Tại sao châu Âu và châu Á từ bỏ khí đốt của Mỹ?

Giá khí đốt tự nhiên ở thị trường châu Âu và châu Á đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Bộ Năng lượng Mỹ thừa nhận rằng các thị trường này không có lý do gì để nhập khẩu khí LNG từ nước này.

Một động cơ trong hệ thống đường ống dẫn khí Dự án Dòng chảy phương Bắc ở Lubmin, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Một động cơ trong hệ thống đường ống dẫn khí Dự án Dòng chảy phương Bắc ở Lubmin, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Khách hàng từ chối hơn một trăm giao dịch được lên kế hoạch cho mùa Hè, khiến xuất khẩu LNG của Mỹ giảm gần 63,6%.

Năm 2019, xuất khẩu ròng khí đốt tự nhiên của Mỹ đạt 54,7 tỷ m3, tăng 20,7 tỷ m3 so với năm 2018. Theo Cheniere Energy, nhà sản xuất LNG lớn nhất của Mỹ, doanh số bán LNG toàn cầu của doanh nghiệp này đạt 100 triệu tấn trong quý I/2020, tăng hơn 10 triệu tấn so với cùng kỳ năm 2019. Mức tăng trưởng này được tạo ra chủ yếu nhờ người tiêu dùng Mỹ.

Mỹ có kế hoạch đầy tham vọng là xuất khẩu 67,2 tỷ m3 LNG trong năm 2020 và 79,5 tỷ m3 năm 2021. Kế hoạch này được Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) thuộc Bộ Năng lượng Mỹ công bố vào tháng 1/2020. Tuy nhiên, kế hoạch rõ ràng là không khả thi.

Nguồn cung LNG của Mỹ đã gia tăng đáng kể, trong bối cảnh mùa Đông ấm áp hơn và đại dịch COVID-19 làm giảm mạnh nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường khí đốt châu Âu và châu Á. Giá trung bình tại điểm trung chuyển TTF châu Âu trong bốn tháng đầu năm nay giảm một nửa so với cùng kỳ năm 2019, trong khi giá giao ngay tại Nhật Bản giảm 44%.

Ngay trong tháng 4/2020, hoạt động xuất khẩu LNG của Mỹ sang thị trường châu Âu đã trở nên không thực tế về mặt kinh doanh. Các công ty lớn của châu Âu và châu Á đã hủy hợp đồng giao tháng 6-7/2020.

Theo Bloomberg, hàng từ các nhà máy LNG của Mỹ trong tháng 4/2020 đã giảm gần 30%. Đến tháng 5/2020, xuất khẩu giảm hơn một phần ba, một phần do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Dự báo tháng 6/2020 của EIA rất bi quan. Khách hàng châu Âu và châu Á đã hủy mua 110 lô hàng LNG, bao gồm 70 lô bị hủy cho tháng 6-7/2020 và 40 lô cho tháng 8/2020. Nguồn cung khí đốt tới các cảng biển của Mỹ giảm hơn một nửa từ cuối tháng 3/2020, từ mức kỷ lục 277 triệu m3/ngày thời điểm trước đó.

Các nhà phân tích của EIA nhận xét: “Giá LNG giao ngay tại châu Âu và châu Á đã làm suy yếu khả năng kinh tế của hàng hóa xuất khẩu Mỹ, vốn cực kỳ nhạy cảm về giá cả”.

Theo ước tính của các chuyên gia này, trung bình khoảng 101 triệu m3 khí đốt mỗi ngày được chuyển từ Mỹ sang châu Âu và châu Á vào tháng Sáu, và 62 triệu m3 khí đốt/ngày trong tháng Bảy và tháng Tám.

Những cảnh báo của giới chuyên gia được xác nhận bằng việc khách hàng nước ngoài tiếp tục từ chối mua khí đốt ít nhất cho đến cuối mùa Hè và giá hợp đồng tương lai ở Mỹ cao hơn giá châu Âu cho đến tháng Chín.

Sáu nhà máy LNG của Mỹ, hoạt động hết công suất trong thời gian từ tháng 1-5/2020, nhưng nay đã giảm còn 65% công suất. Vào đầu tháng 7/2020, hoạt động của số nhà máy này còn 50% công suất hoặc thậm chí ít hơn, theo khảo sát của Platts Analytics.

Chuyên gia Nikos Tsafos, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mỹ, cho rằng do lợi thế về giá thực tế đã biến mất, việc từ chối nguồn cung từ Mỹ chỉ còn là vấn đề thời gian.

Theo ông Igor Yushkov, nhà phân tích hàng đầu của Quỹ An ninh Năng lượng Quốc gia Mỹ, người mua hiện sẵn sàng trả giá LNG của Mỹ ở mức thậm chí không bao gồm chi phí hóa lỏng và vận chuyển. Nạn nhân chủ chốt đầu tiên và chịu thiệt hại nặng nề nhất của Mỹ là Sabine Pass.

Theo Bộ Năng lượng Mỹ, xuất khẩu LNG của Mỹ trong 4 tháng đầu năm 2020 đạt trung bình 218 triệu m3/ngày, nhưng con số này đã giảm 17% trong khoảng thời gian từ tháng 4-5/2020. EIA dự kiến nguồn cung sẽ bắt đầu tăng trong tháng 9/2020, do nhu cầu khí đốt tự nhiên toàn cầu đang dần hồi phục.

Tuy nhiên, các ngân hàng đầu tư lớn nhất không quá lạc quan như vậy. Như các nhà phân tích giải thích, nguồn cung nhiên liệu khổng lồ đã tích lũy đầy ắp trên thế giới.

Thương mại LNG quốc tế sụp đổ, trong khi các kênh phân phối dầu đá phiến quan trọng của Mỹ đóng cửa. Và kể từ khi giá dầu phục hồi lên mức 40 USD/thùng, các công ty dầu mỏ tiếp tục sản xuất và tung rất nhiều khí đốt giá rẻ ra thị trường dưới dạng sản phẩm phụ.

Theo phân tích của BofA Securities, do giá sụt giảm ở châu Âu, nơi được coi là một “bãi chứa” truyền thống đối với LNG của Mỹ, hiện thị trường này hiện không có nhu cầu đối với mặt hàng LNG. Bây giờ, thay vì bán ra nước ngoài, nhiên liệu của Mỹ được bơm vào các bể và kho chứa.

Theo ngân hàng đầu tư Goldman Sachs, do xuất khẩu bị chững lại, dự trữ khí đốt của Mỹ sẽ tăng thêm 21,52 tỷ m3, cao hơn gần một phần ba so với một năm trước, và tăng 18% so với mức trung bình trong 5 năm qua. Đến tháng 10/2020, công suất các kho lưu trữ khí đốt của Mỹ có thể cạn kiệt, khiến hoạt động khai thác và sản xuất LNG có thể sẽ giảm kỷ lục./.

TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/tai-sao-chau-au-va-chau-a-tu-bo-khi-dot-cua-my/162927.html