Tại sao Carlsberg chọn Habeco?

Ngày hôm nay (31/10), Habeco và Carlsberg sẽ trực tiếp thỏa thuận về việc mua lại cổ phần của Habeco. Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10. Vậy vì sao một nhà đầu tư nước ngoài như Carlsberg lại được lựa chọn.

Câu chuyện thoái vốn tại các DN lớn của Việt Nam trong đó có Habeco đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới đầu tư và cả người dân bởi nhiều lý do, trong đó có kỳ vọng phát triển những thương hiệu Việt trăm năm và gìn giữ nét văn hóa ẩm thực Hà Thành. Bởi vậy việc thoái vốn không đơn thuần nhắm tới mục tiêu tài chính mà nó còn phải đảm bảo cho doanh nghiệp và thương hiệu có tầm nhìn mới, được tiếp thêm năng lượng để chinh phục những đỉnh cao và đủ sức cạnh tranh toàn cầu.

Habeco và Carlsberg sẽ trực tiếp thỏa thuận về việc mua lại cổ phần của Habeco trong ngày hôm nay (31.10)

Câu chuyện Habeco và Carlsberg

Sở hữu thương hiệu nổi tiếng – Bia Hà Nội, hiệu quả kinh doanh khá nổi trội với ROA, ROE trên 25% nhưng 34,77 triệu cổ phiếu Habeco được đưa ra đấu giá công khai vào ngày 27/3/2008 với giá khởi điểm là 50.000 đồng/cổ phiếu không gặp thời, do TTCK Việt Nam bắt đầu tuột dốc.

Cổ phần bán hết cho hơn 1.000 nhà đầu tư cá nhân và tổ chức nhưng giá đấu thành công bình quân chỉ là 50.015 đồng/cổ phần. Song đó là cuộc chơi của những nhà đầu tư nhỏ lẻ là cán bộ nhân viên của Công ty hoặc chỉ nhắm đến chênh lệch giá hoặc cổ tức được chia hàng năm, cuộc chơi của những ông lớn trong vai trò nhà đầu tư chiến lược vào Habeco mới đáng chú ý. Đã có 5 tên tuổi đặt vấn đề và đến tìm hiểu Habeco, cuối cùng Carlsberg lọt vào mắt xanh và mối quan hệ hai bên được cụ thể vào năm 2009, bằng một hợp đồng bán cổ phần cho đối tác chiến lược với tỷ lệ 16%. Trong hợp đồng cũng nêu thêm, Carlsberg sẽ được quyền ưu tiên mua cổ phần khi Chính phủ thoái vốn tại Habeco. Hiện tại Carlsberg đang sở hữu 17,5% sau khi mua thêm 1,5% trên thị trường tự do.

Năm 2012, câu chuyện được hâm nóng khi Carlsberg muốn tăng tỷ lệ sở hữu lên 30%, Bộ Công Thương, cơ quan đại diện vốn nhà nước tại Habeco ủng hộ nhưng sau đó các bên chưa đạt được thống nhất và việc tăng vốn dậm chân tại chỗ. Nay, khi Chính phủ Việt Nam tuyên bố rõ ràng: sẽ thoái vốn tại Habeco, Carlsberg và những cái tên mới mẻ nào sẽ tiếp tục bước chân vào doanh nghiệp này lại được quan tâm hơn bao giờ hết. Tối đa hóa giá trị tài chính cho lượng cổ phần mà nhà nước bán ra là một, điều được quan tâm hơn là liệu thương hiệu bia Hà Nội có biến mất?

Trao đổi về băn khoăn này, ông Cees ‘t Hart, Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch Tập đoàn Carlsberg chia sẻ rằng,“Carlsberg có cam kết mạnh mẽ đối với Việt Nam, từ thành công của thương hiệu bia Huda ở miền Trung, chúng tôi đã chứng minh bằng thực tế năng lực làm lớn mạnh các thương hiệu nội địa. Chúng tôi tin tưởng rằng Carlsberg có thể làm điều tương tự với thương hiệu bia Hà Nội”.

Chứng minh cho những gì vị CEO nói, Carlsberg Việt Nam cho biết, kể từ khi mua lại Công ty Bia Huế vào năm 2011, họ đã đầu tư đáng kể vào việc làm mạnh thương hiệu bia Huda, từ đó tăng thị phần tại khu vực duyên hải Bắc Trung Bộ (từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế) từ 46% lên 54%, tại Đà Nẵng từ 1% lên 20% trong suốt 4 năm qua.

“Người khổng lồ” Carlsberg có tiềm lực gì?

Cho đến nay, Carlsberg là hãng bia lớn nhất Bắc, Đông và Tây Âu, có mặt tại 150 thị trường khắp thế giới. Trên con đường phát triển của mình, M&A là một trong những công cụ mà Carlsberg đã sử dụng rất hữu hiệu. Một tài liệu nội bộ của Carlsberg kể lại cột mốc quan trọng nhất trong xuất khẩu của hãng đến vào năm 1970, khi Carlsberg và Tuborg, 2 hãng bia lớn của Đan Mạnh sáp nhập. Ngay lập tức, Carlsberg/Tuborg trở thành công ty quốc tế với thị trường xuất khẩu rộng lớn. Một sợi chỉ đỏ xuyên suốt chiến lược M&A của Carlsberg là không mở rộng bằng mọi giá. Họ chọn đối tác không chỉ có thế mạnh để bù đắp năng lực cạnh tranh và thị trường mà còn chia sẻ các giá trị mà Carlsberg đề cao. Họ chọn những đối tác coi trọng chất lượng bia, có văn hóa làm bia nổi bật để Carlsberg có thể học hỏi được từ các chuyên gia của đối tác này.

