Tai nạn bởi khí gas rất đáng lo ngại

Sáng 27.2, nổ hầm chứa chất thải (hầm, bồn cầu; bể phốt) ở TP Thủ Dầu Một, Bình Dương, làm 4 người bị bỏng.

Tối 27.2, BV Chợ Rẫy, TPHCM, đang tích cực điều trị cho cả gia đình bị bỏng nặng do cháy, nổ bể phốt ở một nhà trọ, khu phố 3, P.Phú Thọ, TP.Thủ Dầu Một. Anh Lê Thanh Phong, 38 tuổi, quê Vĩnh Long, cháy đen hết người, bỏng 96% da (39% độ 2 và 57% độ 3), bỏng đường hô hấp và vợ là chị Trương Thị Hồng Đào, 34 tuổi, bỏng 47% da (27% độ 2, 20% độ 3, cháu Lê Danh Khôi, 10 tuổi và Lê Thị Kim Hân, 5 tuổi, bỏng độ 2 khoảng 20% da...

Anh Phong, chị Đào nằm phòng cách ly đặc biệt ở BV Chợ Rẫy. Anh Phong tiên lượng nặng, khó hồi phục do diện tích bỏng quá rộng, độ bỏng cao (hay bỏng sâu), kèm bỏng đường thở; chị Đào tỉnh táo, nói chuyện được; các cháu đang điều trị ở BV Nhi đồng 1. Nguyên nhân của vụ nổ được nhận định, do anh Phong hút thuốc trong nhà vệ sinh mà hầm cầu chứa quá nhiều khí gas (do quá đầy, lâu năm không xử lý...), nên khí rò rỉ, thoát lên tích tụ lại, gặp lửa bốc cháy và phát nổ. Hiện trường vụ nổ là nhà vệ sinh bị xé toạc, bật tung mái tôn; xe máy và nhiều vật dụng cháy xém, hư hỏng. Đến nay được biết anh Phong đã không qua khỏi.

Vì sao bể phốt cháy, nổ

Trong bể phốt thường tích tụ nhiều nhất là Metan (CH4), ít hơn là Carbondioxyt (CO2), Amoniac (NH3), Hydrosunphua (H2S, mùi trứng thối)... do phân hủy hữu cơ. Metan và Carbondioxyt thực chất không mùi mà mùi thối ta hít phải chính là do Amoniac, Hydrosunphua và một vài khí có mùi thối khác như Dioxytnitơ (NO2), indol, scatol...

Với những bể phốt quá lâu không được nạo vét sẽ sinh ra nhiều các chất khí này. Nếu nhà vệ sinh kín, các khí này thoát lên, tích tụ lại, sẽ cháy khi gặp lửa mà thủ phạm chính là Metan, gây bỏng và hỏa hoạn... Nếu ống thoát khí của bể phốt bị bịt kín hoàn toàn, các khí này không thoát lên được, tích tụ dần làm áp suất trong bể phốt tăng nên, gây nổ những bể phốt không đủ chắc chắn.

Năm 2016, ở Trung Quốc, thanh niên 23 tuổi, ở TP Thường Châu, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc vừa ngồi lên bồn cầu thì phát nổ, các mảnh vỡ của bệ xí bắn cứa vào người, phải khâu 40 mũi... Một hành khách, 42 tuổi, cũng bị họa khi bồn cầu trong toilet ở sân bay Hợp Phì, tỉnh An Huy, phát nổ, bị nhiều vết cắt sâu ở mông và chân do mảnh sứ, phải khâu hàng chục mũi. Mỹ, Nga và rất nhiều nước cũng bị nổ bồn cầu.

Hậu quả của cháy, nổ bồn cầu

Nổ bồn cầu có khi tác hại nghiêm trọng do lượng khí quá nhiều, tuy không có mảnh như vũ khí nổ nhưng gây chết hoặc thương tích nặng do sóng nổ (áp lực không khí nén nên cơ thể) và “mảnh thứ phát” (gạch, đá, sắt... văng lên do áp lực nổ) như điếc, vỡ tạng đặc (gan, thận...), gãy xương.

Khí bồn cầu cháy (một trong nhiều nguyên nhân gây bỏng) sẽ gây bỏng da nhiều mức độ khác nhau tùy theo lượng khí, có khi bỏng cả đường thở rất nguy hiểm như trường hợp anh Phong... Bỏng da càng rộng (diện tích bỏng lớn) và độ bỏng càng cao (bỏng càng sâu) càng nguy hiểm. Da người thực chất là “áo giáp” bảo vệ cơ thể, khi da bị hủy hoại do bỏng, cơ thể bị thoát dịch dẫn tới mất nước, các chất điện giải, protein, vi lượng... gây sốc; vi khuẩn nhân da bị tổn thương xâm nhập vào sâu cơ thể gây bệnh...

Bỏng độ 1: đa đỏ, không bong lớp thượng bì, không có nốt phỏng nước; độ 2: bong thượng bì, chính là các nốt phỏng nước, chuyển từ màu trong sang đục do nhiễm trùng; độ 3; toàn bộ chiều dày của da bị chết, cả nang chân nông, tuyến bã (tiết chất nhờn da), tuyến mồ hôi; độ 4: bỏng đến cơ, xương cho đến than hóa. Người dân có thể tự đánh giá nhanh diện tích bỏng ở người trưởng thành bằng phương pháp “bàn tay”: bàn tay ở tư thế khép các ngón, tính từ nếp gấp cổ tay bằng 1 - 1,1% diện tích da của chính người đó.

