Tại sao Bồ Đào Nha ít bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19?

Trong tuần qua, các phương tiện truyền thông quốc tế và châu Âu luôn nhắc đến Bồ Đào Nha, một đất nước nhỏ bé ở Tây Âu, ít bị ảnh hưởng vì đại dịch Covid-19 hơn các nước khác, đặc biệt nước này nằm ngay bên cạnh 'người hàng xóm' Tây Ban Nha, nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất hiện nay ở châu Âu tính về số người nhiễm.

NDĐT- Trong tuần qua, các phương tiện truyền thông quốc tế và châu Âu luôn nhắc đến Bồ Đào Nha, một đất nước nhỏ bé ở Tây Âu, ít bị ảnh hưởng vì đại dịch Covid-19 hơn các nước khác, đặc biệt nước này nằm ngay bên cạnh “người hàng xóm” Tây Ban Nha, nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất hiện nay ở châu Âu tính về số người nhiễm.

Ngăn chặn sớm

Với dân số chỉ bằng gần một phần năm Tây Ban Nha, số ca mắc Covid-19 của Bồ Đào Nha chỉ bằng một phần mười và tỷ lệ tử vong do Covid-19 khoảng 3% so với 10% Tây Ban Nha, 12% ở Anh và 15% ở Pháp.

Ngoài Ý và Hy Lạp, Bồ Đào Nha có nhiều người trên 80 tuổi hơn bất kỳ nước nào ở EU cộng với dịch vụ y tế yếu kém, thiếu ngân sách hơn so với các nước khác ở châu Âu, do cuộc khủng hoảng nợ khu vực đồng euro năm 2011. Tính tỷ lệ gường bệnh trên 100 nghìn dân Bồ Đào Nha chỉ có có 4,2 giường, thấp nhất ở châu Âu. Trong khi đó Tây Ban nha có chín giường, còn Đức có gần 30 giường bệnh.

Bác sĩ chuyên khoa về các bệnh truyền nhiễm và là một nghị sĩ đảng Dân chủ Xã hội đối lập (PSD) Recardo Baptista nói với báo Politico: “Do sự yếu kém của hệ thống y tế, nếu dịch bệnh xảy ra có khả năng sẽ tồi tệ hơn so với Ý hoặc Tây Ban Nha”.

Ông Recardo Baptista cho biết, người dân Bồ Đào Nha hiểu rất rõ rằng, nếu muốn tồn tại sau đại dịch, chúng ta sẽ phải làm nhiều hơn những nước khác trong việc khống chế dịch bệnh, và ngăn chặn các ca nhiễm mới.

Bồ Đào Nha ghi nhận ca nhiễm Covid-19 đầu tiên ngày 2-3, một tháng sau khi dịch bệnh xuất hiện tại Tây Ban Nha và Italy. Có thời gian rút ra bài học từ các nước láng giềng, Chính phủ Bồ Đào Nha đã nhanh chóng đưa ra các biện pháp ứng phó.

Bồ Đào Nha đã cho đóng cửa trường học vào ngày 16-3 khi nước này mới có 245 ca mắc Covid-19, đóng cửa biên giới với Tây Ban Nha. Trong khi đó, Chính phủ Tây Ban Nha chỉ quyết định đóng cửa trường học vào ngày 12-3 sau khi đã có 2.140 ca nhiễm ở hầu hết các vùng. Italy đóng cửa trường học vào ngày 4-3 khi đã có 2.500 ca nhiễm bệnh.

Chính quyền thủ đô Madrid của Tây Ban Nha vẫn cho phép hơn 100 nghìn người dự tuần hành ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3, trong khi đó thủ đô Lisbon của Bồ Đào Nha cấm tất cả các cuộc tụ tập đông người ngay từ giai đoạn đầu của dịch bệnh.

Bồ Đào Nha tuyên bố tình trạng khẩn cấp, phong tỏa toàn quốc từ ngày 18-3 khi nước này có 448 ca. Tây Ban Nha đưa ra các biện pháp tương tự ba ngày trước đó khi mà tỷ lệ nhiễm Covid-19 đã ở ngưỡng cao hơn gần 10 lần so với Bồ Đào Nha. Trong khi đó, Italy đưa ra các biện pháp phong tỏa toàn quốc vào ngày 10-3 khi nước này có 9.000 người nhiễm bệnh.

