Tại sao Bali?

Ngày Đại sứ Indonesia Ibnu Hadi đến Việt Nam nhận nhiệm sở, nhóm các Đại sứ chúng tôi (gồm Việt Nam, Mỹ, Thụy Điển, Italy, Australia, Czech, Argentina, Anh) hoàn tất khâu chuẩn bị cuối cùng để đi thám hiểm và quảng bá Sơn Đoòng. Chúng tôi đã quen và thân nhau từ buổi đó.

Đại sứ Ibnu Hadi đã tham gia hầu hết các hoạt động ngoại giao văn hóa do Bộ Ngoại giao tổ chức. Đó là khóa “Tìm hiểu về Việt Nam”, câu lạc bộ Ẩm thực, Festival Huế, Lễ hội Hoa Đà Lạt, Festival Pháo hoa Đà Nẵng… Ông còn góp mặt ở các hoạt động dã ngoại của đoàn Ngoại giao tại Đà Nẵng, Đà Lạt, về Bắc Giang quảng bá vải thiều…

Sau một loạt chuyến đi và các hoạt động, Đại sứ Ibnu Hadi muốn được mời tôi thăm Indonesia một chuyến. Đó được coi là đáp lại thịnh tình của Bộ Ngoại giao đã mời ông tham gia rất nhiều hoạt động ngoại giao văn hóa trong suốt thời gian qua.

Ông đã vận động Ciputra kết hợp với Bộ Du lịch Indonesia và Đại sứ quán tại Hà Nội tổ chức chuyến đi. Điều này thể hiện tính năng động và chủ động quảng bá đất nước Indonesia của ông. Ông phân vân mãi xem nên mời đi thăm địa danh nào vì có quá nhiều di tích và thắng cảnh ở Indonesia.

Cuối cùng, Bali đã được chọn. Tại sao là Bali? Không phải là vì đó là địa điểm tôi chưa bao giờ đến mà quan trọng nhất, Đại sứ Hadi muốn chỉ cho tôi thấy sự khác biệt giữa Hindu giáo ở Bali khác với Hindu giáo ở Ấn Độ như thế nào? Chuyến đi ấy có ý nghĩa lớn, góp phần giúp tôi hiểu rõ hơn về Hindu giáo Ấn Độ - nơi tôi sẽ có nhiệm kỳ đại sứ 3 năm.

Trên thế giới hiện nay, ngoài Ấn Độ ra chỉ có cộng đồng Hindu lớn nhất ở đảo Bali. Người ta kể rằng, khi Hồi giáo tràn vào Indonesia thì người Hindu đã phải chạy ra và định cư tại đảo Bali. Tôi đã nghe nói rất nhiều về Bali nhưng trong trí tưởng tượng của tôi, Bali đẹp kiểu có nhiều bãi tắm và khách sạn như Phuket (Thái Lan). Tuy nhiên, cái đẹp nhất ở Bali không nơi nào có được là hệ thống đền thờ Hindu giáo ở khắp nơi.

Yandi - hướng dẫn viên nói rằng: “Có 4 loại đền, mỗi gia đình có đền riêng, mỗi làng có đền riêng, mỗi nghề có đền riêng và mỗi khu có đền riêng cho công chúng”.

Tôi ngạc nhiên vì không thấy có nhiều đền đài tầng tầng lớp lớp. Hỏi ra mới biết đền chỉ là các tháp nhỏ xây bằng gạch mỗi chiều 1m đến 2m, ở tầng trên cùng lợp bằng lá cọ và để trống cả 4 mặt. Nó nhỏ hơn nhiều so với hệ thống tháp Chăm của Thánh địa Mỹ Sơn. Mái được lợp bằng rạ và thống nhất quy chuẩn như vậy để phân biệt rõ với nhà ở được làm bằng ngói.

Điều ngạc nhiên là dù diện tích khu ở nhỏ đến mấy thì người dân Bali cũng phải dành đất để xây đền. Thậm chí, khi có gia đình và ra ở riêng, vợ chồng trẻ sẽ được cha mẹ cắt đất ra chia và cũng để dành một góc xây đền.

