Tài năng thiên phú, cộng với đam mê cháy bỏng của viên ngọc quý người J'Rai

Gần một trăm khung gỗ treo kín căn phòng khách, gồm bằng khen, giấy khen, chứng nhận... của cấp cao như Chủ tịch nước ký, đến Viện Văn hóa- Thông tin, đến tỉnh, huyện, xã... Đó là những phần thưởng xứng đáng cho Nghệ nhân dân gian Rơ Châm H'Mút.

Tài năng thiên phú, cộng với niềm đam mê cháy bỏng, luôn học hỏi, sáng tạo và không ngừng truyền lửa cho thế hệ sau... Ông chính là Nghệ nhân dân gian Rơ Châm H'Mút (dân tộc J'rai, ở làng Mrông Jố, xã Ia Ka, huyện Chư Păh, Gia Lai).

Từ đam mê...

Một cán bộ văn hóa xã Ia Ka đưa chúng tôi đến nhà Nghệ nhân Rơ Châm H'Mút ở làng Mrông Jố. Hôm nay ông ở nhà, đang ngồi ngoài hiên vót ống le để làm chuông gió. Ông cười:

- Ruộng rẫy xong rồi, người ta đặt làm chuông gió, tranh thủ làm mấy cái bán kiếm tiền...

Tôi đề nghị ngồi đây trò chuyện cho mát, ông lại tranh thủ làm được việc. Tuy nhiên ông dứt khoát mời chúng tôi lên phòng khách- căn phòng rộng rãi nằm chính giữa ngôi nhà sàn bằng gỗ kiên cố. Trải chiếc chiếu giữa phòng khách, ông rót nước mời chúng tôi ngồi, theo đúng tập tục của người Tây Nguyên: Quý người- trọng khách!

Quan sát một vòng ba phía mặt tường, có đến gần một trăm khung gỗ với Giấy chứng nhận Nghệ nhân dân gian do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ký, Bằng khen của Bộ Văn hóa- Thông tin, Giấy chứng nhận Nghệ nhân dân gian ưu tú của Viện Văn hóa- Thông tin; rồi bằng khen, giấy khen, giấy chứng nhận từ cấp tỉnh đến huyện, đến xã cấp cho ông... Thỉnh thoảng ở những cây cột gỗ, ông lại treo một cây đàn Goong, hoặc cây đàn K'ni.

Rất nhiều bằng khen ghi nhận công lao của Nghệ nhân dân gian Rơ Châm H'Mút

Có lẽ đã đi dạy, đi biểu diễn rất nhiều nơi trong nước, tiếp xúc với rất nhiều người nên không như những người đàn ông ở làng, H'Mút rất dạn dĩ và lưu loát. Ông không hề... giả vờ khiêm tốn khi cho chúng tôi biết, mình có thể tự làm được năm loại nhạc cụ dân tộc khác nhau gồm đàn T'rưng, đàn Goong, đàn Kni, đàn Krong Pút và đàn Bro'Dung.

Theo H'Mút thì ngay từ hồi mới biết đi, biết nói, ông ngoại của ông đã truyền ngọn lửa đam mê nghệ thuật dân tộc sang cho ông. Trải qua những lần dời làng do binh biến, những trận đói rét do chiến tranh, ngọn lửa ấy chỉ tạm âm ỷ để rồi sau đó, lại bùng lên mãnh liệt...

Để làm được một cây đàn như ý, phải mất ít nhất hai tháng, với rất nhiều công đoạn hết sức công phu. Đầu tiên là vào rừng tìm ống nứa: Ống nứa làm đàn mà quá non thì âm thanh không chuẩn, già thì dễ bị nứt, tốt nhất là loại nứa khoảng trên dưới hai năm tuổi. Ống nứa mang về được phơi khô dưới gầm nhà sàn để tránh ánh nắng trực tiếp. Tiếp theo là gọt vỏ, cắt thành từng ống dài ngắn khác nhau để cho âm thanh khác nhau, quét vẹc- ni cho bóng và bền, rồi lắp ghép thành cây đàn... Để có một cây đàn tốt, cho âm thanh chuẩn thì ngoài kinh nghiệm và sự khéo léo, cần phải có một lỗ tai thẩm âm hết sức đặc biệt- điều này, không phải nhiều người có được.

Nghệ nhân Rơ Châm H'Mút (SN. 1957) có sáu người con: Hai trai, bốn gái. Tất cả những con và cháu của ông đều được ông dạy đánh đàn, đánh chiêng, múa xoang, chỉnh chiêng... Với trai làng gái bản, ông cũng nhiệt tâm truyền nghề như với chính con cháu của mình.

Ngoài việc biết làm ra những cây đàn, Rơ Châm H'Mút còn là người có đôi bàn tay khéo léo, lỗ tai thẩm âm trời ban để chỉnh những chiếc chiêng lệch âm theo năm tháng. Những chiếc chiêng lệch âm- từ lớn đến bé, qua tay ông đều trở về với âm thanh đúng nghĩa của đại ngàn Tây Nguyên hùng vỹ. Tài nghệ này đã được Viện Văn hóa- Thông tin (Bộ VH- TT- DL) cấp Giấy chứng nhận là Nghệ nhân chỉnh chiêng.

