Tài liệu an ninh của Mỹ gọi Trung Quốc là thách thức thế kỷ

Tổng thống Mỹ Joe Biden xác định sự cạnh tranh gia tăng với Trung Quốc là thách thức chủ chốt mà Mỹ phải đối mặt. Còn nhà ngoại giao hàng đầu của Washington gọi siêu cường châu Á là 'phép thử địa chính trị lớn nhất' trong thế kỷ này.

Chính quyền Mỹ vừa đưa ra đánh giá của mình trong tài liệu dài 24 trang đề ra các chính sách an ninh quốc gia cùng với bài phát biểu chính sách đối ngoại quan trọng đầu tiên của Ngoại trưởng Antony Blinken.

“Họ (Trung Quốc) là đối thủ cạnh tranh duy nhất có khả năng kết hợp sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ để tạo nên thách thức lâu dài đối với một hệ thống quốc tế mở và ổn định”, tài liệu an ninh quốc gia của Mỹ đánh giá về Trung Quốc.

Tài liệu nói thêm rằng trong bối cảnh phải xử lý những thách thức từ Trung Quốc và Nga, quân đội Mỹ sẽ chuyển trọng tâm ưu tiên khỏi “các hệ thống vũ khí và nền tảng di sản không cần thiết nhằm giải phóng các nguồn lực đầu tư” cho công nghệ hiện đại.

Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh ảnh hưởng ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, về cách làm thương mại của Trung Quốc, trong các vấn đề Hong Kong, Đài Loan và Tân Cương. Chính quyền Biden cho biết sẽ tiếp tục chính sách cứng rắn với Trung Quốc từ thời ông Trump, nhưng sẽ phối hợp với các đồng minh.

“Quan hệ của chúng tôi với Trung Quốc sẽ cạnh tranh khi cần cạnh tranh, sẽ hợp tác khi có thể hợp tác, sẽ là đối thủ khi bắt buộc phải thế”, ông Blinken nói tại một sự kiện ở Bộ Ngoại giao Mỹ.

Ông Blinken nói rằng ông đồng ý với người tiền nhiệm Mike Pompeo về vấn đề người Hồi giáo ở Tân Cương.

Các chuyên gia của Liên Hợp quốc nói rằng 1 triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ đang bị giam trong các trại ở Tân Cương. Trung Quốc bác bỏ cáo buộc này, nói rằng các trại đó là để đào tạo hướng nghiệp và đóng vai trò cần thiết để chống lại tình trạng cực đoan hóa.

Dù ông Blinken nói về Iran, xung đột ở Yemen và Myanmar có thể trở thành thách thức tiềm tàng, nhưng Trung Quốc là nước duy nhất mà ông nói đến trong danh sách 8 vấn đề ưu tiên của chính quyền, bên cạnh các vấn đề về đại dịch toàn cầu, biến đổi khí hậu và thúc đẩy nhân quyền.

Ông Biden cũng muốn gửi tín hiệu về sự đoạn tuyệt với chính sách “Mỹ là trên hết” mà ông Trump theo đuổi, để từ đó tái hợp tác với các đồng minh và thúc đẩy ngoại giao đa phương, dù thừa nhận rằng thế giới đã thay đổi nhiều so với khi ông là cấp phó của chính quyền Obama.

Ông Blinken cũng nói về cách chính sách đối ngoại có thể mang lại lợi ích cho các lao động và gia đình Mỹ, và nói rằng đây là vấn đề chìa khóa trong cách tiếp cận của chính quyền hiện nay.

“Chúng tôi sẽ chiến đấu cho mọi việc làm và các quyền, sự bảo vệ và lợi ích của tất cả công nhân Mỹ”, ông Blinken nói.

Thu Loan

Theo Theo AP

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/the-gioi/tai-lieu-an-ninh-cua-my-goi-trung-quoc-la-thach-thuc-the-ky-1801518.tpo