Tài sản không giải trình hợp lý về nguồn gốc: Thêm phương án ra tòa để xử lý

Chiều 10.8, tiếp tục chương trình làm việc phiên họp 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau liên quan đến dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga. Ảnh Q.H

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày báo cáo một số vấn đề lớn của Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Liên quan đến điều 57 về xử lý tài sản, thu nhập không giải trình được hợp lý về nguồn gốc, bà Nga cho biết, đang có hai phương án thu thuế thu nhập cá nhân và phương án xử phạt hành chính.

Cùng với đó, nhiều ý kiến ĐBQH đề nghị xác lập quyền sở hữu của Nhà nước đối với tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc (phương án 3) theo thủ tục tố tụng dân sự tại Tòa án.

Về phương án 3 (tố tụng dân sự), theo bà Nga, ưu điểm của phương án này là vừa thể hiện thái độ mạnh mẽ của Nhà nước, lại giải quyết được những vướng mắc trong kiểm soát tài sản, thu nhập của Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) hiện hành.

Đây cũng là hình thức xử lý mà nhiều nước trên thế giới đang áp dụng. Phương án này cũng không phải sửa đổi pháp luật về dân sự và pháp luật về tố tụng dân sự.

Ủy ban Tư pháp của QH lý giải, về tố tụng dân sự, đối với trường hợp người có nghĩa vụ kê khai đồng ý bằng văn bản với kết luận xác minh thì cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có đơn yêu cầu và Tòa án tiến hành thụ lý, giải quyết theo thủ tục giải quyết việc dân sự.

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh Q.H

Trường hợp người có nghĩa vụ kê khai không đồng ý với kết luận xác minh thì cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập khởi kiện và Tòa án thụ lý giải quyết theo thủ tục giải quyết vụ án dân sự theo quy định tại Phần thứ 2 của Bộ luật Tố tụng Dân sự.

Về trách nhiệm chứng minh, Ủy ban Tư pháp của QH cho rằng, phương án này không mâu thuẫn với quy định về trách nhiệm chứng minh trong tố tụng dân sự.

Bởi vì Luật PCTN hiện hành quy định người có nghĩa vụ kê khai phải có trách nhiệm giải trình về nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm và quy định này tiếp tục được kế thừa trong dự thảo Luật.

Cho ý kiến về phương án qua Tòa án, nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội rất băn khoăn khi Ủy ban Tư pháp đưa ra lập luận: “Trong quá trình tranh tụng, Tòa án phán quyết về tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc thì tài sản, thu nhập tăng thêm đó thuộc sở hữu của Nhà nước”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển. Ảnh Q.H

Nêu ý kiến thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho hay, ở nhiều nước, họ đều có công cụ rất quan trọng qua con đường thuế, kiểm soát được rất chặt thu nhập, tài sản của công dân.

“Đã có thu nhập phải thông qua hệ thống thuế. Còn trốn thuế đã có hành vi xử phạt, nặng thì qua con đường hình sự”, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu ý kiến.

VƯƠNG TRẦN

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/thoi-su/tai-san-khong-giai-trinh-hop-ly-ve-nguon-goc-them-phuong-an-ra-toa-de-xu-ly-624408.ldo