Tai nạn 13 người chết: Tiết lộ buồn của ông chủ

Chủ xe ô tô cho biết tài xế trong vụ tai nạn khiến 13 người chết chạy xe trắng đêm, gắng làm để nuôi vợ và hai con nhỏ.

Liên quan đến vụ tai nạn thảm khốc làm 13 người chết và 4 người bị thương, ông Phạm Bá Chẩn (SN 1969, trú thôn Phò Trạch, xã Phong Bình, huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế) - người đứng tên chủ sở hữu chiếc xe rước dâu gặp nạn cho biết chiếc xe khách này ông mua từ một người ở TP.HCM.

Đến năm 2016, sau khi tham gia hợp tác xã khoảng 6 năm, ông bán lại xe cho anh Lê Ngọc Cường (cùng trú xã Phong Bình) với giá 228 triệu đồng để mua chiếc xe khác đời mới hơn.

Trước khi mua chiếc xe của ông Chẩn, anh Cường làm nghề lái xe thuê. Khi dồn được một số vốn kha khá, anh Cường mua chiếc xe để ra làm ăn riêng.

Tài xế được nhận xét là người cẩn trọng

Khi bán xe, giữa ông Chẩn và anh Cường đã làm giấy tờ mua bán với sự xác nhận của chính quyền địa phương.

Theo ông Chẩn, sau khi bán xe, ông đã nhiều lần nhắc nhở anh Cường làm thủ tục sang tên đổi chủ sở hữu tài sản. Lần gần nhất khi ông nhắc chuyện này thì anh Cường nói đã sang tên người sở hữu xe.

Cách đây gần 2 năm, ông Chẩn thấy anh Cường đổi màu sơn của chiếc xe từ màu bạc sang màu trắng.

“Lúc đó tôi nghĩ Cường đã làm thủ tục sang tên, bởi phải là người đứng tên chủ xe thì mới đăng ký đổi màu sơn được. Còn nếu xe vẫn do tôi đứng tên thì phải do tôi trực tiếp đăng ký xin đổi màu sơn thì cơ quan chức năng mới cho phép. Sau khi vụ tai nạn xảy ra, tôi mới biết xe vẫn còn do tôi đứng tên trên giấy tờ” - ông Chẩn kể.

Nhận xét về tài xế, ông Chẩn tâm sự: "Cường là người rất hiền lành và cẩn thận trong mọi việc. Vụ tai nạn xảy ra là do Cường làm việc quá sức, cụ thể là đã thức trắng đêm để chở khách dẫn đến bị buồn ngủ khi cầm lái. Tất cả đều xuất phát từ việc Cường gắng làm việc để có tiền nuôi vợ và hai đứa con nhỏ".

Màu trắng khăn tang phủ bóng sân Từ đường họ Nguyễn Khắc

Màu trắng khăn tang phủ bóng sân Từ đường họ Nguyễn Khắc

Được biết 13 người tử nạn trong đoàn rước dâu thuộc 8 gia đình. Gia đình chú rể Nguyễn Khắc Long có nhiều người tử vong nhất, với 4 nhân mạng; còn lại, mỗi gia đình có 1-2 người thiệt mạng

Những gia đình có người thân tử vong đều là anh em, chú bác với nhau, nhà đều ở thôn Lương Điền (xã Hải Sơn, huyện Hải Lăng), cạnh sông Ô Lâu. Họ ở cách nhau không xa, nên cứ đi chừng 50 m, lại gặp một đám tang, khiến cảnh tượng thôn Lương Điền càng thê lương.

Chú rể hứa nghèo vẫn yêu thương, cho vợ cuộc sống hạnh phúc

Bà Nguyễn Thi Châu (85 tuổi) không giấu được xót xa khi chứng kiến cảnh nhiều gia đình trong làng gặp nạn cùng lúc. Mặc dù tuổi đã cao, bà Châu vẫn cố gắng đi bộ đến từng nhà để chia sẻ nỗi mất mát của hàng xóm.

Sáng 31/7, tại Từ đường họ Nguyễn Khắc (thôn Lương Điền, xã Hải Sơn, huyện Hải Lăng, Quảng Trị) hàng chục người thân của các nạn nhân trong vụ tai nạn giao thông thảm khốc ở Quảng Nam tập trung về đây để làm lễ yết tổ.

Có mặt tại từ đường, ông Nguyễn Hữu Phú - trưởng thôn Lương Điền, xã Hải Sơn cho hay, trong sáng nay có 9 bài vị của 9 nạn nhân được đưa đến từ đường họ Nguyễn Khắc làm lễ yết tổ.

Chị Lê Thị Sinh (em gái út của cô dâu) cũng nức nở khi ngồi trên xe để cùng gia đình ra Quảng Trị viếng tang anh rể. Chị Sinh kể khi vào Bình Định tổ chức đám hỏi, nhiều người trong gia đình anh rể Nguyễn Khắc Long nói lấy vợ quá xa.

Mẹ cô dâu cầm bó hoa cưới còn chưa kịp mở

Hai gia đình cũng biết chuyện cưới xin ở xa vất vả nên rất thông cảm chuyện lễ nghĩa cho nhau. “Trước ngày cưới, anh rể nói em xin nghỉ vài ngày để đưa chị ra nhà anh ở Quảng Trị chơi vài ngày cho biết nhà.

Hôm nay là ngày vui của anh chị, em xin nghỉ ở nhà để chuẩn bị mọi thứ, em muốn mọi thứ trong đám cưới anh và chị thật lung linh, thật viên mãn… Vậy mà ai ngờ, ngày cưới của anh chị là ngày đại tang của gia đình anh”, chị Sinh nức nở.

Bà Nguyễn Thị Kiều (50 tuổi, mẹ cô dâu Lê Thị Yên) thở hổn hển vì bệnh tim tái phát mỗi khi có người hỏi thăm. Bà nói: "Nó là đứa hiền lành, lễ phép. Ấy vậy mà nó đi sớm quá… Hôm bữa đính hôn, nó hứa với tôi là dù nghèo nhưng sẽ yêu thương và lo cho con Yên được cuộc sống hạnh phúc. Nhưng trời ơi! Sao lại ra nông nỗi thế này!”.

Ông Lê Đức Minh (55 tuổi, bác ruột chị Yên) cho biết: “Lúc nghe điện thoại báo cả gia đình phía nhà trai gặp nạn, cháu Yên ngất lên ngất xuống. Người nhà phải xoa bóp, động viên cháu cố gắng vượt qua. Vừa đỡ cơn ngất, cháu nằng nặc đòi đi gấp ra Quảng Trị để nhìn mặt cháu Long lần cuối. Nhìn cảnh ấy, ai cũng xót thương”.

Thu Thảo (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/tai-nan-13-nguoi-chet-tiet-lo-buon-cua-ong-chu-3362825/