Tại sao chinh phục không gian vẫn là một rủi ro lớn?

Gần 60 năm sau khi Liên Xô 'hạ cánh mềm' xuống Mặt Trăng, giới chuyên gia đánh giá các chuyến bay vào vũ trụ nói chung vẫn ẩn chứa nhiều rủi ro và nguy hiểm.

Tàu vũ trụ Chandrayaan-3 của Ấn Độ vài giây trước khi hạ cánh thành công xuống cực Nam của Mặt Trăng. Ảnh: AFP

Theo hãng tin CNA, năm 2019, Ấn Độ đã nỗ lực đáp một tàu vũ trụ lên Mặt Trăng nhưng cuối cùng đã thất bại, để lại những mảnh vỡ trải dài trên bề mặt gồ ghề của vật thể này. Hôm 23/8, Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ đã quay trở lại Mặt Trăng trong niềm hân hoan, khi tàu đổ bộ Chandrayaan-3 hạ cánh thành công ở gần cực Nam của “gã hàng xóm thân thiết” với Trái Đất.

Thành công của Ấn Độ được ghi dấu chỉ vài ngày sau thất bại đầy tiếc nuối của Nga. Tàu vũ trụ Luna-25 đã nỗ lực hạ cánh gần đó nhưng “không còn tồn tại do va chạm với bề mặt Mặt Trăng”.

Vậy lý do khiến những nhiệm vụ này thất bại là gì? Có thể rút ra kinh nghiệm nào từ thành công của các quốc gia trong sứ mệnh không gian?

Cuộc đua thám hiểm Mặt Trăng

Cho đến nay, Mặt Trăng là thiên thể duy nhất mà con người đã ghé thăm. Đây là vệ tinh tự nhiên gần chúng ta nhất, ở khoảng cách khoảng 400.000 km. Tuy nhiên, chỉ có 4 quốc gia đạt được thành công “hạ cánh mềm” - cuộc hạ cánh mà tàu vũ trụ sống sót - trên bề mặt Mặt Trăng.

Quốc gia đầu tiên đặt chân lên Mặt Trăng là Liên Xô. Gần 60 năm trước, vào tháng 2/1966, tàu vũ trụ Luna 9 đã hạ cánh an toàn xuống Mặt Trăng. Chỉ vài tháng sau, vào tháng 6/1966, Mỹ cũng đạt được thành tựu tương tự với sứ mệnh Surveyor 1.

Trung Quốc là quốc gia tiếp theo gia nhập cuộc đua thám hiểm Mặt Trăng với sứ mệnh Chang'e 3 vào năm 2013. Gần đây nhất, Ấn Độ chứng kiến màn hạ cánh lịch sử của tàu Chandrayaan-3 lên cực Nam của Mặt Trăng vào ngày 23/8 vừa qua.

Một số tàu vũ trụ của Nhật Bản, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, Israel, Nga, Cơ quan Vũ trụ châu Âu, Luxembourg, Hàn Quốc và Italy cũng đã đạt được một số thành tựu trên Mặt Trăng, dù chỉ thực hiện những chuyến bay ngang qua hoặc vô tình chạm nhẹ trên bề mặt của Mặt Trăng.

Hàng loạt sự cố

Sứ mệnh lên Mặt Trăng của Nga sau 47 năm đã thất bại, khi tàu vũ trụ Luna-25 bị rơi. Ảnh: Roscosmos/Reuters

Trừ những thành công nói trên, số còn lại gần như là thất bại, trong đó phải kể đến thất bại gần nhất của một trong những siêu cường hàng đầu vũ trụ là Nga.

Ngày 19/8/2023, Cơ quan vũ trụ Roscosmos của Nga thông báo tàu vũ trụ Luna 25 đã bị mất kết nối sau khi được lệnh hạ thấp quỹ đạo xuống Mặt Trăng. Mọi hy vọng dần tan biến khi Roscosmos xác định Luna 25 đã bị rơi vào ngày 20/8. Mặc dù có hơn 60 năm kinh nghiệm bay vào vũ trụ - từ thời Liên Xô đến nước Nga hiện đại, sứ mệnh này đã thất bại.

