Tài khoản định danh điện tử có mấy mức độ? Các mức độ khác nhau điểm gì?

Tài khoản định danh điện tử được quản lý và xác thực trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia. Theo quy định tài khoản định danh điện tử bao gồm 2 mức độ. Vậy đó là những mức độ nào và khác nhau ở điểm gì?

Có nên đăng ký tài khoản định danh điện tử không?

Dù không bắt buộc công dân phải đăng ký tài khoản định danh điện tử nhưng công dân nên thực hiện việc này để có thể nhận được những quyền lợi tốt nhất. Cụ thể:

- Miễn phí đăng ký và sử dụng tài khoản định danh điện tử với công dân.

- Tra cứu một số thông tin cá nhân của công dân.

- Có thể dùng thay thế nhiều loại giấy tờ như: Căn cước công dân, thẻ bảo hiểm y tế, giấy phép lái xe…

Các mức độ của tài khoản định danh điện tử

Hiện nay, theo quy định tại Điều 5, Quyết định số 34/2021/QĐ-TTg, tài khoản định danh điện tử bao gồm 2 mức độ:

Tài khoản định danh điện tử mức độ 1:

Là tài khoản được tạo trong trường hợp:

Thông tin của công dân kê khai đã được so sánh, đối chiếu trùng khớp với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Thông tin của người nước ngoài được so sánh, đối chiếu trùng khớp với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh (trừ ảnh chân dung và vân tay).

Tài khoản định danh điện tử mức độ 2:

Tài khoản được tạo lập trong trường hợp thông tin của cá nhân kê khai đã được xác minh bằng ảnh chân dung, hoặc vân tay trùng khớp với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân hoặc Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh.

Điều kiện để đăng ký tài khoản định danh điện tử

Điều 6, Quyết định số 34/2021/QĐ-TTg quy định, điều kiện để công dân đăng ký tài khoản định danh điện tử như sau:

Cá nhân đủ 14 tuổi trở lên: Đăng ký thông qua ứng dụng định danh điện tử.

Cá nhân chưa đủ 14 tuổi: Đăng ký theo tài khoản định danh của cha mẹ hoặc người giám hộ.

Người được giám hộ khác: Đăng ký theo tài khoản định danh điện tử của người giám hộ.

Khi đăng ký tài khoản, cá nhân cần khai báo đầy đủ các thông tin như sau:

Số định danh cá nhân, số hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế.

Họ và tên.

Ngày tháng năm sinh.

Giới tính.

Quốc tịch (Đối với người nước ngoài).

Số điện thoại, email.

Đối với người chưa đủ 14 tuổi, hoặc người mất năng lực hành vi dân sự thì bổ sung thêm thông tin về số định danh cá nhân, hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế.

Họ và tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, quốc tịch (người nước ngoài).

Phân biệt tài khoản định danh điện tử mức độ 1 và tài khoản định danh điện tử mức độ 2

Trường hợp không kích hoạt được tài khoản định danh điện tử

Theo Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06 - Bộ Công an), để khắc phục tình trạng không kích hoạt được tài khoản định danh điện tử, người dân đăng ký tài khoản phải cung cấp hình ảnh, sinh trắc học (ảnh thẻ, vân tay). Sau đó trung tâm sẽ đối chiếu với thông tin trên hệ thống, trùng khớp sẽ được duyệt ngay.

Với trường hợp đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 2, không phải công dân cung cấp giấy tờ cho công an khu vực là được tích hợp ngay. Khi nhận thông tin, trung tâm sẽ tiến hành thu nhận hồ sơ và gửi dữ liệu sang cơ quan quản lý dữ liệu như BHXH, Tổng cục Đường bộ, Cục Cảnh sát giao thông… để xác thực thông tin các loại giấy tờ của công dân.

"Nếu thông tin giấy tờ của công dân được các đơn vị quản lý xác thực là đúng, chính xác sẽ được trả về hệ thống định danh và hiển thị lên ứng dụng VNeID. Nếu thông tin sai hoặc không chính xác sẽ không được hiển thị lên ứng dụng VNeID", C06 cho biết.

L.Vũ (th)

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/tai-khoan-dinh-danh-dien-tu-co-may-muc-do-cac-muc-do-khac-nhau-diem-gi-172230518234031445.htm