Tài sản công: Dùng không hết thì cho "mượn"

Vẫn còn tình trạng sử dụng tài sản nhà nước sai mục đích, cho thuê, mượn không đúng quy định, gây thất thoát.

- Kết quả giám sát của Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội cho thấy Mua sắm dồn vào cuối năm Theo Bộ Tài chính, các bộ, ngành thường dành khoảng 20% kinh phí để mua sắm máy móc, trang thiết bị phục vụ công tác chuyên môn và văn phòng. Đáng chú ý, trong năm 2008, do Thủ tướng chỉ đạo tạm dừng mua sắm ô tô, phương tiện, tài sản có giá trị lớn, sửa chữa trụ sở làm việc nên đã hạn chế đáng kể việc sắm ô tô so với các năm trước. Ô tô được mua chủ yếu phục vụ các yêu cầu cấp thiết như: cho lãnh đạo, xe cứu thương, xe phục vụ dạy thực hành lái xe, xe chữa cháy... Tuy nhiên, theo kết quả giám sát mới đây của Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, vẫn còn tình trạng mua sắm tài sản công dồn hết vào thời điểm cuối năm, chưa thực sự đáp ứng hết nhu cầu sử dụng. Cụ thể, Ban quản lý dự án nông thôn thuộc Bộ Y tế thực hiện gói thầu mua 22 máy nội soi dạ dày và gói thầu mua 24 xe ô tô cứu thương thuộc kế hoạch năm 2004 - 2005 nhưng đến năm 2007 mới thực hiện nên toàn bộ trang thiết bị này chỉ dùng được trong 2 năm. Dự án SREM (Bộ GD&ĐT) có gói thầu trang bị gần 2.000 máy vi tính, hơn 1.000 máy in... trong kế hoạch năm 2007 nhưng đến tháng 8/2008 vẫn chưa giao hàng. Cũng theo Ủy ban Tài chính - Ngân sách, nhiều trường hợp mua sắm tài sản không đồng bộ, không đảm bảo chất lượng và chưa phù hợp nhu cầu. Nhiều dự án thực hiện xong không phát huy được hiệu quả, gây thất thoát và lãng phí ngân sách. Chẳng hạn, dự án mua sắm thiết bị dạy học của Bộ GD&ĐT gây lãng phí số tiền 4 tỷ đồng. Dự án y tế nông thôn của Bộ Y tế mua một số thiết bị mới hết hạn bảo hành đã hỏng. Đơn cử, máy siêu âm đen trắng trị giá 231 triệu đồng, máy trợ thở 137 triệu đồng của bệnh viện đa khoa Cẩm Khê... Trong một số trường hợp, việc thực hiện thủ tục đầu tư, mua sắm tài sản nhà nước còn chưa đúng quy định của luật. Theo giám sát của Ủy ban Tài chính - Ngân sách QH, Bộ Tài chính chỉ định thầu cho công ty thương mại và dịch vụ Văn Tân thực hiện gói thầu mua 18 xe ô tô Nissan có giá trị 13,75 tỷ đồng nhưng không báo cáo Thủ tướng. Đáng chú ý, vẫn còn tình trạng mua sắm, trang bị tài sản vượt tiêu chuẩn, định mức. Chưa có quy định để dân giám sát Theo thống kê của đoàn giám sát Ủy ban Tài chính - Ngân sách QH, giá trị và số lượng tài sản nhà nước tại các bộ, ngành và địa phương rất lớn, nhưng đến nay vẫn không được tổng hợp đầy đủ, kịp thời. Nhiều nơi chưa thực hiện đầy đủ các quy định về lập hồ sơ quản lý tài sản nhà nước nên không nắm được thực trạng cũng như biến động. Chẳng hạn, Bộ Tài nguyên và Môi trường không có sổ theo dõi, không thực hiện kiểm kê hay đánh giá hao mòn. Tại Tổng cục Hải quan, chênh lệch giữa giá theo sổ sách và thực tế kiểm kê chưa xác định nguyên nhân để xử lý hơn 66 tỷ đồng. Đáng chú ý, vẫn còn tình trạng sử dụng tài sản nhà nước sai mục đích, cho thuê, mượn không đúng quy định gây thất thoát. Ban Quản lý dự án 6 thuộc Cục đường bộ đã cho các đơn vị thuộc Bộ Giao thông Vận tải mượn một số thiết bị văn phòng trị giá 1,7 tỷ đồng... Ban Quản lý dự án chăm sóc sức khỏe nhân dân các tỉnh Tây Nguyên ở Lâm Đồng đã cho Văn phòng Tỉnh ủy "mượn" một xe ôtô. Nhiều nơi mua sắm, trang bị ô tô, máy móc mà không hề dùng đến hoặc dùng không hết công năng, gây thất thoát. Trong khi đó, công tác duy tu, sửa chữa, bảo dưỡng tài sản ở một số nơi lại chưa được quan tâm đúng mức nên nhiều trụ sở làm việc xuống cấp, máy móc thiết bị hư hỏng không phát huy tác dụng. Chưa kể, nhiều trường hợp điều chuyển, thanh lý tài sản nhà nước sai thẩm quyền, sai chế độ dẫn đến thất thoát, lãng phí. Một trong những giải pháp hạn chế tình trạng lãng phí, thất thoát tài sản công là phải công khai, minh bạch. Tuy nhiên, theo Ủy ban Tài chính - Ngân sách QH, việc công khai về mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản ở nhiều nơi vẫn chỉ mang tính hình thức. Chưa có quy định nào tạo điều kiện để các tổ chức và người lao động tham gia giám sát việc mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản nhà nước. Trong khi đó, việc kiểm tra về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước lại chưa được tiến hành thường xuyên. Việc xử lý vi phạm trong nội bộ cơ quan, đơn vị và vi phạm pháp luật do cơ quan thanh tra, kiểm toán phát hiện còn chưa kịp thời, thiếu kiên quyết nên hiệu quả thấp. Lê Nhung

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/chinhtri/200910/Tai-san-cong-Dung-khong-het-thi-cho-muon-873941/