...Đến truyền lửa

Ngôi nhà sàn bằng gỗ của Rơ Châm H'Mút nằm trong khu vườn rộng ba ngàn mét vuông. Phía sau và hai bên là vườn cà phê đang thu hoạch, xen lẫn một số cây ăn quả như bơ, sầu riêng. Điều đặc biệt là khoảnh sân rộng như... sân trường, ông không hề trồng cây gì cả, mà theo ông:

- Sân này tôi để rộng, là nơi để cho lũ trai gái trong làng đến học đánh chiêng, học múa xoang mỗi đêm. Bọn chúng nhiều đứa giờ chỉ mê xe máy, mê đánh bi- a, rồi điện thoại đời mới. Cũng may mà còn không ít đứa hàng đêm vẫn đến đây để học đánh đàn, đánh chiêng, học múa xoang...

Già làng Mrông Jố- ông Rơ Châm Nhà là một trong những người tích cực vận động lũ thanh niên trong làng đến đây học nghệ từ H'Mút. Đã ngoài bảy mươi mùa rẫy, nhưng già còn vạm vỡ lắm. Mỗi đêm có trăng, già cùng H'Mút và những người già khác trong làng, tích cực truyền lửa cho lũ thanh niên. Cũng có những đêm tối trời, ngọn lửa được đốt lên giữa sân, một vài người già vác đôi ba ghè rượu đến, những con gà được nướng lên trên bếp than hồng: Những ghè rượu được mở nắp thơm lừng, những chiếc cần rượu vút cong. Chiêng trống ngân nga. Vòng xoang dìu dặt lơi lả cứ rộng dần, rộng mãi. Mrông Jố như mở hội thâu đêm. Đại ngàn như u minh huyền bí hơn, nhưng cũng như gần gụi hơn với giọng kể khan khê đặc mùi rượu, mùi thuốc lá của các cụ già để từ đây, lũ trai làng gái bản cứ ngấm dần, ngấm dần truyền thống bi hùng, những nét văn hóa bất diệt tự ngàn đời của dân tộc mình...

Nghệ nhân Rơ Châm H'Mút dạy trẻ em trong làng thực hành các loại nhạc cụ dân tộc

Một trong những "đệ tử" được ông H'Mút yêu quý là trai làng Rơ Châm Chốt. Theo học đánh đàn T'rưng từ bé, hễ mỗi khi H'Mút đi dạy hoặc đi biểu diễn ở đâu, Chốt cũng nằng nặc đòi theo cho bằng được. Giờ, Chốt đã là người giữ chính cây đàn T'rưng mỗi khi làng mở hội, hoặc theo đội đi biểu diễn ở những nơi xa như Hà Nội, Sài Gòn... Chốt nói:

“Từ nhỏ, mỗi lần thấy ông H'Mút đánh đàn T'rưng, em thích lắm, em quyết tâm theo học cho bằng được. Giờ được đi biểu diễn ở nhiều nơi, em thấy đất nước mình rộng lớn, tươi đẹp, thấy nhiều dân tộc khác cũng có những nét văn hóa rất đặc sắc như dân tộc J'rai của em”.

Ngoài Rơ Châm Chốt, H'Mút còn có một "đệ tử chân truyền" khác, đó là thằng cháu ngoại của ông- Rơ Châm Chuyên (đang học lớp bốn). Không đi vào "chuyên ngành" như đàn anh Rơ Châm Chốt, nhưng Rơ Châm Chuyên sẵn sàng theo học tất cả những gì ông ngoại dạy cho, từ các loại đàn như T'rưng, Goong, Kni cho đến chỉnh chiêng, đánh trống, đánh chiêng...

“Tôi dạy cho thằng Chuyên từ khi còn rất nhỏ, giống như ngày trước ông ngoại tôi dạy cho tôi vậy”, H'Mút nói, hàm chứa đầy kỳ vọng vào đứa cháu ngoại mười tuổi này.

Theo TTXVN, không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên trải rộng trên địa bàn năm tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông và Lâm Đồng.

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên bao gồm các bộ phận cấu thành như: cồng chiêng, các bản nhạc tấu bằng cồng chiêng, những người chơi cồng chiêng, các lễ hội có sử dụng cồng chiêng, những địa điểm tổ chức các lễ hội đó…

Cồng chiêng gắn bó mật thiết với cuộc sống của người dân Tây Nguyên, như một phần không thể thiếu trong suốt vòng đời mỗi con người và trong hầu như tất cả các sự kiện quan trọng của cộng đồng: từ lễ thổi tai cho trẻ sơ sinh, lễ cưới xin, lễ tiễn đưa người chết, lễ đâm trâu trong ngày bỏ mả cho đến lễ cúng máng nước, lễ mừng lúa mới, lễ đóng cửa kho, lễ mừng nhà rông mới…

Trong quan niệm của người dân nơi này, cồng chiêng là cầu nối giữa con người, thần linh và thế giới siêu nhiên, chứa đựng bên trong mỗi chiếc chiêng, chiếc cồng là một vị thần.

Tháng 11/ 2005, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã chính thức được UNESCO công nhận là Kiệt tác Di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại.

TRẦN ĐĂNG LÂM

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/tai-nang-thien-phu-cong-voi-dam-me-chay-bong-cua-vien-ngoc-quy-nguoi-jrai-post222299.html