấu ấn thời gian, đám cưới của người Hội An xưa… Du khách cũng được xem cảnh tái hiện nghề dệt lụa truyền thống của Việt Nam và Nhật Bản, biểu diễn Kendama… Nhân dịp này, Đại sứ thiện chí Giao lưu văn hóa Hội An–Nhật Bản lần thứ 16 Ueno Yuuka cũng sẽ ra mắt.

Sự kiện “Ngày văn hóa Nhật Bản tại Quảng Nam” và “Giao lưu văn hóa Hội An – Nhật Bản lần thứ 16” được tổ chức nhằm hưởng ứng kỷ niệm 45 năm ghi dấu chặng đường hợp tác giữa Việt Nam-Nhật Bản nói chung và Hội An, Quảng Nam với các tổ chức, cá nhân tại Nhật Bản nói riêng.

Một số hoạt động thừng xuyên

Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://www.sgtiepthi.vn/tai-hien-dam-cuoi-viet-nhat-dau-tien-tai-hoi-an/