Tái hiện nhiều nghi thức văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Tây Nguyên

Mặc dù đã trải qua nhiều năm sinh sống với nhiều thế hệ, tuy nhiên người đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên vẫn lưu giữ được nhiều nét văn hóa độc đáo, ý nghĩa.

Giàn cồng chiêng đánh rộn ràng, những cô gái xinh đẹp hòa cùng điệu chiêng tạo nên những điệu múa xoang uyển chuyển, say đắm lòng người.

Giàn cồng chiêng đánh rộn ràng, những cô gái xinh đẹp hòa cùng điệu chiêng tạo nên những điệu múa xoang uyển chuyển, say đắm lòng người.

Ngày 11/3, Sở Văn hóa thể thao và Du lịch phối hợp với UBND huyện Buôn Đôn (tỉnh Đắk Lắk) đã tổ chức Lễ cúng bến nước, Lễ cúng sức khỏe cho voi, tái hiện lại cảnh săn bắt và thuần dưỡng voi rừng… tại xã Krông Na (huyện Buôn Đôn).

Đây là một trong những hoạt động ý nghĩa, tôn vinh nét văn hóa truyền thống của người dân Tây Nguyên tại Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019.

Chùm ảnh các lễ cúng và tái hiện cảnh săn bắt và thuần dưỡng voi rừng:

Người dân đồng bào M’nông mang lễ vật xuống bên nước để làm lễ cúng nhằm cảm ơn thần linh và cầu mong mọi điều tốt đẹp, suôn sẻ với buôn làng.

Thầy cúng bày lễ vật gồm rượu cần, heo quay, gà và các lễ vật khác lên mâm cúng rồi tạ ơn tạ với thần nước, thần suối, thần sông, hứa sẽ giữ gìn bến nước sạch sẽ, bảo vệ tốt nguồn nước.

Cùng với lễ cúng bến nước, lễ cúng sức khỏe cho voi cũng được người dân đặc biệt chú ý và đây cũng là nghi lễ quan trọng, ý nghĩa với người M’nông.

Thầy cúng giỏi, uy tín, am hiểu tập tục của buôn làng được mời đến làm lễ cho gia chủ cầu mong thần linh cho voi nhiều sức khỏe để gánh vác công việc trong buôn làng

Lễ cúng được coi là sang trọng và tươm tất khi gia chủ làm trâu ăn mừng, còn với những hộ gia đình bình thường thì là heo, nếu không cũng phải là gà… tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của chủ voi.

Sau khi làm xong lễ khấn, từng chú voi được các nài voi điều khiển tiến lại gần chủ lễ để chủ lễ đặt đầu heo, gạo, bôi tiết, tưới rượu lên đầu voi để cầu chúc cho voi luôn khỏe mạnh để giúp đỡ gia đình trong mọi công việc.

Khi đã hoàn tất những nghi lễ trên nài voi trả lại đầu heo cho chủ lễ rồi đưa voi ra về.

Bên cạnh 2 lễ cúng trên, hội thi kéo co giữa voi và các vận động viên cũng được diễn ra hào hứng, sôi động.

Hơn 20 cán bộ, chiến sĩ và người dân đấu tài không lại chú voi của bản làng.

Đan xen vào đó là việc tái hiện lại cảnh săn bắt và thuần dưỡng voi rừng.

Những người săn bắt oai hùng, mạnh mẽ để thuần dưỡng những chú voi rừng.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/van-hoa/tai-hien-nhieu-nghi-thuc-van-hoa-doc-dao-cua-dong-bao-dan-toc-tay-nguyen-3987060-c.html