Tai nạn giao thông giảm sâu nhất trong vòng 20 năm trở lại đây

Phát biểu ý kiến tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020, ngày 28-12, tại Trụ sở Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia cho biết, năm 2019, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tai nạn giao thông (TNGT) đã giảm sâu cả ba tiêu chí về số vụ, số người chết và bị thương. Đặc biệt, đây là năm thứ ba liên tiếp, số người thương vong do TNGT giảm và là năm giảm sâu nhất trong vòng 20 năm qua.

Tám nhiệm vụ trọng tâm năm 2020

Theo Phó Thủ tướng, ngay đầu năm 2020, một số văn bản pháp luật liên quan sẽ có hiệu lực thi hành như Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính thay thế Nghị định 46; Nghị định quản lý kinh doanh vận tải thay thế Nghị định 86... Đây là các văn bản rất quan trọng trong công tác bảo đảm bảo ATGT.

Do đó, các địa phương cần đánh giá đúng, đủ các hạn chế, khiếm khuyết trong công tác bảo đảm ATGT 2019 và đưa ra phương hướng, giải pháp hiệu quả, kéo giảm TNGT trong năm 2020, trước mắt là Tết Nguyên đán và lễ hội Xuân 2020.

“Tết này, các địa phương nghiên cứu tổ chức dịch vụ chuyên chở đưa đón công nhân về quê vui Tết cùng gia đình, thay cho việc họ tự đi xe gắn máy, gây ùn tắc và TNGT. Kiềm chế, ngăn chặn không để xảy ra TNGT là món quà Tết ý nghĩa nhất đối với người dân”, Phó Thủ tướng Thường trực bày tỏ.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh tám nhiệm vụ trọng tâm trong bảo đảm ATGT năm 2020 và đề nghị các bộ, ngành, địa phương quyết liệt, nghiêm túc thực hiện.

Một là, các bộ, ngành cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và chính sách về bảo đảm trật tự ATGT, chống ùn tắc giao thông. Năm 2020, cả nước lập quy hoạch tổng thể và quy hoạch ngành đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, nên cần phải lồng ghép mục tiêu và các giải pháp chiến lược về bảo đảm trật tự ATGT, khắc phục ùn tắc giao thông vào các quy hoạch.

Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Bộ Công an, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành tập trung xây dựng Luật Giao thông đường bộ mới, thay thế cho Luật 2008; sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính đáp ứng đòi hỏi của sự nghiệp phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh và yêu cầu của nhiệm vụ bảo đảm ATGT, phù hợp xu thế phát triển của khoa học công nghệ, yêu cầu hội nhập quốc tế.

Hai là, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về ATGT, trật tự đô thị; kiên trì xây dựng văn hóa giao thông an toàn và thân thiện môi trường cho mọi tầng lớp nhân dân; phổ biến Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia; tiếp tục tổ chức vận động cán bộ, đảng viên, công chức nêu gương cùng toàn dân thực hiện: “Đã uống rượu, bia không lái xe”, yêu cầu sự tham gia của cả những đơn vị sản xuất, kinh doanh rượu, bia.

Ba là, nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo đảm ATGT và hiệu lực, hiệu quả tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm. Đặc biệt là triển khai thực hiện hiệu quả Nghị định mới về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô-tô mà Chính phủ sắp ký ban hành. Bộ Công an tập trung tuần tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm có nguy cơ cao gây TNGT như vi phạm về nồng độ cồn, ma túy và tốc độ; xử lý vi phạm về sử dụng điện thoại khi lái xe và không thắt dây bảo hiểm khi ngồi trên xe ô-tô.

Bốn là, đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông gắn với duy tu, bảo đảm ATGT và khai thác có hiệu quả các công trình hạ tầng hiện hữu và bảo vệ hành lang ATGT.

Năm là, tiếp tục tập trung cải thiện chất lượng nâng cao thị phần vận tải thủy và vận tải ven biển để giảm lưu lượng vận tải hàng hóa bằng xe tải trên đường bộ. Bộ GTVT tập trung chỉ đạo việc chuyển đổi mô hình các tuyến vận tải hành khách cố định kết nối giữa TP Hồ Chí Minh, Hà Nội với các tỉnh chung quanh thành dịch vụ xe buýt, với tần suất, chất lượng ổn định để người dân có thể đi lại thay thế cho mô-tô, xe máy trong cự ly dưới 100 km.

Sáu là, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành GTVT và bảo đảm ATGT.

Bảy là, thực hiện đồng bộ các giải pháp hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân, kiểm soát chặt điều kiện về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của các phương tiện cơ giới, nhất là trong các khu vực trung tâm đô thị.

Tám là, quản lý chặt chẽ quy hoạch và quy hoạch xây dựng, bảo đảm việc đầu tư, xây dựng mới hoặc điều chỉnh, sắp xếp các khu công nghiệp, đô thị, trung tâm thương mại, trường học, bệnh viện,... trong các đô thị phù hợp năng lực hạ tầng và vận tải công cộng.

