Tài liệu mới trong ĐỀ THÁM CHỐNG CHẾ ĐỘ THUỘC ĐỊA

Hoàng Hoa Thám, người anh hùng dân tộc, là một tướng tài thao lược đã nêu cao ngọn cờ yêu nước, tiếp bước Đề Nắm chiến đấu chống chế độ thuộc địa Pháp khoảng cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX ở Việt Nam. Một số nhà sử học Việt Nam và Pháp đã có nhiều công trình nghiên cứu dưới nhiều góc độ khác nhau như: Hoàng Hoa Thám- Bài học xương máu của 25 năm đấu tranh của Văn Quang (1957), Hoàng Hoa Thám và phong trào nông dân Yên Thế (1958) của Đinh Xuân Lâm-Nguyễn Văn Sự-Trần Hồng Việt, Tìm hiểu Hoàng Hoa Thám của Tôn Quang Phiệt (1984) Phong trào nông dân Yên Thế chống thực dân Pháp xâm lược (1985 tái bản có bổ sung năm 2001) của Nguyễn Văn Kiệm…Sách Hoàng Hoa Thám (1836-1913) của Khổng Đức Thiêm (2014) coi như tổng kết một chặng đường nghiên cứu.

Tuy nhiên Đề Thám (1846-1913) – một chiến sĩ kháng chiến chống lại chế độ thuộc địa Pháp của Claude Gendre (2009) vẫn là cuốn sách hay, bởi nó là thành quả của những chuyến đi thực tế ở căn cứ địa – nơi ông nội tác giả đã từng in dấu chân khi tuổi còn trẻ, đã tham gia cuộc đánh dẹp phong trào nông dân Yên Thế - nên gia đình đã giữ lại được nhiều bức vẽ, bản đồ ảnh chụp căn cứ Phồn Xương. Những lời kể sống động của người trong cuộc, toàn văn bức thư của Đề Thám viết bằng chữ Hán gửi nhà cầm quyền Pháp, danh thiếp của Đề Thám in công khai ở Hà Nội trong thời gian tạm hòa hoãn giữa nghĩa quân Yên Thế và chính quyền thuộc địa.

Đáng chú ý là tác giả đã có một cách nhìn nhận đánh giá mới về tướng quân Đề Thám, không gọi Đề Thám một cách miệt thị là tướng cướp (chef pirate) như nhiều văn bản pháp lý của chính quyền thuộc địa, hoặc một số sách khác của người Pháp đã viết về Đề Thám ở thế kỷ XX và ông đã đánh giá Đề Thám là nhà yêu nước xuất thân nông dân, có thiên tài quân sự thể hiện ở cả chiến lược và chiến thuật trong chiến đấu bảo vệ đất nước. Cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế là một bộ phận không thể tách rời trong phong trào Cần Vương do vua Hàm Nghi giương cờ nổi dậy chống Pháp ngay từ khi mới nhen nhóm. Đề Nắm và Đề Thám chưa một lần lên tiếng với tư cách thành viên; nhưng chính những diễn biến của cuộc khởi nghĩa Yên Thế thể hiện tinh thần yêu nước quả cảm, quyết chiến quyết thắng, lúc đầu dường như tự phát nhưng có ý nghĩa đón nhận phong trào.

Đề Thám không những là người con của quê hương Yên Thế – Nhã Nam mà còn di duệ của nhiều miền quê khác, nơi cha mẹ đã sinh ra ông ở Sơn Tây cũ, nơi ông sống hồi niên thiếu ở Hưng Yên, những miền đất thuộc các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Phúc Yên, Vĩnh Yên… những nơi nghĩa quân Yên Thế đã đi qua và chiến đấu. Không ít người đã ngã xuống, và cả ở Hà Nội, ông là linh hồn - nếu chưa đủ tài liệu để kết luận ông là người đề xướng, người chỉ đạo chủ chốt – của vụ Hà Thành đầu độc năm 1908, và cũng là người anh hùng của đất Thăng Long ở thập kỷ đầu của thế kỷ XX. Vì vậy, mọi mối quan hệ ông với các tướng lĩnh, với các nhân sĩ, trí thức đương thời cũng không thể tách biệt. Đây cũng là lý do mà chúng tôi biên soạn Những ghi nhận mới giữa Đề Thám với Kỳ Đồng .Với Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm ở bậc tri thức thì đã có Kỳ Đồng tiểu sử và thơ văn (1983) và chuyên khảo Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm của Nguyễn Phan Quang (1993) khẳng định.

Từ sau năm 1975, đây đó trong nghiên cứu lịch sử đã có tác giả trong và ngoài nước đã tìm thấy tư liệu văn bản của giới chức trách, báo chí đương thời đã đặt ra câu hỏi chi tiết về Lê Hoan. Nhân vật Lê Hoan là một quan chức làm việc trong bộ máy của chính quyền thuộc địa Pháp và chính phủ bù nhìn nhà Nguyễn, chắc còn phải tìm hiểu nhiều hơn nữa mới có thể khẳng định, ông là quan chức có tinh thần yêu nước hay một điệp viên trong phong trào Cần Vương?