Vụ mua bán đáng kể nhất diễn ra gần đây vào năm 2008, khi Carlsberg mua lại 50% cổ phần từ Scottish và Newcastle và giành quyền kiểm soát toàn bộ một số hãng bia ở Nga và vùng Baltic. Carlsberg cũng mua lại hãng bia huyền thoại Grimbergen ở Bỉ – loại bia có truyền thống lâu đời gần 700 năm trước khi Carlsberg ra đời.

Bên cạnh việc chia sẻ tầm nhìn về chất lượng, một trong những điểm lưu ý trong chiến lược M&A của Carlsberg là Tập đoàn duy trì và gia tăng thêm sức mạnh cho các thương hiệu mới. Cho đến nay, họ sở hữu 500 thương hiệu bia khác nhau, trong đó có những thương hiệu nổi tiếng như Carlsberg, Tuborg, 1664, Grimbegen và Somersby hay nhiều thương hiệu bia địa phương ở mọi nơi trên thế giới như Ringnes, Baltika, Xinjiang, Beerlao… Bên cạnh thị trường nội địa, dẫn đầu các thị trường Ấn Độ, Srilanka, Trung Quốc, Campuchia, Việt Nam, Lào, những thương hiệu bia gia nhập gia đình Carlsberg có cơ hội xuất khẩu rộng mở. Liệu đây có phải là điểm cộng khi nhà nước chấm đối tác chiến lược cho Habeco.

Có mất thương hiệu Việt?

Khi bàn về nỗi lo mất thương hiệu Việt, tiến sỹ Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, nói rằng, những doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam phải chấp nhận cuộc chơi toàn cầu, và cam kết hội nhập không cho phép tư duy phân biệt nhà đầu tư nội, ngoại trong việc thoái vốn. Cũng cần lưu ý rằng, chưa chắc thương hiệu Việt trong tay nhà đầu tư nội sẽ trường tồn. Khi chọn nhà đầu tư, lo cho tương lai của doanh nghiệp là quan trọng, nhưng để phần nào nhìn trước được tương lai, phải bắt đầu từ quá khứ và hiện tại.

Trở lại với Carlsberg, đặt tham vọng tăng trưởng một cách có trách nhiệm với cộng đồng, chính sách trách nhiệm xã hội của Tập đoàn rất rõ ràng, kèm theo báo cáo tài chính hàng năm là báo cáo kết quả thực hiện trách nhiệm xã hội của từng nhà máy, tâm điểm của các báo cáo là việc giảm thiểu sử dụng năng lượng, nước cũng như giảm phát thải khí CO2 của các nhà máy bia. Một điểm nữa để có thể tin tưởng vào những giá trị dài hạn mà nhà đầu tư ngoại này có thể đem lại. Carlsberg là tập đoàn bia duy nhất do một quỹ sở hữu – Quỹ Carlsberg. Mối liên hệ giữa sản xuất bia và trách nhiệm xã hội là nền tảng của Quỹ Carlbergs. Ước tính số tiền mà Quỹ đã chi cho các hoạt động bảo trợ khoa học, học thuật, nghệ thuật và văn hóa lên tới hàng tỷ Euro. Ông Cees ‘t Hart chia sẻ: “chúng tôi không chỉ tập trung vào kinh doanh mà luôn cho rằng công ty phải đóng một vai trò quan trọng trong xã hội nơi mà chúng tôi có mặt”.

Trên thực tế, Carlsberg đã có khá nhiều đóng góp tại Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, từ kinh tế đến văn hóa và xã hội. Trong tháng 5 và tháng 6 năm nay, mỗi người trong số 2.800 nhân viên của Việt Nam đã đóng góp 1 ngày lương quyên tặng 10 tỷ đồng hỗ trợ cho 25 ngàn hộ ngư dân tại các tỉnh miền Trung từ Nghệ An đến Quảng Nam. Tại Tỉnh Thừa Thiên Huế, Carlsberg Việt Nam cũng là một trong những doanh nghiệp đóng góp ngân sách lớn nhất, riêng trong năm 2015 đã đóng góp 1.340 tỷ tiền thuế để phát triển cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, Carlsberg luôn đồng hành và là nhà tài trợ chính cho các kỳ Festival Huế, mang nét văn hóa và nghệ thuật tới mảnh đất miền Trung Việt Nam trong suốt 18 năm qua.

Với một tầm nhìn thời đại, tư duy luôn cởi mở rằng chia sẻ kiến thức sẽ thúc đẩy sáng tạo và tiến bộ, Carlsberg đang tiếp tục gặt hái nhiều thành công. Đồng hành với một đối tác như vậy, liệu có thể phác thảo vài nét về tương lai của Habeco?

Trong buổi tiếp Đại sứ Đan Mạch Charlotte Laursen hồi tháng 9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: Chính phủ Việt Nam đang đẩy mạnh cổ phần hóa các công ty như Habeco, sẽ niêm yết cổ phiếu của DN trên sàn và sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư. Cũng cần nói thêm rằng Thủ tướng đã nhiều lần nhấn mạnh, Việt Nam luôn cầu thị những nhà đầu tư có chiến lược phát triển bền vững, kiếm tiền có trách nhiệm và không làm tổn hại đến môi trường.

Theo Hoàng Yến (Diễn đàn doanh nghiệp)

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/kinh-te/tai-sao-carlsberg-chon-habeco-719457.html