Tại sao 1977 Vlog nói Van Gogh không thể đeo khẩu trang?

Video 'Chiếc lá cuối cùng' của 1977 Vlog với chủ đề chống dịch viêm phổi cấp đã nhắc tới một tai nạn khó hiểu trong lịch sử hội họa: Van Gogh tự cắt tai mình.

Video mới nhất của 1977 Vlog có tên “Chiếc lá cuối cùng - Quyền năng đất mẹ” lấy cảm hứng từ tác phẩm Chiếc lá cuối cùng của nhà văn O. Henry. Tác phẩm được dạy trong chương trình ngữ văn phổ thông nói về niềm tin của con người khi chiến đấu với bệnh tật.

 Nhân vật Johnsy trong video "Chiếc lá cuối cùng - Quyền năng đất mẹ" của 1977 Vlog.

Nhân vật Johnsy trong video "Chiếc lá cuối cùng - Quyền năng đất mẹ" của 1977 Vlog.

Cụ thể, cô họa sĩ trẻ Johnsy bị bệnh viêm phổi và nghĩ mình sẽ chết. Trong khu trọ của cô có cụ Behrman - họa sĩ cả đời khao khát vẽ nên một kiệt tác. Trong đêm mưa bão, cụ Behrman đã vẽ nên chiếc lá trên bức tường - chiếc lá hy vọng cứu sống Johnsy.

Video của 1977 Vlog được đánh giá là bám sát thời sự với tình trạng dịch Covid-19 đang hoành hành. Bên cạnh sử dụng chất liệu là truyện ngắn Chiếc lá cuối cùng, video cũng dùng nhiều câu chuyện hội họa, trong đó có câu: “Đến danh họa Van Gogh còn bị dân mạng xa lánh vì không thể đeo khẩu trang”. Câu thoại này bắt nguồn từ chuyện có thật, một câu chuyện buồn, đau đớn trong cuộc đời danh họa Van Gogh.

Tờ giấy kê đơn của bác sĩ chữa vết thương tai cho Van Gogh

Ngày nay, Van Gogh được xem là một thiên tài, tranh của ông được coi là kiệt tác, thuộc hàng những bức tranh đắt giá nhất. Danh họa Hà Lan được coi là nghệ sĩ tiên phong của trường phái biểu hiện, ảnh hưởng tới nhiều họa sĩ. Nhưng khi còn sống, ông chịu nhiều đau khổ, dằn vặt, sống trong nghèo túng, cả đời chỉ bán được một bức tranh.

Đau khổ hơn, khoảng hai năm cuối đời, ông lâm vào khủng hoảng tinh thần tới cùng cực. Ngày 23/12/1888, Van Gogh đang ở Arles, Pháp đã tự cắt tai trái của mình bằng một con dao cạo. Sau đó, ông tự vẽ mình trong bức Chân dung tự họa với chiếc tai băng bó.

Câu chuyện danh họa tự cắt tai đặt ra nhiều băn khoăn cho các nhà nghiên cứu. Những gì được biết đến về tai nạn này là hai bức chân dung tự họa của Van Gogh với chiếc tai băng kín.

Câu chuyện dần được hé lộ qua các tư liệu, được công bố trong các bài báo, cuốn sách. Năm 2016, sách Van Gogh's Ear: The True Story (Câu chuyện thực sự về chiếc tai của Van Gogh) ra đời sau nhiều năm nghiên cứu của Bernadette Murphy.

Từ trái qua: Van Gogh, tờ giấy kê đơn thuốc của bác sĩ Rey (giữa), bác sĩ Rey.

Cuốn sách đưa ra một tư liệu quan trọng đó là bản kê đơn thuốc của bác sĩ Felix Rey - người đã chữa trị cho Van Gogh sau khi ông cắt tai. Bức thư này được tìm thấy trong hồ sơ lưu trữ của nhà văn Irving Stone - người đã viết thư năm 1930 trao đổi với bác sĩ Flix Rey.

Trước đó, nhiều tư liệu dựa trên lời các nhân chứng cùng thời Van Gogh cho rằng danh họa Hà Lan chỉ cắt một phần của tai. Nhưng trong tờ giấy kê đơn thuốc, bác sĩ Felix Rey còn vẽ cả chiếc tai của Van Gogh. Bức vẽ cho thấy danh họa đã cắt gần hết chiếc tai của mình.

Sau khi cắt tai và được chữa trị, Van Gogh liên tục phải tới bệnh viện vì gặp ảo giác. Cuối cùng ông dọn đến căn phòng của bác sĩ Rey. Bác sĩ cho rằng Van Gogh bị chứng động kinh một phần do uống quá nhiều cà phê và rượu, lại ăn ít thức ăn. Ông đã kê thuốc an thần giảm đau và khuyên Van Gogh uống rượu cinchona có chứa chiết xuất ký ninh.

Đỉnh điểm của khủng hoảng tinh thần, bi kịch của thiên tài

Irving Stone - một cây bút tiểu sử có tiếng - đã dành thời gian, tâm sức để tìm hiểu về Van Gogh và viết cuốn Khát vọng sống. Tác giả thu thập nhiều tư liệu, tiếp xúc với các nhân vật cùng thời với Van Gogh để thực hiện cuốn tiểu thuyết tiểu sử này.

