Tại sao chưa lộ danh tính những người đã chi nửa tỉ đồng mua điểm thi ở Hòa Bình?

Liên quan đến vụ gian lận điểm thi ở Hòa Bình, đối tượng lấy tiền trong việc chỉnh sửa nâng điểm cho thí sinh đã thừa nhận, trong khi đó đến nay vẫn chưa có cá nhân, tổ chức nào nhận việc đưa tiền để mua điểm.

“Giấy ướt không gói được than hồng” quả đúng với những gì đang diễn ra trong vụ việc gian lận thi cử tại Hòa Bình và Sơn La. Cuối cùng, danh sách những thí sinh được nâng điểm này cũng dần lộ diện, dẫu các cơ quan liên quan vẫn đang “giấu kỹ” trước công luận. Phía sau mỗi thí sinh được nâng điểm “không trong sáng” là cả một câu chuyện cần phanh phui từ phía các phụ huynh mua điểm.

 Các đối tượng bị khởi tố trong vụ án gian lận điểm thi tại Hòa Bình (ảnh nhỏ). Trụ sở Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình (ảnh lớn).

Các đối tượng bị khởi tố trong vụ án gian lận điểm thi tại Hòa Bình (ảnh nhỏ). Trụ sở Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình (ảnh lớn).

Cơ quan điều tra xác định Đỗ Mạnh Tuấn - chuyên viên Phòng Khảo thí, Sở GD -ĐT tỉnh Hòa Bình thừa nhận được hưởng lợi bất chính 550 triệu đồng từ việc nâng điểm cho thí sinh, tuy nhiên đến nay ai là người đã bỏ ra số tiền này dư luận cũng chưa được biết. Bên cạnh đó, nhiều quan chức tỉnh Hòa Bình có thí sinh được nâng điểm cũng im lặng, không lên tiếng nhận trách nhiệm.

Ngày 11/3/2019, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã kết thúc điều tra vụ án gian lận điểm thi trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại tỉnh Hòa Bình. Kết quả điều tra đã xác định được hành vi, phương thức, thủ đoạn của một số đối tượng đã sử dụng trong việc làm sai lệch kết quả thi THPT quốc gia năm 2018 của nhiều thí sinh.

Kết luận giám định, xác định 140/210 bài thi của 56 thí sinh đã tẩy xóa, chỉnh sửa đáp án. Kết quả chấm thẩm định của Bộ GD-ĐT xác định 140 bài thi trắc nghiệm của 56 thí sinh được can thiệp, nâng điểm ít nhất từ 0,2 điểm đến cao nhất 9,25 điểm/một môn thi.

Trong số thí sinh được nâng điểm có Đỗ Nguyễn Hoàng Anh (là cháu của bị can Nguyễn Quang Vinh, nguyên Trưởng phòng Khảo thí & Quản lý chất lượng giáo dục): môn Toán được nâng 4,6 điểm; môn Ngoại ngữ được nâng 5,2 điểm.

Ngày 24/4/2019, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an, đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam 3 người gồm: Nguyễn Thị Thu Loan, giáo viên Trường trung học phổ thông Lạc Long Quân; Nguyễn Thị Hồng Chung, giáo viên Trường trung học phổ thông Ngô Quyền và Bùi Thanh Trà, giáo viên Trường trung học phổ thông Lương Sơn.

Bị can Nguyễn Thị Thu Loan, Bùi Thanh Trà và Nguyễn Thị Hồng Chung

Việc khởi tố, bắt tạm giam ba cô giáo trên là diễn biến mới nhất trong quá trình mở rộng điều tra vụ án "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" liên quan đến sai phạm trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 xảy ra tại tỉnh Hòa Bình.

Trước đó, Ngày 3/8/2018, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an quyết định khởi tố vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo quy định tại Điều 356 BLHS. Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam (4 tháng), lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với Đỗ Mạnh Tuấn - Phó Hiệu trưởng Trường THCS và THPT nội trú huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình; Nguyễn Khắc Tuấn - chuyên viên Phòng Khảo thí, Sở GD - ĐT tỉnh Hòa Bình.

Tiếp tục điều tra mở rộng vụ án, ngày 14/9/2018, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam (4 tháng), lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với: Nguyễn Quang Vinh - Trưởng phòng Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục thuộc Sở GD - ĐT tỉnh Hòa Bình về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Cơ quan công an xác định, Vinh đã bàn bạc chỉ đạo Mạnh Tuấn xử lý, can thiệp, nâng điểm thi trắc nghiệm cho các thí sinh. Mạnh Tuấn đã gặp, trao đổi và bàn bạc với Khắc Tuấn để cùng thực hiện việc gian lận thi.

Trong việc can thiệp nâng điểm bài thi trắc nghiệm, bị can Mạnh Tuấn thừa nhận được hưởng lợi bất chính 550 triệu đồng.

Đáng nói, người lấy tiền trong việc chỉnh sửa nâng điểm cho thí sinh đã thừa nhận, trong khi đó, đến nay vẫn chưa có cá nhân, tổ chức nào nhận việc đưa tiền để mua điểm.

Trong hàng chục thí sinh được nâng điểm bị trả về, có không ít thí sinh là con lãnh đạo của nhiều sở, ngành tỉnh Hòa Bình. Phóng viên đã liên lạc với phụ huynh là lãnh đạo sở, ngành của tỉnh Hòa Bình để tìm câu trả lời về việc có hay không việc tác động hoặc mua điểm nhưng những vị này đều cáo bận, đi công tác hoặc từ chối trả lời.

Một kỳ thi THPT quốc gia lại sắp đến gần, nhưng xem ra dư luận vẫn chưa thể thực sự yên tâm...

Minh Đức

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/kiem-sat-24h/van-de-su-kien/tai-sao-chua-lo-danh-tinh-nhung-nguoi-da-chi-nua-ti-dong-mua-diem-thi-o-hoa-binh-69705.html