Vẫn xảy ra nhiều tai nạn giao thông nghiêm trọng

Theo Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia Khuất Việt Hùng, năm 2019 (tính từ ngày 16-12-2018 đến 14-12-2019), cả nước đã xảy ra hơn 17 nghìn vụ TNGT, làm chết hơn 7.600 người, bị thương hơn 13 nghìn người.

So cùng kỳ năm 2018, TNGT giảm hơn 1.200 vụ, giảm gần 600 người chết và hơn 1.200 người bị thương. Năm 2019, số người chết giảm sâu nhất kể từ năm 2014 đến nay. Sau 20 năm, số người chết do TNGT năm nay đã được kéo xuống bằng con số của năm 2000, trong khi số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ tăng gấp chín lần.

Tuy nhiên, ông Hùng cũng nhận định, tình hình ATGT vẫn diễn biến phức tạp, còn xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận xã hội, nhất là TNGT liên quan xe chở khách, xe tải nặng; do lái xe vi phạm nồng độ cồn, sử dụng ma túy gây nên; trong khi việc kiểm tra, phát hiện, xử lý hầu như chỉ phụ thuộc vào hoạt động tuần tra, kiểm soát và các đợt khám sức khỏe bắt buộc, tỷ lệ còn thấp so thực tế.

Điển hình như vụ lái xe container dương tính với ma túy đâm vào 21 xe máy đang dừng chờ đèn đỏ ở Long An làm chết bốn người, bị thương 19 người. Hay vụ lái xe tải đã sử dụng ma túy đâm vào đoàn người đi viếng nghĩa trang ở Hải Dương làm chết tám người, bị thương bảy người. Vụ lái xe say rượu gây TNGT trong hầm Kim Liên, cướp đi sinh mạng hai phụ nữ,...

Ngoài ra, vẫn còn tình trạng chủ xe khoán trắng cho lái xe thông qua doanh thu theo đầu phương tiện, đặc biệt là đối với lái xe ô-tô tải. Tình trạng “xe dù, bến cóc” tăng mạnh, gây mất ATGT, cạnh tranh bất bình đẳng với xe khách tuyến cố định.

Nguyên nhân của thực trạng trên do quản lý nhà nước về GTVT còn nhiều hạn chế, đặc biệt là công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các đơn vị kinh doanh vận tải; phát triển vận tải công cộng và hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân ở các đô thị lớn còn quá chậm trễ; ứng dụng công nghệ thông tin còn chậm và manh mún.

“Có nơi, có chỗ hiệu lực thực thi pháp luật ATGT còn hạn chế; sự phối hợp giữa các cơ quan, lực lượng bảo đảm chưa chặt chẽ, nhất là trong kiểm soát tải trọng phương tiện, quản lý lái xe, dữ liệu về ATGT giữa ngành công an và GTVT”, ông Hùng đánh giá.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình và ý kiến các đại biểu, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, năm 2020, Bộ GTVT sẽ tập trung siết chặt công tác quản lý kết cấu hạ tầng; duy tu, sửa chữa đường bộ; nhất là công tác đăng kiểm phương tiện; đào tạo, sát hạch lái xe,… để từ đó tiếp tục kéo giảm TNGT.

"Bộ GTVT sẽ tập trung duy tu, sửa chữa đường bộ hiệu quả nhất, ưu tiên bố trí vốn vào công trình cần thiết như: khắc phục “ổ voi, ổ gà” để đường êm thuận. Đồng thời, tập trung xóa "điểm đen", điểm tiềm ẩn TNGT, cùng các địa phương khắc phục ngay các điểm mới phát sinh", Bộ trưởng nói.

Liên quan việc đào tạo sát hạch lái xe, Bộ GTVT đang chỉ đạo kết nối trực tuyến toàn bộ dữ liệu của các trung tâm đào tạo, sát hạch về Tổng cục Đường bộ Việt Nam, kiểm soát mọi thời điểm, qua đó phát hiện ngay trung tâm nào vi phạm sẽ xử lý, thậm chí đóng cửa trung tâm. Việc sát hạch đã tăng lên 600 câu hỏi, tăng học và thi qua thiết bị mô phỏng, giúp lái xe làm quen các tình huống thực tế.

Bộ GTVT cũng siết chặt đăng kiểm phương tiện, các trung tâm hiện được kết nối trực tuyến về Cục Đăng kiểm Việt Nam và được kiểm soát như công tác đào tạo, sát hạch lái xe. Các trung tâm vi phạm sẽ được xử lý nghiêm minh, thậm chí đóng cửa không cho hoạt động.

Về phục vụ vận tải Tết, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, trách nhiệm của chúng ta là phải bảo đảm cho mọi hành khách có phương tiện về quê ăn Tết. Các địa phương cần tập trung huy động nguồn lực làm tốt công tác này, tránh tình trạng “chặt chém, nhồi nhét” khách.

TRANG LY

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/42735402-tai-nan-giao-thong-giam-sau-nhat-trong-vong-20-nam-tro-lai-day.html