Tái khởi động mối quan hệ đối tác chiến lược

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có chuyến thăm chính thức Brazil kéo dài 3 ngày, từ 26-28/3, nhằm đưa quan hệ giữa hai nước sang một trang mới sau 'những năm đen tối' dưới thời Tổng thống cực hữu Jair Bolsonaro.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải) và Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva tại cuộc gặp ở Belem ngày 26/3/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Chặng dừng chân đầu tiên của ông là Belem, thủ phủ bang Para, nơi ông đã được đích thân Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva (Lula) tiếp đón. Trong khung cảnh xanh tươi của rừng rậm nhiệt đới Amazon, hai nhà lãnh đạo đã cùng nhau phát động một chương trình huy động 1 tỷ euro (hơn 1 tỷ USD) trong vòng 4 năm để đầu tư cho các dự án “kinh tế sinh học”, một mô hình kết hợp phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, tại khu vực Amazon của Brazil và vùng lãnh thổ Guyana thuộc Pháp tại Nam Mỹ.

Thúc đẩy “kinh tế sinh học” chính là một phần quan trọng trong lộ trình quốc tế mà hai bên muốn thúc đẩy trước thềm Hội nghị lần thứ 30 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP30) sẽ được tổ chức tại chính Belem năm 2025. Hai nhà lãnh đạo cùng muốn thể hiện vai trò đi đầu trong cuộc chiến chống nạn phá rừng và đấu tranh cho quyền lợi của người dân bản địa.

Hai nhà lãnh đạo luôn hiện diện bên nhau trong suốt 3 ngày diễn ra chuyến thăm của Tổng thống Pháp, nhưng thông điệp chủ yếu được gửi đi là đặt nền móng cho mối quan hệ đổi mới thông qua những điểm tương đồng và tiếp nối những thỏa thuận song phương đã được ký kết. Bởi vậy, ngoài việc công bố chương trình gây quỹ 1 tỷ USD cho nền kinh tế sinh học và các dự án hợp tác ở Amazon, đã không có thông báo nào về những thỏa thuận hợp tác mới giữa hai nước.

Mục đích chuyến thăm của Tổng thống Macron đơn giản là khởi động lại mối quan hệ kinh tế giữa hai quốc gia có chung đường biên giới dài 730 km ở Guyana, mặc dù tháp tùng ông là một phái đoàn gồm đại diện của các tập đoàn lớn như Carrefour, Airbus, Vicat... Pháp hiện đang là nhà đầu tư nước ngoài đứng thứ tư ở Brazil, với 40 tỷ euro, và là nhà sử dụng lao động tư nhân lớn nhất tại nước này, với 520.000 việc làm.

Tổng thống Macron đã tham dự “diễn đàn doanh nghiệp” ở Sao Paulo để chứng minh rằng trao đổi hàng hóa có thể phát triển thịnh vượng mà “không cần hiệp định thương mại tự do” như thỏa thuận đang được đàm phán giữa Liên minh châu Âu (EU) và Khối thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) - thỏa thuận mà Paris đang ra sức ngăn chặn trong bối cảnh khủng hoảng nông nghiệp ở châu Âu.

Tại Rio de Janeiro, Tổng thống Pháp đã đến thăm căn cứ hải quân Itaguai nhằm tái khẳng định “mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước”. Ông và người đồng cấp Lula đã cùng khánh thành và chứng kiến lễ hạ thủy tàu ngầm “Tonelero” lớp Scorpène do Pháp thiết kế. Đây là tàu ngầm thông thường thứ ba trong tổng số 4 chiếc được chế tạo theo thỏa thuận quân sự song phương được ký năm 2008, trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Lula và thời Tổng thống Nicolas Sarkozy. Tại đây, hai bên cũng đề cập đến triển vọng hợp tác chế tạo tàu ngầm thứ tư chạy bằng năng lượng hạt nhân mà Pháp được đề nghị chuyển giao một phần công nghệ.

Trong cuộc hội đàm tại phủ tổng thống Planalto ở thủ đô Brasilia, hai nhà lãnh đạo đã có những trao đổi về các chủ đề quốc tế lớn của khu vực và quốc tế. Ngoài việc thống nhất mở mặt trận chung ứng phó với tình trạng ấm lên toàn cầu như một “ưu tiên chiến lược”, giữa hai nhà lãnh đạo đã không che giấu được những bất đồng đã được thể hiện rất rõ kể từ khi ông Lula trở lại nắm quyền.

