Tai nạn giao thông - đừng để nỗi đau thêm dài

Dù không mong muốn, nhưng hậu quả những vụ tai nạn giao thông (TNGT) vẫn luôn là nỗi ám ảnh, gánh nặng của biết bao gia đình nạn nhân và cho cả xã hội. Người đầu bạc tiễn người đầu xanh, vợ mất chồng, cha mất con… là những hồi chuông cảnh báo người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông cần tuân thủ đúng quy định pháp luật, tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra.

Đội CSGT đường thủy, Phòng CSGT (Công an tỉnh) tuyên truyền việc sử dụng áo phao khi đi trên tàu, thuyền cho du khách thăm quan hồ Hòa Bình.

Đội CSGT đường thủy, Phòng CSGT (Công an tỉnh) tuyên truyền việc sử dụng áo phao khi đi trên tàu, thuyền cho du khách thăm quan hồ Hòa Bình.

Đã 5 năm trôi qua, nhưng mỗi khi nhớ về ngày chồng qua đời vì TNGT, những giọt nước mắt lại chực rơi trên khuôn mặt gầy, khắc khổ của chị Bùi Thị Hiền, xã Kim Lập (Kim Bôi). Chị Hiền kể lại: Theo lời của người được chứng kiến vụ tai nạn, khi chồng và 2 con tôi vừa đi đến khúc cua thuộc địa phận xóm Trò, xã Hợp Kim (nay là xã Kim Lập) thì bị Bùi Văn T. (SN 1996), trú tại xã Hạ Bì (nay là thị trấn Bo) điều khiển xe máy BKS 28B1 - 118.05 đi với tốc độ cao, vào cua không làm chủ tay lái đã đâm trực diện vào chiếc xe của 3 bố con. Vụ va chạm đã làm cả 2 chiếc xe máy biến dạng hoàn toàn. Chồng, 2 con của chị Hiền và cả Bùi Văn T. đều bị thương, được người dân đưa đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện. Tuy nhiên, do bị thương quá nặng, chồng chị Hiền đã tử vong.

Nghẹn ngào, chị Hiền chia sẻ: Trong cái rủi vẫn còn cái may là 2 cháu ngồi sau nên chỉ bị thương nhẹ, không nguy hiểm đến tính mạng. Nếu hôm đó, các cháu có mệnh hệ gì, chẳng biết tôi có còn đủ sức mà sống nổi nữa không. Tuy nhiên, do là nạn nhân lại trực tiếp chứng kiến vụ việc kinh hoàng cướp đi mạng sống của người cha nên một thời gian dài, tâm lý các cháu không ổn định, đêm ngủ cứ giật mình sợ hãi. Cháu lớn phần nào hiểu chuyện và cũng buồn vì mất bố, suốt 1 năm sau ngày bố mất, đi học về thỉnh thoảng cháu vẫn vào trong giường nằm khóc. Còn cháu bé khi đó được 3 tuổi, chưa biết gì nên thấy vắng bố, cháu cứ hỏi bố đi đâu, sao mãi chưa về rồi khóc đòi bố.

Không có cái chết nào gây cho người ta nỗi ám ảnh, dằn vặt lâu như những cái chết vì TNGT. Trong quá trình tìm hiểu, thu thập thông tin, chúng tôi được gặp gỡ, trò chuyện, tiếp xúc với nhiều người, nhiều gia đình có con em, người thân là nạn nhân của TNGT. Dù cho nhiều gia đình có người thân là nạn nhân của TNGT cách đây nhiều năm nhưng khi nhắc đến vẫn còn nguyên nỗi ám ảnh về cái chết của người thân.

Một thực tế đáng buồn là TNGT không chừa một ai. Theo số liệu thống kê từ Ban ATGT tỉnh, trong tháng 10, trên địa bàn tỉnh xảy ra 4 vụ TNGT làm chết 3 người, bị thương 5 người. Trong đó, TNGT ít nghiêm trọng 1 vụ, 1 người bị thương; TNGT nghiêm trọng 3 vụ, làm 3 người chết, 4 người bị thương. Tính từ tháng 12/2021 - 10/2022, toàn tỉnh xảy ra 67 vụ TNGT, làm chết 51 người, bị thương 52 người. So sánh với cùng kỳ năm 2021, tăng 4 vụ (67/63 vụ); tăng 5 người chết (51/46 người) và tăng 7 người bị thương (52/45 người).

Theo đồng chí Đinh Thị Thu Hằng, Phó trưởng Phòng CSGT - Công an tỉnh, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ TNGT là do người điều khiển phương tiện không có ý thức chấp hành các quy định về đảm bảo TTATGT, không làm chủ tốc độ, phóng nhanh vượt ẩu, đi lấn đường... đã tự gây tai nạn hoặc đâm vào những người đang tham gia giao thông.

Do vậy, để hạn chế, giảm thiểu TNGT, trước hết, mỗi người phải chấp hành nghiêm chỉnh các quy định, quy tắc đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông; mỗi người thực hiện tốt văn hóa giao thông với tinh thần đừng để TNGT cướp đi quyền được sống của chính những người điều khiển phương tiện và người thân khi tham gia giao thông.

Minh Vũ

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/274/172499/tai-nan-giao-thong-dung-de-noi-dau-them-dai.htm