Có một vài bài báo tỏ ý xem xét lại và bênh vực cho kẻ làm tay sai cho quân giặc ngoại xâm này. Song thực tế tư liệu chưa đủ sức thuyết phục.Thực dân Pháp chiếm thành Hà Nội lần thứ hai ngày 25-4-1882, rồi nống ra hết các tỉnh khác của Bắc Kỳ. Khởi nghĩa nông dân nổ ra khắp nơi. Pháp huy động quân đánh dẹp nhưng không thể dập được ngọn lửa yêu nước kháng chiến của nhân dân. Áp dụng thủ đoạn “dùng người Việt đánh người Việt” đã thi hành ở Nam Kỳ và Trung Kỳ, đến Bắc Kỳ chúng gặp ngay Hoàng Cao Khải tự nguyện theo giúp. Y được cử làm tiễu phủ sứ, phụ trách “dẹp loạn” ở các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương. Ít lâu sau Pháp thăng chức tổng đốc Hải Yên (liên tỉnh Hải Dương – Quảng Yên) cho Hoàng Cao Khải.

Năm 1889, y chiếm được địa vị kinh lược sứ Bắc Kỳ, lũ quan thầy Pháp gọi Hoàng là “phó vương Bắc Kỳ” (vice–roi du Tonkin). Phan Bội Châu trong Việt Nam vong quốc sử gọi Hoàng Cao Khải là “người Việt làm chó săn” cho xâm lược Pháp, đó là “những tên côn đồ vô nghĩa vô hạnh, mặt khỉ ruột lợn (...) mà người Việt bình nhật rất ghét”. Tổng đốc Lê Hoan là kẻ thân cận, được tôi luyện từ tư dinh Hoàng Cao Khải.

Lê Hoan (1856 - 1915) quê làng Mọc, lúc nhỏ tên Lê Tôn, tự Ưng Chi, hiệu Mục Đình, thụy là Vân Nghị, sinh quán tại thôn Cự Lộc, xã Nhân Mục, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông (nay thuộc phường Thượng Đình, quận Đống Đa, Hà Nội). Lớn lên Lê Hoan đi lính nhà Nguyễn đóng ở Sơn Tây. Pháp xâm chiếm Bắc Kỳ, y phối hợp với quân cờ đen đánh Pháp. Sau vì bị kỷ luật, y bị khép án tử hình, rồi lại được giảm án. Năm 1886 Lê Hoan quy thuận Pháp được bổ làm thông phán ở Lạng Sơn và Hưng Yên. Sau năm 1892, Lê Hoan từng được Pháp thăng chức bố chính Sơn Tây, tuần phủ Hưng Hóa kiêm tiễu phủ sứ Tam Tuyên (các tỉnh Sơn Tây, Hưng Hóa, Tuyên Quang), tổng đốc Bắc Ninh.

Năm 1896, Lê Hoan bị cách chức tổng đốc Bắc Ninh vì tội để hai người Pháp bị giết và ăn hối lộ. Năm 1909, Lê Hoan về Bắc làm tổng đốc Hải Dương, được phong chức khâm sai đại thần, đã cùng với quân đội Pháp cầm đầu 400 lính ra sức khủng bố nhân dân, cắt đứt mối liên hệ giữa nhân dân với nghĩa quân và tìm cách bao vây nghĩa quân Đề Thám. Trước sự dồn ép ấy, nghĩa quân từ chỗ lưu động, phải rút lên lập cứ điểm tại vùng núi Lang, tả ngạn sông Thanh Giang. Cuộc ác chiến đã diễn ra tại núi Lang ngày 5 tháng 10 năm 1909, làm cho phần lớn nghĩa quân bị tan vỡ. Núng thế, nghĩa quân Yên Thế xé lẻ lực lượng, dần suy yếu.

Nhà thơ Nguyễn Khuyến trong mối quan hệ tay ba này có vai trò như thế nào? Nguyễn Khuyến (1835–1909) quê gốc làng Yên Đổ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, từng đỗ đầu cả ba kì thi hương, thi hội, thi đình nên thường được gọi là Tam nguyên Yên Đổ. Nguyễn Khuyến không chỉ là một nhà thơ tiêu biểu cho tâm hồn Việt Nam, ông còn là một nhà giáo, có lúc phải gượng tình dạy học cho con Hoàng Cao Khải. Là bậc đại nho sống vào cuối thế kỹ XIX đầu thế kỹ XX, ông đã từng thốt lên khi răn dạy con cháu trong một bài thơ xuân:

