Tài khoản Facebook 'Kaito Kid' đoán đúng tên tác phẩm trong đề thi văn: Phạt là khiên cưỡng!

Theo TS Cao Vũ Minh, việc trang Kaito Kid đưa ra thông tin về tên tác phẩm xuất hiện trong đề thi môn văn là theo cảm nhận và phân tích cá nhân, do đó, việc xử phạt nếu có sẽ là rất khiên cưỡng.

Ngày 14-7, Bộ GD-ĐT đã công bố kết quả xác minh nghi vấn lộ đề thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Theo đó, hoàn toàn không có việc lộ đề thi môn Ngữ văn với trường hợp tài khoản mạng xã hội Kaito Kid đoán trúng đề thi.

Đồng thời, Bộ GD-ĐT cũng cho rằng việc trang này các thông tin tiên đoán đề thi đã tạo ra sự hiểu lầm trong dư luận về việc đề thi bị lộ, ảnh hưởng đến công tác bảo đảm an ninh, an toàn cho kỳ thi. Hành vi này có dấu hiệu vi phạm hành chính theo Nghị định số 15/2020.

Trước đó, trang Kaito Kid cũng đã hai lần liền dự đoán đúng tác phẩm xuất hiện trong đề thi môn Ngữ Văn, kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia.

Trang Kaito Kid với thông tin dự đoán đề thi môn Ngữ Văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay.

Trao đổi cùng PLO, Tiến Sỹ Cao Vũ Minh, Giảng viên Khoa Luật, Đại học Kinh tế-Luật, ĐHQG TP.HCM, cho biết: Điều 101 Nghị định 15/2020 quy định vấn đề xử phạt đối với các vi phạm hành chính về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội; trang thông tin điện tử được thiết lập thông qua mạng xã hội.

Theo đó, chỉ có thể xử phạt trang Kaito Kid nếu trang này có các hành vi vi phạm được quy định tại Điều này... Cụ thể là hành vi "Cung cấp, chia sẻ thông tin sai sự thật, giả mạo, bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân, kích động bạo lực...".

"Tuy nhiên, qua nghiên cứu, tôi nhận thấy những thông tin trang Kaito Kid đăng tải về dự đoán đề thi Văn không phải là sai sự thật hay giả mạo. Đây cũng không phải là thông tin bịa đặt, gây hoang mang", TS Minh nhận định.

Bên cạnh đó, hành vi này cũng không thể bị xử phạt theo Nghị định 04/2021 xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục bởi không thỏa bất cứ hành vi nào được quy định trong nghị định này.

“Việc trang mạng Kaito Kid đưa ra thông tin (cho dù đúng với đề thi văn) được xác định theo cảm nhận và phân tích cá nhân. Việc làm này cũng giống như hành vi đoán kết quả xổ số, đoán số bàn thắng của một trận đấu. Do đó, dường như là không thỏa các dấu hiệu cấu thành của vi phạm hành chính. Việc xử phạt nếu có sẽ là rất khiên cưỡng”, TS Cao Vũ Minh nêu quan điểm.

TS Cao Vũ Minh cũng cho rằng: Về nguyên tắc muốn xử phạt vi phạm hành chính phải chứng minh được chủ thể đã thực hiện một vi phạm hành chính được quy định cụ thể trong một nghị định về xử phạt vi phạm hành chính. Trường hợp này, người có thẩm quyền phải chứng minh là có hành vi trái pháp luật hay không?

Do đó, muốn xử phạt trang Kaito Kid thì cơ quan có thẩm quyền phải chứng minh có hành vi vi phạm theo Điều 101 Nghị định 15/2020 hay các vi phạm về thi cử theo Điều 14 Nghị định 04/2021 hay không?

Như đã phân tích ở trên, hành vi đoán đúng tên tác phẩm trong đề thi Văn và cho dù có trùng khớp cả ba năm thì cũng không phải là hành vi vi phạm. Trong trường hợp này không thể xử phạt được.

Bên cạnh đó, trang này chỉ nói đến đề thi là "Chiếc thuyền ngoài xa" nhưng cũng không nói rõ nội dung cụ thể là gì. Tác phẩm này có thể được khai thác dưới nhiều góc độ khác nhau như hình ảnh ẩn dụ của con thuyền, cuộc sống của đôi vợ chồng… Chính vì lẽ này mà không thể quy kết đây là hành vi làm lộ đề và cũng không phải là hành vi cung cấp thông tin sai sự thật, giả mạo hay gây hoang mang dư luận.

TRÚC PHƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/tai-khoan-facebook-kaito-kid-doan-dung-ten-tac-pham-trong-de-thi-van-phat-la-khien-cuong-post689278.html