Trước hết là việc Paris không ủng hộ hiệp định thương mại tự do giữa EU và Mercosur. Tổng thống Pháp cho rằng hiệp định đang được đàm phán "là một thỏa thuận rất tồi tệ" vì "không có điều gì tính đến chủ đề đa dạng sinh học và khí hậu”.

Theo Tổng thống Pháp, những gì đang đàm phán giữa hai bên phải được thay thế bằng một thỏa thuận thế hệ mới trên quan điểm chú trọng “phát triển, khí hậu và đa dạng sinh học”. Ông Macron đã lặp lại quan điểm mà ông bảo lưu suốt từ năm 2019, nhưng với thái độ kiên quyết hơn kể từ khi trong nước diễn ra các cuộc biểu tình của nông dân, những người đang rất lo ngại viễn cảnh phải cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu từ Brazil và Argentina.

Lập trường của hai bên về xung đột ở Ukraine và tình hình tại Dải Gaza, cũng có sự trái ngược. Các cuộc khủng hoảng này đang khoét sâu thêm sự chia rẽ giữa các nước Nam bán cầu mà Brazil là một quốc gia chủ chốt và phương Tây, gồm những nước được cho là đang áp dụng “tiêu chuẩn kép” trong mối quan hệ với Israel, so với quan điểm đối với Nga.

Tổng thống Brazil vẫn giữ quan điểm rằng Tổng thống Volodymyr Zelensky “cũng phải chịu trách nhiệm” về cuộc xung đột ở Ukraine như người đồng cấp Vladimir Putin. Ông cũng kêu gọi thành lập một “nhóm hòa bình” và tiến hành đàm phán giữa các bên liên quan. Điều này hoàn toàn trái ngược với quan điểm của ông Emmanuel Macron - người đang “từ bồ câu trở thành diều hâu”. Trong những ngày gần đây, Tổng thống Pháp thường xuyên có những tuyên bố cực đoan về xung đột ở Ukraine, đặc biệt là đề xuất gây tranh cãi về việc điều động binh sĩ đến hỗ trợ Kiev.

Bất chấp các bất đồng, Tổng thống Pháp vẫn coi Brazil là một trong những cường quốc mới nổi có thể đóng vai trò then chốt trong các vấn đề toàn cầu. Brazil giữ chức chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) trong năm 2024 và sẽ đăng cai tổ chức COP30 vào năm 2025.

Đối với Tổng thống Macron, Mỹ Latinh là nơi chính sách ngoại giao Pháp hầu như đã bỏ quên kể từ khi ông lên nắm quyền và sự trở lại của ông Lula chính là cơ hội để ông thiết lập “một chỗ đứng” tại khu vực. Trước chuyến thăm lần này, ông và người đồng cấp Brazil đã gặp nhau nhiều lần tại các sự kiện quốc tế và luôn dành cho nhau sự tôn trọng nhất định.

Tháng 11/2021, mặc dù “vẫn chỉ là một ứng cử viên tổng thống”, ông Lula đã được đón tiếp một cách trọng thị tại Điện Elyseé, với thảm đỏ và đội vệ binh danh dự. Trở lại vai trò lãnh đạo Brazil, ông đã được xem là một “ngôi sao sáng” tại hội nghị thượng đỉnh Paris về Hiệp ước tài chính toàn cầu mới tháng 6/2023.

Cả hai nhà lãnh đạo đều có những mối quan tâm chính trị trong nước cần chia sẻ. Với việc “kết giao” với Tổng thống Macron, một nhà lãnh đạo châu Âu theo chủ nghĩa tự do trong các vấn đề kinh tế, ông Lula muốn tìm một “bảo lãnh” cho các đảng trung dung và cánh hữu trong liên minh cầm quyền của ông. Ngược lại, ông Macron hy vọng thoát khỏi sự chỉ trích của phe đối lập khi xuất hiện cùng một nhân vật nổi tiếng của phe cánh tả toàn cầu khi chỉ khoảng 2 tháng nữa sẽ diễn ra cuộc bầu cử nghị viện châu Âu .

Nguyễn Tuyển (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/tai-khoi-dong-moi-quan-he-doi-tac-chien-luoc-20240329161807867.htm