Tại sao Bộ GDĐT cứ ôm đồm kỳ thi mãi?

Kì thi THPT quốc gia 2017 đã đi đến gần cuối chặng đường, các trường đang tiến hành thủ tục gọi thí sinh trúng tuyển nhập học. Tổng kết về kỳ thi, GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam - tiếp tục nhấn mạnh, đây là một kỳ thi 'kỳ lạ', khâu ra đề cũng 'vô cùng kỳ lạ'.

 GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam. Ảnh: NV

GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam. Ảnh: NV

Đề thi chưa có tính phân loại

Theo GS Phạm Tất Dong, việc thí sinh được điểm thấp mà trượt đại học là điều đương nhiên. Thế nhưng, thí sinh điểm cao, thậm chí điểm tuyệt đối mà vẫn trượt thì đó quả là một kỳ thi “kỳ lạ” và khâu ra đề cũng “vô cùng kỳ lạ”.

Tại sao có hiện tượng 30 điểm trượt đại học? Bởi vì quá nhiều thí sinh được điểm cao, cộng thêm điểm ưu tiên nên đã nâng điểm số vượt qua con số tuyệt đối. Rồi câu chuyện thí sinh thừa điểm đỗ nhưng lại bị trượt vì quy tắc làm tròn, vì tiêu chí phụ, rồi hơn nhau 0,12 điểm (nửa điểm khi làm tròn). Đó chẳng phải là kỳ tuyển sinh “kỳ lạ” hay sao? - Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam băn khoăn.

Đánh giá những ưu điểm của kỳ thi năm nay, GS.TS Phạm Tất Dong cho rằng, kỳ thi được tổ chức nhẹ nhàng hơn 2 năm trước và cũng có những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, nếu đề thi được chuẩn hóa như Bộ GDĐT nói thì làm gì có chuyện điểm tuyệt đối thí sinh vẫn trượt? Rồi các trường phải dùng một loạt tiêu chí phụ để xét tuyển? Riêng khâu ra đề thì tôi nghĩ rằng, đề thi chưa có những câu hỏi khó thực sự mang tính phân loại để xảy ra tình trạng điểm cao tràn lan.

Trước khi công bố điểm thi, Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga có nói: “Kỳ thi năm nay hạn chế điểm 10”. Tức là chúng ta hiểu, kỳ thi sẽ đánh giá đúng thực lực của học sinh và phân hóa được học sinh giỏi phục vụ cho việc xét tuyển ĐH.

Tuy nhiên, khi công bố kết quả thi thì hoàn toàn ngược lại, kỳ thi năm nay không những nhiều điểm 10 mà còn tạo thành “mưa điểm 10”.

GS Dong cho rằng, tổ ra đề cũng chưa lường hết được việc chuyển hình thức thi tự luận sang trắc nghiệm, thí sinh có thể đạt điểm cao mà không phải thực sự giỏi. Đề thi chuẩn hóa là đề thi có 40% câu hỏi khó dùng phân loại trong tuyển sinh ĐH.

Thế nhưng, quá nhiều học sinh của chúng ta được điểm cao. Vậy chất lượng học sinh của chúng ta đã nâng cao thực sự hay là câu chuyện về khâu ra đề, coi thi và chấm thi đều chưa chuẩn? Điều đó chúng ta cần nghiêm túc nhìn nhận lại và rút kinh nghiệm.

Đăng ký nguyện vọng kiểu “mù mịt”

Theo thống kê của Bộ GDĐT, năm nay có 300.012 em thay đổi nguyện vọng, chiếm 70% tổng thí sinh trên điểm sàn. Thực tế có những thí sinh không đủ điểm sàn nhưng vẫn đăng ký hàng loạt nguyện vọng. Về câu hỏi, có nên cho thí sinh đăng ký nguyện vọng trước khi công bố điểm thi để đỡ tốn kém chi phí nộp hồ sơ, công sức thay đổi nguyện vọng hay không, GS.TS Phạm Tất Dong nhận định: Nếu muốn cho học sinh đăng ký nguyện vọng trước khi thi, chúng ta phải làm tốt khâu hướng nghiệp. Trong khi việc hướng nghiệp chúng ta triển khai chưa có hiệu quả. Hiện nay, nhiều thí sinh vẫn đăng ký nguyện vọng theo kiểu “mù mịt”, không có nhận thức đầy đủ về tính chất và yêu cầu của nghề.

Điều đó dẫn đến việc nhiều thí sinh không biết học xong ngành đó, trường đó mình sẽ làm gì. Rồi đến khi được thay đổi nguyện vọng là thay đổi hàng loạt nguyện vọng.

Băn khoăn về kỳ thi, ông Dong cho rằng, kỳ thi không thấy nhắc đến chi phí làm ngân hàng đề thi, chi phí công tác coi thi, chấm thi, chi phí cung cấp dữ liệu điểm thi, chạy phần mềm lọc ảo… Hiện nay đó vẫn là những con số “bí mật”.

“Tại sao Bộ GDĐT cứ ôm đồm kỳ thi mãi? Kỳ thi tốt nghiệp thì hãy để các Sở GDĐT tổ chức đánh giá, kiểm tra làm sao đạt được trình độ trung bình để tốt nghiệp là được. Còn việc các trường tuyển sinh thế nào là quyền của họ, họ có quyền tự chủ cơ mà. Chúng ta không sợ các trường tuyển ồ ạt vì họ phải chịu trách nhiệm về chất lượng và uy tín của trường mình, còn tạo thương hiệu để cạnh tranh chất lượng nữa”, GS Phạm Tất Dong cho hay.

Huyên Nguyễn

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/dien-dan/tai-sao-bo-gddt-cu-om-dom-ky-thi-mai-547577.ldo