Giáo sư Inês Fronteira, giảng viên khoa sức khỏe cộng đồng quốc tế Trường đại học NOVA tại Lisbon, cho biết: “Việc thực hiện sớm các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh có thể giúp giải thích được tốc độ lây lan chậm hơn... Chúng tôi đã thực hiện ngay trong giai đoạn không có quá nhiều trường hợp nhiễm bệnh, và điều này có hiệu quả hơn trong việc làm giảm lây nhiễm”.

Chủ tịch của Hiệp hội bác sĩ độc lập, ông Jorge Roque da Cunha cho rằng quyết định đóng cửa các trường học và phong tỏa đã tạo ra sự khác biệt lớn trong việc ngăn chặn sự lây lan so với Tây Ban Nha hoặc Ý.

Ý thức tự giác của dân

Mặc dù dịch bệnh tập trung ở phía bắc, chung quanh thành phố Porto, Chính phủ Bồ Đào Nha cho phép nhanh chóng tiến hành các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh trên toàn quốc thay vì áp dụng cho từng vùng.

Các chính trị gia và chuyên gia y tế cũng ca ngợi ý thức của người dân Bồ Đào Nha trong việc tuân thủ các biện pháp phong tỏa của chính phủ.

Các biện pháp phong tỏa của Bồ Đào Nha không nghiêm ngặt như ở một số nước châu Âu. Các nhà máy, công trường xây dựng vẫn hoạt động. Người dân được phép tập thể dục hàng ngày, được đi mua thực phẩm và đến hiệu thuốc. Tuy nhiên hầu hết người dân ở trong nhà. Theo một cuộc khảo sát đăng trên trang publico cho thấy có 51% chỉ rời khỏi nhà một lần/tuần hoặc ít hơn.

Trả lời phỏng vấn trên đài phát thanh Bồ Đào Nha ngày 15-4, Thủ tướng Antonio Costa cho biết: “Ngay từ đầu đại dịch, người dân Bồ Đào Nha đã hiểu rằng ở nhà là cách tốt nhất để họ có thể giúp đỡ các nhân viên y tế trên tuyến đầu. Chúng ta nên đánh giá cao những người đã thể hiện tính tự giác, kỷ luật”.

Khác với Tây Ban Nha và Italy, để chống đại dịch, lãnh đạo phe đối lập cánh hữu, ông Rui Rio, đã kêu gọi những người ủng hộ không chỉ trích, mà hãy ủng hộ chính phủ trong cuộc chiến ngăn chặn dịch bệnh hiệu quả. Lãnh đạo đảng PSD Baptista Leite cũng nói rằng, đây là thời điểm hợp tác chứ không phải phản đối vì lợi ích quốc gia.

Tính đến ngày hôm nay, 16-4, Bồ Đào Nha xác nhận 18.841 ca mắc Covid-19, trong đó có 629 trường hợp tử vong. Còn tại nước láng giềng Tây Ban Nha có 182.816 người ca, trong đó có 19.130 ca tử vong do đại dịch Covid-19.

Tại bệnh viện Santa Maria ở Lisbon, bác sĩ Joao Ribeiro cho biết, tình hình vẫn trong tầm kiểm soát và chúng tôi có đủ năng lực”.

Ngày 15-4, các nhà lãnh đạo Bồ Đào Nha đã xác nhận rằng, tình trạng khẩn cấp và các biện pháp phong tỏa sẽ vẫn có hiệu lực cho đến cuối tháng 4. Nếu tình hình tiến triển tích cực, tháng 5 sẽ bắt đầu "chuyển đổi dần dần" để nối lại hoạt động kinh tế và xã hội.

ĐÌNH PHÚC

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/tin-tuc/item/44114902-tai-sao-bo-dao-nha-it-bi-anh-huong-cua-dai-dich-covid-19.html