Sách vở làm gì trong buổi ấy

Áo xiêm nghĩ lại thẹn thân già

Nghĩ ta ta gớm cho ta nhỉ

Người gặp khi cùng cũng ngất ngơ

Tự trách mình bất lực, nhưng câu thơ cũng phản ánh tâm trạng chung của tầng lớp nho sĩ có xu hướng ưu thời mẫn thế. Nguyễn Khuyến từ chức, không dụng quyền tổng đốc Sơn Hưng Tuyên để vào hùa với chính quyền bảo hộ mà đàn áp các cuộc khởi nghĩa nông dân đang dậy lên, vì ông cũng như biết bao người cùng thời chưa đủ sức để cưỡng lại đương triều. Khi đã về nghỉ hưu trí ở chốn vườn Bùi tại quê nhà, Nguyễn Khuyến vẫn hằng quan tâm đến tình hình đất nước, nhưng trời ơi, những với những tân quan thuộc tuổi cháu chắt ông như “ông đồ Cự Lộc”:

Văn hay chữ tốt ra tuồng

Văn giai như chão, chữ vuông như hòm

Vẻ thầy như vẻ con tôm

Vẻ tay ngoáy cám. vẻ mồm húp tương

Vẻ lịch sự ai bằng thày Cự Lộc…

Đối với đệ tử của Hoàng Cao Khải là Lê Hoan thì Nguyễn Khuyến chỉ ra cái lai lịch thời trai trẻ như thế; còn khi y làm quan cho Tây thì nhà thơ chẳng những coi thường trong xử sự mà còn làm thơ chửi đau đớn hơn nhiều.

Lê Hoan kém Nguyễn Khuyến 21 tuổi, sống cùng thời. Giỏi luồn lách y trung thành với thực dân Pháp nên có quyền cao, bị nhà thơ lên án. Tuổi trưởng thành Lê Hoan đã kịp thời thích ứng với xã hội “ba đào ký” với thuốc phiện, gái điếm… bằng tiền bán xương máu của dân nghèo cho thực dân. Dẫu gặp mặt ở dinh Hoàng Cao Khải, hay ở bất cứ đâu, Nguyễn Khuyến vẫn tỏ ý xem thường tính cách của Lê Hoan. Mùa xuân năm 1905, miễn cưỡng phải làm chánh chủ khảo cuộc thi thơ đề vịnh Kim Vân Kiều truyện do Lê Hoan tổ chức ở Hưng Yên, Nguyễn Khuyến liền vận dụng ngay cơ hội để có thơ chửi trực diện; mà Lê Hoan chẳng nói vào đâu được, vì Nguyễn Khuyến đang được mời hưởng ứng cuộc thi đấy chứ:

Thằng bán tơ kia giở giói ra,
Làm cho bận đến cụ viên già.
Muốn êm phải biện ba trăm lạng,
Khéo xếp nên liều một chiếc thoa.
Nổi tiếng mượn màu son phấn mụ,
Đem thân chuộc lấy tội tình cha.
Có tiền việc ấy mà xong nhỉ?
Đời trước làm quan cũng thế a?

Song nếu tìm diện, điểm, trong thơ Việt Nam đương thời cũng có người vượt lên được trong nghệ thuật ngôn từ, dùng thơ văn để trực tiếp vạch mặt kẻ xu thời nịnh thế, bán nước cầu vinh như tổng đốc Lê Hoan. Cử nhân Nguyễn Thiện Kế (1870 – 1920) người kém Lê Hoan 14 tuổi - tuy cũng là quan huyện - nhưng ông vẫn chửi thẳng Lê Hoan là con người lá mặt lá trái:

Tổng đốc miền đông ngỡ đứa nào
Lê Hoan thôi lại tụi Hoàng Cao
Cậu hầu ngày trước tay còn tráp
Ông lớn bây giờ ngực đã sao
Rể được Thượng Trần thêm xứng đáng
Giặc nhờ Đề Thám có huân lao
Tướng tinh nay đã quay đầu lại
Đôi mắt trừng trừng ngược mũi dao

Như vậy khi có nạn ngoại xâm, ngay trong lòng bản quốc cũng có kẻ ôm lưng bó gối qui hàng giặc cầu vinh. Nguyễn Khuyến đã nêu một bài học cho các thế hệ nhà văn Việt Nam cần lên án kịp thời để phản ánh một hiện thực xấu xa.

Sưu tập Đề Thám chống chế độ thuộc địa Pháp là cuốn sách có nhiều tư liệu mới, thể hiện cách nhìn nhận các sự kiện, nhân vật có liên quan đến cuộc khởi nghĩa với thái độ mở rộng tầm nhìn lịch sử.

Trương Sỹ Hùng

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/tai-lieu-moi-trong-de-tham-chong-che-do-thuoc-dia-54685