Tai nạn lao động gây thiệt hại hơn 14.100 tỷ đồng và 143.000 ngày công

Số vụ tai nạn lao động năm 2022 tăng cao là do sau thời gian ngừng trệ sản xuất, một số doanh nghiệp đã không kịp thời bảo trì, bảo dưỡng, việc đào tạo, huấn luyện an toàn lao động cũng bị mai một.

(Ảnh minh họa: TTXVN)

Số vụ tai nạn lao động, ca mắc bệnh nghề nghiệp, sự cố nghiêm trọng năm 2022 vẫn còn ở mức cao và đáng lo ngại. Toàn quốc đã xảy ra 7.718 vụ tai nạn lao động (tăng 1.214 vụ), làm 7.923 người bị nạn, 754 người chết. Tổng chi phí cho tai nạn lao động và thiệt hại tài sản năm 2022 ước tính là trên 14.100 tỷ đồng và hơn 143.000 ngày công.

Đây là thông tin được đưa ra tại buổi họp báo thông tin về công tác an toàn vệ sinh lao động, Tháng Hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2023 do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức hôm nay 7/4 tại Hà Nội.

Ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh lao động (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) đánh giá so với năm 2021, tình hình tai nạn lao động năm 2022 giảm ở chỉ số vụ tai nạn lao động chết người và số người chết, cả trong khu vực có quan hệ lao động và không có quan hệ lao động. Số vụ tai nạn lao động chết người giảm 3,87% (720 vụ, giảm 29 vụ), giảm 4,07% số người chết (754 người chết, giảm 32 người).

Tai nạn lao động trong khu vực không có quan hệ lao động có chiều hướng giảm mạnh số vụ, số người chết và bị thương. Số vụ có người chết giảm 13,14% (152 vụ, giảm 23 vụ), số người chết giảm 13,58% (159 người, giảm 25 người), số người bị thương nặng giảm 30,11% (181 người, giảm 78 người). Đây là năm thứ 4 liên tiếp tai nạn lao động chết người trong khu vực không có quan hệ lao động giảm.

Theo ông Hà Tất Thắng, trong năm 2022, các địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Phú Thọ, Bắc Ninh, Bình Thuận xảy ra một số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng (làm chết người và bị thương nhiều người) trong các lĩnh vực xây dựng, điện, dịch vụ, khai thác khoáng sản.

“Ngoài một số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng đang trong quá trình điều tra, năm 2022 các địa phương báo cáo có 22 vụ tai nạn lao động đề nghị khởi tố, 19 vụ đã có quyết định khởi tố của cơ quan cảnh sát điều tra,” ông Hà Tất Thắng cho hay.

Theo ông Hà Tất Thắng mặc dù số vụ tại nạn lao động chết người có xu hướng giảm, đánh giá số vụ tai nạn lao động, số người mắc bệnh nghề nghiệp, số sự cố nghiêm trọng vẫn còn ở mức cao và đáng lo ngại. Theo số liệu báo cáo, trên toàn quốc đã xảy ra 7.718 vụ tai nạn lao động (tăng 1.214 vụ, tương ứng với 18,66% so với năm 2021) làm 7.923 người bị nạn (tăng 1.265 người, tương ứng với 18,99% so với năm 2021).

Về bệnh nghề nghiệp, năm 2022 đã khám, phát hiện 1.328 trường hợp bệnh nghề nghiệp, chiếm khoảng 0,3% số người được khám, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm 2021. Số lượng người được giám định bệnh nghề nghiệp năm 2022 tiếp tục ở mức thấp, 114 trường hợp, chiếm 8,6%.

Lý giải nguyên nhân số vụ tai nạn lao động năm 2022 tăng cao so với năm 2021, ông Hà Tất Thắng cho biết sau khi kiểm soát được dịch bệnh COVID-19 vào năm 2022, sản xuất phục hồi mạnh mẽ so với năm 2021 nên số tai nạn lao động cũng gia tăng, đặc biệt là sau thời gian ngừng trệ, một số doanh nghiệp đã không kịp thời bảo trì, bảo dưỡng, việc đào tạo, huấn luyện an toàn lao động bị mai một, dẫn tới tai nạn lao động, thêm vào đó, sức khỏe của người lao động hậu COVID-29 cũng bị ảnh hưởng./.

Năm 2022, Bảo hiểm xã hội Việt Nam giải quyết mới cho 8.164 trường hợp người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Tổng chi trả từ quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong năm là gần 882 tỷ đồng.

Hồng Kiều (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/tai-nan-lao-dong-gay-thiet-hai-hon-14100-ty-dong-va-143000-ngay-cong/855933.vnp