Tai nạn chết người của hệ thống Autopilot trên xe Tesla Model X

Hệ thống Autopilot (tự lái) được bật, cảnh báo không được hồi đáp, chiếc Model X bung toàn bộ phần đầu xe, còn người lái chết sau khi tới bệnh viện.

Chiếc Tesla Model X va chạm mạnh đến mức gãy nát toàn bộ nửa trước xe.

Đây là tổng hợp các ghi nhận chính thức hơn một tuần sau tai nạn chết người xảy ra trên một cao tốc ở California, Mỹ. Ngày 23/3, chiếc Tesla Model X điều khiển bởi Walter Huang, một kỹ sư của Apple, đã đâm vào dải phân cách, nát toàn bộ phần đầu xe tới tận ca-bin và bốc cháy.

Vụ việc gây chú ý rộng rãi vì mới trước đó vài ngày, cũng tại Mỹ, một xe tự lái thử nghiệm của Uber đã gây tai nạn làm chết người đi bộ. 3 ngày sau khi xảy ra tai nạn, cổ phiếu của Tesla đóng cửa ở mức 279,22 USD, giảm 8,2%. Đã rất lâu rồi cổ phiếu Tesla mới giảm giá mạnh như thế trong một ngày, khiến giá trị thị trường giảm 4 tỷ USD, xuống còn khoảng 47 tỷ USD.

*Clip thử vận hành hệ thống Autopilot trên xe Tesla:

Nhưng đó vẫn chưa phải là tin tức tệ nhất. Ngay sau đó, người nhà của nạn nhân cho biết Huang từng vài lần mang Model X đến showroom Tesla. Người này cho biết ông Huang đã phàn nàn về việc hệ thống Autopilot của chiếc Model X cứ có xu hướng lao chệch ra khỏi đường, hướng về phía dải phân cách bê tông đúng trên con đường xảy ra tai nạn.

Sau khi khám nghiệm xe và kiểm tra thông tin lưu trữ, phía Tesla đã chính thức thông báo hệ thống Autopilot của xe đang được bật khi xảy ra tai nạn, hệ thống điều khiển hành trình thích ứng (Adaptive cruise control) được cài đặt ở mức khoảng cách tối thiểu. Công ty này cũng cho biết trước khi xảy ra tai nạn, người lái không đặt tay trên vô-lăng và cũng không có phản ứng với các tín hiệu cảnh báo hình ảnh và âm thanh.

“Người lái có khoảng 5 giây và tầm nhìn khoảng 150m không bị cản trở trước khi va phải dải phân cách nhưng dữ liệu thu được từ chiếc Model X cho thấy không có hành động can thiệp nào xảy ra”, thông báo của Tesla cho biết.

Ảnh chụp từ Google Street View cho thấy bộ đệm phòng tránh va chạm với dải phân cách đã không được thay thế sau tai nạn.

Nếu đúng như thế, tác động tiêu cực đối với Tesla có thể còn lớn hơn do người tiêu dùng sẽ càng thêm dè chừng tính năng tự lái hiện tại. Theo Tesla, một phần nguyên nhân dẫn đến hậu quả nghiêm trọng trong tai nạn kể trên là bộ đệm giúp giảm lực va chạm đặt ở đầu mỗi dải phân cách bị hỏng trong một tai nạn trước đó chưa được thay thế. Tuy nhiên, điều đó cũng không phủ nhận được việc hệ thống tự lái của xe chưa đủ khả năng nhận biết nguy cơ tai nạn và kịp thời can thiệp vào hệ thống phanh trước cả người lái. Tính năng này đã được trang bị trên nhiều mẫu xe hơi truyền thống, cả cao cấp lẫn bình dân.

Tesla cho biết có khoảng 1,25 triệu vụ tử vong vì tai nạn ô tô trên toàn cầu mỗi năm và khẳng định nếu mức độ an toàn như của xe Tesla được áp dụng rộng rãi, 900 nghìn trong số đó có thể thoát chết. Hãng cũng cho biết mức độ an toàn của xe tự lái có thể cao gấp 10 lần so với xe có lái.

Dù vậy, trong thông báo, hãng cũng phải thừa nhận hệ thống Tesla Autopilot không phòng tránh tất cả các tai nạn mà giúp giảm thiểu nguy cơ xảy ra. Đây là điều hiển nhiên. Nhưng với một công ty thua xa về kinh nghiệm sản xuất cơ khí so với các hãng xe truyền thống, chưa từng báo lãi, điều duy nhất giúp các nhà đầu tư sẵn sàng đổ tiền vào và duy trì giá cổ phiếu ở mức cao chính là công nghệ mà nó sở hữu cũng như sự đi đầu về xu hướng. Một khi kỳ vọng giảm xuống cũng chính là lúc nguy cơ phá sản cận kề. Nhìn từ góc độ tích cực, Tesla đã quen sống trong tình trạng bấp bênh này nhiều năm nay.

L.T (tổng hợp)

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/oto-xe-may/201804/tai-nan-chet-nguoi-cua-he-thong-autopilot-tren-xe-tesla-model-x-599232/