Tái hiện lại không gian 'Đêm phố cổ' Hội An đầu thế kỷ XX từ ngày 26-30/9

Hội Tết Trung thu Quý Mão - Hội An 2023 sẽ diễn ra từ ngày 26-30/9. Đặc biệt, trong chương trình sẽ tái hiện không gian 'Đêm phố cổ' Hội An đầu thế kỷ 20 với đời sống tinh thần đa dạng cùng các hoạt động văn hóa - nghệ thuật, thơ ca, trò chơi bài chòi, hò khoan đối đáp, sinh hoạt văn hóa truyền thống…

Theo thông tin từ Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh - Truyền hình TP. Hội An (Quảng Nam) cho biết, "Hội Tết Trung thu Quý Mão - Hội An 2023" sẽ diễn ra từ ngày 26-30/9 với nhiều hoạt động hấp dẫn.

"Hội Tết Trung thu Quý Mão - Hội An 2023" sẽ diễn ra từ ngày 26-30/9 với nhiều hoạt động hấp dẫn.

Mở đầu sự kiện là hội thi múa lân - múa thiên cẩu dành cho thiếu nhi đến từ các trường THCS trên địa bàn TP.Hội thi vào ngày 27/9 (tức 13/8 âm lịch) kết hợp với chương trình văn nghệ “Đêm hội trăng rằm”.

Lễ tết Trung thu diễn ra vào rằm tháng 8 âm lịch hằng năm, thường gắn với các hoạt động múa Thiên cẩu, múa Lân, rước đèn cùng nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật khác. (Ảnh: Trung tâm VH-TT&TT-TH Hội An)

Cùng với hoạt động này, ngày 28/9 (tức 14/8 âm lịch), sẽ tái hiện lại không gian "Đêm phố cổ" Hội An đầu thế kỉ XX. Điểm đặc sắc trong sự kiện này là các hoạt động văn hóa nghệ thuật thơ ca, trò chơi Bài chòi, hò khoan đối đáp, sinh hoạt văn hóa truyền thống…

Tết Trung thu thường đến sau khi mùa vụ kết thúc, nhà nhà người người sum vầy bên nhau và thường sẽ làm nên những món bánh từ lúa gạo và các nguyên liệu nông nghiệp để tạ ơn trời đất và cầu mong mùa màng bội thu vào những vụ sau. (Ảnh: Trung tâm VH-TT&TT-TH Hội An)

Đặc biệt, cũng trong dịp này, thành phố Hội An sẽ tổ chức đoàn diễu hành rước danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia Tết Trung thu lúc 17g30 và Lễ đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia Lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng Tết Trung thu vào lúc 19g00 ngày 14 âm lịch tại Công viên Hội An. Danh hiệu này càng khẳng định những giá trị mà Tết Trung thu mang lại trong đời sống của nhân dân địa phương, là cơ hội để các giá trị văn hóa truyền thống được giữ gìn và phát huy.

Đây là dịp để người người sum vầy bên nhau và thường sẽ làm nên những món bánh từ lúa gạo và các nguyên liệu nông nghiệp để tạ ơn trời đất và cầu mong mùa màng bội thu vào những vụ sau.

Theo bà Trương Thị Ngọc Cẩm - Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT-TH TP.Hội An cho biết, Tết Trung thu tại Hội An có sự giao thoa, tiếp biến giữa văn hóa bản địa truyền thống với văn hóa bên ngoài nên có nhiều giá trị đặc biệt, bởi không chỉ là sự kiện dành cho trẻ em mà còn là dịp thể hiện các giá trị tâm linh, tín ngưỡng, sự quan tâm gìn giữ của cả cộng đồng.

Trung thu ở Hội An mang vẻ đẹp vừa truyền thống vừa hiện đại

Trong hơn 25 năm qua, Tết trung thu ở Hội An đã gắn liền với hoạt động của đêm rằm phố cổ, thu hút đông đảo du khách. Ngoài ra, vào các dịp Trung thu sẽ có các lớp dạy hát dân ca, đồng dao, hướng dẫn trang trí đồ chơi Trung thu,... Những hoạt động này được tổ chức nhằm tạo thêm các hoạt động giúp các em thiếu nhi tìm hiểu, khám phá văn hóa truyền thống thú vị.

Có thể nói, tết Trung thu ở Việt Nam nói chung và tết Trung thu ở Hội An nói riêng đều thể hiện các giá trị tâm linh, tín ngưỡng, sự quan tâm gìn giữ của cả cộng đồng. Bên cạnh đó, đây cũng là nét văn hóa truyền thống cần được bảo tồn, gìn giữ và tiếp nối cho thế hệ tương lai sau này.

Bảo An

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/tai-hien-lai-khong-gian-dem-pho-co-hoi-an-dau-the-ky-xx-tu-ngay-26-30-9-172230920100305592.htm