Thất bại của Luna 25 gợi lại 2 sự cố trên Mặt Trăng nổi tiếng vào năm 2019.

Tháng 4/2019, tàu đổ bộ Beresheet của Israel đã hạ cánh sau khi con quay hồi chuyển bị hỏng trong quá trình phanh và đội điều khiển mặt đất không thể thiết lập lại bộ phận do mất liên lạc.

Đến tháng 9/2019, Ấn Độ đã đưa tàu đổ bộ Vikram xuống bề mặt Mặt Trăng, nhưng nó đã không thể “sống sót” sau cuộc đổ bộ. NASA sau đó đã công bố hình ảnh do Tàu quỹ đạo Trinh sát Mặt Trăng chụp lại cho thấy địa điểm xảy ra vụ va chạm của tàu đổ bộ Vikram. Các mảnh vỡ nằm rải rác trên gần 20 địa điểm trải dài nhiều km.

Thám hiểm không gian ẩn chứa đầy rủi ro

Sứ mệnh không gian là một nhiệm vụ mạo hiểm. Chỉ hơn 50% sứ mệnh thám hiểm Mặt Trăng thành công. Ngay cả các vệ tinh nhỏ bay lên quỹ đạo Trái Đất cũng không có thành tích hoàn hảo, với tỷ lệ thành công chỉ khoảng từ 40% đến 70%.

Trong các sứ mệnh đó, có thể so sánh các nhiệm vụ không có phi hành đoàn với các nhiệm vụ có sự tham gia của phi hành đoàn. Với nhiệm vụ có sự tham gia của phi hành đoàn, tỷ lệ thành công sẽ lên đến 98%, do có sự đầu tư, chuẩn bị đầy đủ về trang thiết bị cũng như sự cảnh giác, chu đáo cẩn thận từ nhân viên mặt đất và ban quản lý.

Trong khi đó, có hàng loạt lý do khiến nhiều nhiệm vụ không có phi hành đoàn thất bại - như khó khăn về công nghệ, thiếu kinh nghiệm và thậm chí cả bối cảnh chính trị của từng quốc gia.

Tuy nhiên, thực tế là các vụ phóng tàu vũ trụ vào không gian không phổ biến trong kế hoạch của các quốc gia. Theo thống kê, thế giới có khoảng 1,5 tỉ chiếc ô tô và khoảng 40.000 chiếc máy bay, nhưng chưa đến 20.000 lần phóng tàu vũ trụ vào không gian.

Trong bối cảnh các phương tiện phổ biến như ô tô còn rất nhiều trục trặc, và ngành hàng không vẫn phải đối mặt với hàng loạt sự cố dù đã được quản lý tốt hơn, sẽ không thực tế nếu đòi hỏi các chuyến bay vào vũ trụ cần nhanh chóng giải quyết được mọi vấn đề, dù đó là giai đoạn phóng tên lửa hay giai đoạn hiếm hoi hơn là hạ cánh xuống một thế giới xa lạ. Loài người vẫn đang ở trong giai đoạn sơ khai của kỷ nguyên khám phá không gian.

Thách thức

Nếu nhân loại muốn tạo ra một nền văn minh du hành vũ trụ hoàn chỉnh, chúng ta phải vượt qua những thách thức to lớn.

Để có thể thực hiện được những chuyến du hành vũ trụ ở khoảng cách xa, trong thời gian dài, có rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết.

Một số vấn đề dường như có thể sớm được xử lý, chẳng hạn che chắn bức xạ tốt hơn, tự duy trì hệ sinh thái, robot tự động, trích xuất không khí, nước, và vấn đề không trọng lực.

Chắc chắn rằng con người sẽ đạt được tiến bộ từng chút một. Các kỹ sư và những người đam mê chinh phục không gian sẽ đóng góp trí tuệ, thời gian và sức lực vào các sứ mệnh không gian và các chuyến thám hiểm sẽ trở nên đáng tin cậy hơn. Và có thể một ngày nào đó, chúng ta sẽ chứng kiến việc đi lại trên tàu vũ trụ cũng an toàn như việc đi ô tô.

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo CNA)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/tai-sao-chinh-phuc-khong-gian-van-la-mot-rui-ro-lon-20230828151146400.htm