Cuốn Khát vọng sống dựa trên những tư liệu xác tín để dựng nên cuộc đời Vincent Van Gogh. Ở đó, nhà văn khắc họa họa sĩ bậc thầy với nỗi cô đơn cùng cực, những khát khao cháy bỏng trong sáng tạo nghệ thuật và lòng yêu cuộc sống tha thiết.

Sách Khát vọng sống. Ảnh: Dong A

Sự việc Van Gogh cắt tai được Irving kể lại trong bối cảnh ngột ngạt của vùng Arles, những tranh luận, mâu thuẫn không thể hòa giải giữa Van Gogh và Paul Gauguin - danh họa Pháp.

23/10/1888, Paul Gauguin đến Arles sống cùng Van Gogh và vẽ tranh. “Cả hai người đều làm việc như điên như dại, đều dùng trái tim mình, bản chất mình cố đánh ra tia lửa sáng tạo. Ngày này qua ngày khác họ chiến đấu với những bảng màu rực lửa của họ”, Irving Stone viết.

Nhưng những quan điểm trái chiều về nghệ thuật khiến mâu thuẫn giữa hai họa sĩ ngày càng gay gắt. “Tối nào không bùng nổ những cuộc đôi co đầy giận dữ, thì các cuộc tranh luận thân ái giữa họ cũng căng thẳng tới mức sau đó họ không sao chợp mắt được”, trích Khát vọng sống.

Theo (em trai Van Gogh) gửi tiền đến, họ tiêu luôn vào thuốc lá và rượu ngải. Trời nóng bức ngột ngạt, họ không thiết ăn. Rượu làm thần kinh họ rối loạn thêm.

Đối với Gauguin, những cuộc cãi cọ với Vincent là trò giải trí duy nhất. Gauguin sử dụng mọi dịp để làm bạn phát cáu, thậm chí còn vẽ một bức chân dung Van Gogh mà khi nhìn vào danh họa Hà Lan phải cáu: “Đó đúng là tôi, nhưng đó là chân dung một kẻ điên”.

Trong cái oi bức, chói chang ở cánh đồng vùng Arles, Van Gogh miệt mài vẽ từ 4h sáng tới tối mịt. Stone viết về Van Gogh: “Anh cần cái oi bức chói chang lóa mắt này để nung chảy những niềm say mê khủng khiếp đang nổi lên dữ dội trong tâm hồn anh, bộ óc anh như một cái lò cháy rừng rực luyện ra hết bức tranh nóng đỏ này đến bức tranh nóng đỏ khác”.

Có ngày họa sĩ vẽ hai, ba bức tranh, mỗi bức ra đời với sự hăng say mãnh liệt dường như làm Van Gogh giảm thọ mất cả năm trời. Chính vào thời điểm này, nghệ thuật của Van Gogh đã đạt tới mức phát triển cao nhất.

Trong những ngày đó, cả Gauguin và Van Gogh cùng lao động nghệ thuật không mệt mỏi, cùng tranh luận, nhiếc móc, cùng ăn những bữa đạm bạc, cùng uống quá nhiều rượu, thuốc lá, cùng theo đuổi những quan điểm nghệ thuật riêng. Họ nhân lên sự giận dữ trong lòng, nhân lên những lời công kích tới đối phương.

Tranh tự họa của Van Gogh với chiếc tai bị băng bó.

Giữa những ngày ngột ngạt cùng cực ấy, Van Gogh đã cắt tai của mình. Sự kiện được Irving Stone miêu tả trong Khát vọng sống: “Đây là giờ tận số. Cuộc đời anh đã hết. Anh đọc thấy điều đó qua gương mặt anh”.

“Tốt hơn hết là thanh toán cho xong mọi chuyện ngay bây giờ”.

“Anh đưa dao cạo lên. Anh cảm thấy lưỡi thép sắc bén chạm vào cổ họng anh”.

“Anh đưa dao cạo xẻo luôn tai”.

“Anh buông dao cạo khỏi tay. Anh lấy khăn mặt quấn đầu lại. Máu rỏ từng giọt lớn xuống sàn. Anh lấy cái tai trong chậu lên rửa thật kĩ. Anh gói vào mấy tờ giấy rồi bọc ngoài cùng bằng một tờ báo”.

Sau đó Van Gogh nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Em trai Theo đến chăm sóc. Gauguin rời khỏi Arles và không một lần gặp lại Van Gogh.

Tháng 5/1889 Van Gogh nhập viện tại bệnh viện tâm thần Saint-Paul de Mausole. Tại đây ông vẫn tiếp tục vẽ nên những kiệt tác. Năm 1890, ông được mời tham gia một triển lãm, danh họa Monet nhận xét tranh của ông tuyệt vời nhất. Giới phê bình bắt đầu để ý tới tranh của Van Gogh, ngợi ca, gọi ông là thiên tài.

Tháng 5/1890, Van Gogh ra viện, đến trị liệu với bác sĩ Gachet. Bệnh của ông ngày càng trầm trọng. Ngày 27/7/1890, Van Gogh dùng súng tự bắn vào ngực mình. Không nhận ra mình bị thương, ông quay lại hoàn thành một bức tranh. Hai ngày sau, ông qua đời trên giường, Câu cuối cùng ông nói với em trai là: “Nỗi buồn sẽ kéo dài mãi”.

Tần Tần

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/tai-sao-1977-vlog-noi-van-gogh-khong-the-deo-khau-trang-post1059607.html