Anh Yandi chia sẻ, người Bali rất mộ đạo và hàng ngày họ đều đứng trước đền ít nhất một lần và thông thường 3 lần để cầu khấn. Có thể chỉ nhắm mắt và nói một câu cầu mong cũng coi như xong lễ. Họ có gì cúng nấy, hoa quả, đồ ngọt, đồ mặn…

Trên đảo Bali có 2 di sản được UNESCO xếp hạng. Một là đền Tirta Empul có hàng ngàn năm tuổi rất đẹp (xây năm 960 sau Công Nguyên). Sau nhiều lần trùng tu đền được UNESCO xếp hạng Di sản Văn hóa Thế giới. Nổi tiếng nhất ở đây là nguồn nước ngầm phun ra từ lòng đất nơi rất gần với núi lửa Bali, được coi là dòng nước thiêng mà người Hindu phải đến rửa tội và cầu phước lành.

Khi đến thăm đền này, tôi ngạc nhiên vì đền giống các chòi canh thấp hơn là các tòa nhà được xây dựng đóng kín. Tôi ngạc nhiên hơn khi thấy một dòng người Á - Âu, nam nữ quấn sarong xanh để ngực trần hoặc mặc áo lót xếp hàng xuống tắm. Nó làm tôi liên tưởng đến hàng nghìn người Hindu xếp hàng tắm ở sông Hằng bên Ấn Độ. Có lẽ, sức mạnh tâm linh là đây chứ không phải đơn thuần ở sự hiếu kỳ của du khách.

Di sản thứ hai là hệ thống ruộng bậc thang Tegallalang ở Ubud. Thật lòng mà nói cảnh ở đây không đẹp bằng ruộng bậc thang ở Mù Căng Chải. Nhưng bạn trình hồ sơ lên UNESCO với tiêu chí 3 về hệ thống tưới tiêu các ruộng bậc thang, thể hiện một truyền thống văn hóa tương tác giữa con người với thiên nhiên và thần linh theo triết lý Tri Hita Karana. Đây là triết lý hình thành nhờ giao thoa văn hóa giữa Indonesia và Ấn Độ suốt 2.000 năm qua. Qua chuyến này, tôi hy vọng và tin tằng một ngày nào đó ruộng bậc thang ở Sapa hay Mù Căng Chải của Việt Nam cũng sẽ được UNESCO xếp hạng là Di sản Văn hóa thế giới.

Tại Bali còn có khu Safari lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á nơi thu hút rất nhiều du khách. Thăm khu này, cũng đã từng đến Safari ở Nam Phi và Kenya, tôi tự hỏi không biết Safari dự kiến xây dựng tại Phú Quốc có đủ ngưỡng hấp dẫn để lôi kéo du khách? Thăm rừng khỉ tại Ubud, tôi nghĩ chúng ta cũng có thể biến rừng khỉ ở bán đảo Sơn Trà và rừng vọc ở Cát Bà trở thành một điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam cho các du khách châu Âu và Mỹ.

Người hướng dẫn chia sẻ rằng, ở Bali có Hội Hướng dẫn viên và với gần 7.000 hướng dẫn viên. Luật pháp của Indonesia không cho phép hướng dẫn viên là người nước ngoài nên một số nước chưa đẩy được nhiều “tour” do không có đủ hướng dẫn viên nói tiếng đó. Đây là một thách thức đối với phát triển du lịch của đảo Bali. Vì vậy, họ đã phải tăng cường đào tạo ngoại ngữ cho hướng dẫn viên. Hội hướng dẫn viên của Bali tổ chức rất hiệu quả các lớp tập huấn định kỳ nhằm giáo dục nghiệp vụ du lịch kết hợp với giáo dục hành vi và đạo đức cho hướng dẫn viên.

Ngoài các cảnh rất đẹp như Rock Bar, đền Núi và phong cảnh hữu tình biển và núi đã là những điểm thu hút hàng đầu du khách quốc tế và tổng số khách nước ngoài đã đạt 6 triệu (trong năm 2017). Nét đặc sắc và hấp dẫn nhất của Bali chính là con người Bali rất mến khách, tình nghĩa và thật thà nên lượng du khách quay lại đây rất lớn.

Đại sứ Phạm Sanh Châu

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/tai-sao-bali-75839.html