Hoặc theo “bảng số 9” (bảng Walace): da đầu mặt cổ: 9%; tay mỗi bên 9%; ngực, bụng mỗi bên 9%; lưng mỗi bên 9%; đùi mỗi bên 9%; cẳng, bàn chân mỗi bên 9%; bộ phận sinh dục 1%. Người Việt trưởng thành có khoảng 3m2 da.

Tình trạng sử dụng gas hiện nay rất lo ngại

Nổ, cháy bồn cầu ít có nhưng cháy, nổ khí gas sinh hoạt liên tiếp xảy ra, rất đáng lo ngại vì lượng gas nhiều, gây thương vong cao và hủy hoại nhiều tài sản, nhất là ở những nơi sang, chiết gas... Khí gas hóa lỏng (1 lít gas lỏng bằng 250 lít gas khí) dùng cho sinh hoạt gồm hai đồng đẳng của Metan là Propan (C3H8) và Butan (C4H10), tỉ lệ 30/70 hoặc 40/60 (được cho thêm ethyl mecaptan có mùi thối để cảnh báo, ngửi thấy là có khí rò rỉ); tỉ lệ 50/50 làm nhiên liệu cho nấu thủy tinh, sản xuất ắc quy, cơ khí đóng tàu... Điều phải nhớ là những đồng đẳng này đều cực dễ bắt lửa như Metan và hầu hết các tai nạn khí gas đều là cháy, nổ đều song hành, ít khi cháy hoặc nổ đơn thuần...

Năm 2017, có những vụ tai nạn gas rất đau lòng... Tháng 6, cháy 7 bình gas loại 12kg đang chở xe bằng máy ở phường Long Bình, TP. Biên Hòa, do gas bị xì. Lửa bùng lên, trùm kín 7 bình gas và xe máy. Có nhiều tiếng nổ lớn, các bình gas bay tứ tung, người dân chạy tứ tán. Rất may không có thương vong, xe máy và các bình gas cháy rụi!

Ở xã Tả Văn Chư, Bắc Hà, Lao Cai, 10 người (3 gia đình) bị bỏng độ 2 - 3, diện tích từ 10 đến trên 20%, đều phải vào viện.... Các gia đình đều đặc biệt khó khăn, không có tiền trả viện phí, nhưng phải điều trị dài ngày. Do một người phát hiện ga xì, đã khóa lại van nhưng thử bật bếp, trước đó khí gas đã tích tụ nhiều trong nhà hẹp... Đồ đạc hư hỏng nặng, ngói xi măng bắn tung.

Tháng 7, tám công nhân Việt Nam ở công trường nhà máy thủy điện Nậm Nghiệp, tỉnh Bôlykhămxay, Lào, tử vong tại chỗ vì bình gas phát nổ, có 5 người quê Nghệ An và một người quê Phú Thọ, hai người bị thương... Đây là vụ nghiêm trọng và đau thương nhất do gas... Cháy và nổ lớn từ căn nhà bán trái cây gần khu vực chợ Cái Răng, phường Lê Bình, quận Cái Răng, TP. Cần Thơ, cả trăm tiểu thương hoảng loạn.

Tháng 9, cháy, nổ ở cơ sở chiết nạp gas xã Quỳnh Lộc, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An. “Hai tiếng nổ như bom, lửa bốc cao cả chục mét, tỏa nóng bỏng rát. Chúng tôi phải chạy xa gần 200m”, nhân chứng tả lại... Sáu xe cứu hỏa, gần 100 cảnh sát PCCC đến hiện trường; phải tiếp cận để khóa van các téc gas lớn... Do bất cẩn, để hở gas khi thay bình gần lửa, cháy ở đường Bà Triệu, TP. Huế, thợ thay bình gas bỏng nặng, nhập viện, nhiều tài sản bị thiêu rụi.

Tháng 10, cháy, nổ ở phường Nam Ngạn, TP. Thanh Hóa, do thay van gas từ bếp gia đình sang bếp công nghiệp, vặn không chặt, khí gas rò rỉ gây nổ và cháy lớn. Bà Hoàng Thị Minh, 54 tuổi và con trai Phan Mạnh Vĩnh, 30 tuổi, bị bỏng nặng..., nhiều đồ đạc và tường cháy đen, kính vỡ...

Ngoài thương vong do cháy, nổ còn rất dể tử vong nếu gas rò rỉ mà đóng kín cửa. Dù không độc, nhưng gas nặng hơn không khí 1,5 lần nên đẩy không khí lên cao, chiếm chỗ, gây chết ngạt khi oxy không khí còn 10%... Đốt bếp gas trong phòng kín là vô cùng dại dột vẫn mắc xưa nay vì tiêu hao oxy, lại sinh ra Cacbonic và Oxytcacbon (CO) làm chết ngạt nhanh chóng...

Phát hiện gas xì phải hít hơi dài, bịt chặt mũi và nhanh chóng mở toang các cửa; khóa van; tuyệt đối không hút thuốc, bật lửa và mọi thiết bị điện. Sơ cứu người ngất: đưa ra chỗ thoáng, hô hấp nhân tạo, ép tim ngoài lồng ngực, đưa nạn nhân đến ngay cơ sở y tế.

BS Trần Kiên

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/tai-nan-boi-khi-gas-rat-dang-lo-ngai-596297.ldo