Tại không đúng 'khung giờ'?

Nếu như năm ngoái, 'Người phán xử' trở nên đình đám khi câu chuyện được kể rất Việt Nam từ kịch bản gốc của Israel, thì năm nay, 'Quỳnh búp bê' trở thành một hiện tượng, không chỉ vì nó gắn mác 18+ hay đang tạm ngưng chiếu mà còn vì chất lượng thực sự của nó.

Nhiều người trong giới làm phim khen "Quỳnh búp bê" và nhiều ý kiến ủng hộ nó. Trước những phê phán kiểu "phim trần trụi quá", những ý kiến bảo vệ "Quỳnh búp bê" không phải không đáng tham khảo. Một tác phẩm xác định hướng đi là hiện thực thì không thể tách rời hiện thực.

Hiện thực thật ra còn khắc nghiệt, bệnh hoạn hơn những gì "Quỳnh búp bê" thể hiện nhiều. Và trong thế giới mà bộ phim ấy mô tả, việc bóng bẩy hóa hình ảnh 3 cô gái làng chơi bị chăn dắt trong ổ điếm không thể bi lụy mỹ miều như Thúy Kiều của Nguyễn Du được.

Việc "Quỳnh búp bê" tạm ngưng chiếu sau những phản ánh từ dư luận thực tế chỉ cho thấy VTV hơi chủ quan khi chọn khung giờ 20h45 cho bộ phim dài tập này. Giờ đó trẻ em chưa đi ngủ, và vì thế, dẫu có dán mác 18+ đi nữa thì khó lòng bộ phim không lọt vào mắt chúng nếu ông bà, cha mẹ ngồi xem. Thực chất, nếu chọn khung giờ 22h (rất có khả năng phim sẽ được chiếu trở lại ở khung giờ này) thì sẽ hợp lý hơn rất nhiều, và thuận tiện hơn rất nhiều cho sinh hoạt của các gia đình.

Nhưng dù có cho là chọn khung giờ chưa chuẩn đi nữa, việc đổ lỗi cho VTV như một luồng dư luận đang tồn tại xem ra hơi... quá. Bởi trong thực tế, VTV đã có kênh VTV9 dành cho thanh thiếu niên nên việc "Quỳnh búp bê" hay các phim tương tự sau này xuất hiện trên kênh sóng các kênh khác của VTV là hoàn toàn hợp lý, nhất là khi đã có gắn cảnh báo quy định độ tuổi tối thiểu. Nhà đài có nhiệm vụ cung cấp nội dung, minh bạch nội dung ấy dành cho đối tượng khán giả nào.

Và khi các thông tin cần minh bạch ấy đã có, người xem phải cân nhắc và phải biết tự quản lý các đối tượng xem không phù hợp lứa tuổi trong gia đình mình. Đừng vì cái lý VTV là truyền hình quốc gia có nhiệm vụ phục vụ nhân dân mà bắt nhà đài phải làm cái việc không thuộc trách nhiệm của họ. Và nói về trách nhiệm của VTV, chúng ta cần phải nhìn rộng hơn, so sánh với nhiều kênh truyền hình hiện có khác.

Hiện nay, trên các nền tảng cung cấp dịch vụ truyền hình gia đình, có khoảng 100 kênh các loại, cả trong nước lẫn ngoài nước. Trong đó nổi bật là các kênh như HBO, FOX Movie, Fashion TV… Đơn cử như HBO, họ vẫn có những phim khuyến cáo không dành cho những người xem ở một giới hạn tuổi nhất định.

Và khuyến cáo đó là quá đủ. Tự người dùng phải có ý thức bảo vệ người thân trong gia đình mình trước các nội dung quá nặng đô so với tuổi nhận thức. Bên cạnh đó, với các nội dung chưa phù hợp văn hóa, xã hội, chính trị ở Việt Nam, HBO vẫn chủ động cắt hoặc chèn nội dung thay thế vào. Đó là trách nhiệm của một kênh truyền hình.

Quay trở lại với VTV và "Quỳnh búp bê", thực sự khuyến cáo trước phim cũng đã là đủ. Và chúng ta nên nhớ, nếu không chiếu trên VTV mà chiếu ở một kênh "người lớn" khác đi nữa, "Quỳnh búp bê" vẫn có thể được tìm thấy trên youtube hoặc các nền tảng xem video trên mạng.

Chúng ta có quản lý con cái mình đủ chặt chẽ chưa khi luôn dễ dàng giao điện thoại thông minh và máy tính bảng cho chúng? Chính chúng ta mới là người tạo kẽ hở để trẻ em xem các nội dung không phù hợp lứa tuổi chứ không phải lỗi tại một đơn vị nào đó...

Văn Đoàn

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/ly-luan/tai-khong-dung-khung-gio-501993/