Tái hiện Tết Đoan Ngọ xưa tại Hoàng thành Thăng Long

Ngày 24/5, tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội đã khai mạc các hoạt động văn hóa, giải trí nhân dịp Tết Đoan Ngọ (5/5 Âm lịch) và Ngày Quốc tế Thiếu nhi (1/6).

Trong không gian của di sản, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với các đơn vị, nghệ nhân dân gian tổ chức chuỗi các hoạt động trưng bày, trải nghiệm văn hóa truyền thống phục vụ khách tham quan và các em nhỏ. Chương trình nhằm giới thiệu một số phong tục tập quán, nghi lễ trong dân gian và cung đình, giúp người xem tìm về cội nguồn xưa, hiểu và trân trọng hơn những giá trị truyền thống cốt lõi của dân tộc.

Cụ thể, trong khuôn khổ chương trình sẽ diễn ra các hoạt động như: trưng bày “Tết Đoan Ngọ xưa và nay”, giới thiệu phong tục xưa trong dân gian và cung đình; Bộ sưu tập quạt đặc sắc, vẽ các danh lam thắng cảnh Thăng Long của nghệ nhân Lân Tuyết; trưng bày trò chơi dân gian Việt Nam; trải nghiệm làm quạt đón phúc lành, kết vòng bình an, chơi các trò chơi dân gian; giao lưu với các nghệ nhân…

Các em học sinh tham quan trưng bày.

Các em học sinh tham quan trưng bày.

Đặc biệt, nhằm tái hiện hình ảnh Tết Đoan Ngọ xưa, từ ngày 24/5 đến 7/6, tại sân khấu rối nước Hoàng thành Thăng Long, chương trình biểu diễn văn hóa truyền thống “Một thoáng Đoan Dương thời Lê Trung Hưng” sẽ được tái hiện.

Chương trình biểu diễn được xây dựng dựa trên cơ sở khảo cứu các nguồn thông tin và tư liệu, khảo sát thực địa để đưa ra các phương án và kế hoạch phù hợp nhất. Đây là một chương trình sân khấu hóa, tái hiện một phần không khí Tết Đoan Dương thời Lê Trung Hưng.

Giải thích về ý nghĩa của lễ ban quạt vào dịp Tết Đoan Ngọ, nhà sử học Lê Văn Lan cho biết, bên cạnh các phong tục dân gian, nguồn sử liệu như: Đại Việt sử ký toàn thư, Lê Triều hội điển, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ cũng cho biết, trong cung đình xưa, Tết Đoan Ngọ là lễ thường triều, hoàng đế chịu mệnh trời thực hiện một số nghi lễ như: cúng tế các tiên đế, báo hiếu bậc sinh thành, ban yến và ban quạt cho văn võ bá quan, với mong muốn ban phúc lành, sức khỏe và bình an.

Tái hiện lễ ban quạt.

Theo đó, vào mùa hè, thời tiết nóng nực, nhà vua sẽ ban quạt cho quan viên để thể hiện sự quan tâm của người đứng đầu quốc gia tới các bề tôi. Lễ ban quạt có ý nghĩa, đưa đến làn gió mát từ vua tới quan viên.

Nhận xét về lễ ban quạt được phục dựng, nhà sử học Lê Văn Lan chia sẻ, những người thực hiện việc tái hiện lễ ban quạt đã rất khiêm tốn khi chỉ dám nhận đó là "một thoáng Tết Đoan Dương thời Lê Trung Hưng", mà không phải cả một lễ nghi với đầy đủ các bước và trình tự. Do vậy, nhà sử học cảm thấy hài lòng với phần trình diễn./.

Tin, ảnh: Huy Lê

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: http://cpv.org.vn/tu-tuong-van-hoa/tai-hien-tet-doan-ngo-xua-tai-hoang-thanh-thang-long-523390.html