Tai nạn giao thông nghiêm trọng: Trách nhiệm thuộc về ai?

Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, trong đó có hai vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng xảy ra ở Hải Dương và Long An khiến 12 người chết và nhiều người bị thương. Tuy nhiên hiện vẫn chưa thấy cá nhân, cơ quan, tổ chức nào đứng ra nhận trách nhiệm hay nói lời xin lỗi trước những thiệt hại vô cùng thảm khốc ấy.

Hiện trường vụ tai nạn ngày 21/1 tại Hải Dương. Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN

Vụ xe container đâm thẳng vào số người đang đứng chờ đèn đỏ ở xã Nhật Chánh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An ngày 02/01/2019 làm 3 người chết tại chỗ, 17 người bị thương, tài xế được xác định dương tính với ma túy. Mới đây, vụ tai nạn thảm khốc xảy ra vào chiều 21/01/2019 trên QL5 đoạn cầu vượt Lương Xá, xã Kim Lương, huyện Kim Thành, Hải Dương làm chết 8 người, 7 người bị thương tài xế cũng dương tính với ma túy. Sự việc trên đã gióng lên hồi chuông cảnh báo mạnh mẽ về mất an toàn giao thông.

Cả hai vụ tai nạn trên đều do lái xe dương tính với ma túy điều khiển. Việc sử dụng ma túy khi điều khiển các phương tiện giao thông là hành vi sai trái đã được cảnh báo từ lâu rồi, đâu phải chuyện “mới phát sinh”. Người dân vô tội bỗng dưng trở thành nạn nhân của những con nghiện ma túy sau tay lái. Cái chết đến bất ngờ, đau thương tột cùng oan trái khi họ đang dừng chờ đèn đỏ, hay đi bộ ven đường.

Theo báo SGGP cho biết: Điều 8 của Luật Giao thông đường bộ ra đời cách nay 10 năm (năm 2008), việc sử dụng ma túy khi điều khiển phương tiện giao thông tham gia giao thông đường bộ là hành vi bị nghiêm cấm. Luật Giao thông đường bộ năm 2008 cũng quy định rất rõ trách nhiệm ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm này thuộc Bộ Giao thông vận tải và Cảnh sát Giao thông. Chương 7, Điều 85 Luật Giao thông đường bộ quy định về trách nhiệm quản lý của cơ quan Nhà nước nêu rõ: “Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về giao thông đường bộ. Bộ Công an thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về giao thông đường bộ theo quy định của luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan; thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông”. Các nghị định, thông tư liên ngành về trật tự an toàn giao thông đường bộ, hướng dẫn thực hiện Luật Giao thông đường bộ cũng đã quy định rất rõ mức xử phạt cho hành vi chống đối người thi hành công vụ khi kiểm tra chất ma túy đối với người điều khiển xe. Cụ thể, Nghị định 46/2016 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt quy định: “Phạt tiền từ 16-18 triệu đồng đối với người điều khiển xe không chấp hành yêu cầu kiểm tra ma túy của người thi hành công vụ” (Điều 9).

Như vậy, chúng ta đã có đầy đủ qui phạm pháp luật để điều chỉnh hành vi vi phạm an toàn giao thông, vậy tại sao những vụ tai nạn giao thông thảm khốc, thương tâm do tài xế sử dụng ma túy vẫn cứ xảy ra với mức độ ngày càng đặc biệt nghiêm trọng như vậy? Phải chăng có nguyên nhân từ sự buông lỏng quản lý, kiểm tra, xử phạt chưa nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ của ngành Giao thông vận tải và Công an cũng như tổ các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Luật pháp đã có, vậy cơ quan quản lý vận tải các địa phương, Sở Giao thông Vận tải và bên trên là Bộ Giao thông Vận tải, Cảnh sát Giao thông lực lượng tuần tra kiểm soát; tổ chức và cá nhân khám và cấp giấy khám sức khỏe cho tài xế đang ở đâu khi xảy ra những vụ tai nạn giao thông thảm khốc, thương tâm?

Còn đối với chủ doanh nghiệp khi được hỏi thì cho rằng, không biết gì về việc tài xế nghiện ma túy, hồ sơ giấy khám sức khỏe bình thường, có xác nhận của bác sĩ. Với trả lời như vậy, có thể thấy vai trò giám sát của doanh nghiệp với tài xế là bằng không, và việc khám sức khỏe lái xe là làm lấy lệ cho có.

Rất khó tin khi doanh nghiệp lại không hề hay biết lái xe bị nghiện. Nhiều tài xế biện minh rằng dùng ma túy mới đủ tỉnh táo để đánh những chuyến hàng dài xuyên đêm, hoặc ôm vô lăng nhiều tiếng đồng hồ. Vì lợi nhuận có thể chủ nhà xe, doanh nghiệp vận tải sẵn sàng khoán trắng cho tài xế, ép tăng chuyến, ép thời gian để tăng thêm doanh thu.

Các ngành chức năng có thể giải thích thế nào đây? các doanh nghiệp vận tải trách nhiệm đến đâu? Câu trả lời thỏa đáng nhất, đó là các ngành chức năng chưa làm hết trách nhiệm của mình, họ còn nợ người dân, nợ nạn nhân của các vụ tai nạn giao thông và người thân của họ một lời xin lỗi.

Do vậy để khắc phục tình trạng trên cần phải siết chặt lại công tác quản lý giữa lái xe – doanh nghiệp - cơ quan quản lý, quy trách nhiệm đến từng tổ chức/cá nhân cụ thể và xử lý nghiêm mới có thể bớt đi sự lo lắng, bất an của người dân mỗi khi ra đường./.

Nguyễn Minh

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: http://cpv.org.vn/xa-hoi/tai-nan-giao-thong-nghiem-trong-trach-nhiem-thuoc-ve-ai-511804.html