Tại sao chúng ta hôn nhau lúc giao thừa?

Truyền thống hôn nhau vào thời khắc đầu tiên của năm mới xuất hiện trong nhiều bộ phim Hollywood nhưng lịch sử của việc này có thể đã bắt đầu từ thời La Mã cổ đại.

Thế giới vừa bước sang năm mới 2020 với những màn pháo hoa truyền thống trong thời khắc giao thừa. Mọi người thường làm gì trong giây phút đó?

Ở Colombia, người ta cầm một chiếc vali và chạy quanh nhà hoặc khu phố thật nhanh - để tạo tiền đề cho một năm đi lại khắp nơi. Ở Đan Mạch, người dân có truyền thống nhảy khỏi ghế cho một khởi đầu mới. Ở Nga, mọi người thường viết một điều ước cho năm mới trên một tờ giấy, đốt nó, trộn tro vào rượu sâm banh và uống cạn trước giao thừa.

Song ở nhiều quốc gia, bao gồm cả Mỹ, truyền thống đón năm mới là đếm ngược từ 10 xuống 1 và sau đó khóa môi với người thân, bạn bè hoặc thậm chí người lạ mà bạn vừa gặp, theo cây viết Lisa Bonos của Washington Post.

Rất nhiều bộ phim có cảnh các cặp đôi nói về tình yêu trong giây phút này, và đỉnh điểm là một nụ hôn nồng cháy. Như trong phim Harry Met Sally (Harry gặp Sally), Harry (diễn viên Billy Crystal đóng) nói với Sally (Meg Ryan) vào lúc giao thừa: "Anh đến đây tối nay vì khi một người nhận ra họ muốn trải qua phần còn lại của cuộc đời cùng với ai đó, họ muốn phần còn lại của cuộc đời mình bắt đầu càng sớm càng tốt".

Song truyền thống này không xuất phát từ các bộ phim Hollywood. Theo các nhà sử học, vào giữa mùa đông, người La Mã cổ đại sẽ đánh dấu việc kết thúc mùa trồng trọt bằng cách tôn vinh Saturn - vị thần nông nghiệp, giải phóng và thời gian, với lễ hội Saturnalia kéo dài một tuần.

 Một cặp đôi hôn nhau trong đêm giao thừa năm mới 2020 ở Edinburg, Anh. Ảnh: Reuters.

Một cặp đôi hôn nhau trong đêm giao thừa năm mới 2020 ở Edinburg, Anh. Ảnh: Reuters.

Nhiều truyền thống Giáng sinh và năm mới ngày nay có thể bắt nguồn từ lễ hội này, trong đó mọi người sẽ trang trí nhà cửa bằng vòng hoa, tặng quà, ngừng làm việc hay mua bán, ăn uống linh đình trong các bữa tiệc. Ở đó, người ta thường hôn và làm nhiều chuyện "vui vẻ" khác.

Trong cuốn Religions of Rome (Tôn giáo của Rome), các nhà sử học Mary Beard, John North và Simon Price viết về việc Saturnalia và các lễ hội khác "đôi khi đã tạo điều kiện để phá vỡ (tạm thời) các quy tắc và hệ thống thứ bậc xã hội lâu đời" như thế nào, nghĩa là ngay cả nô lệ cũng tham gia tiệc tùng với chủ nhân của họ.

Có một số cách lý giải về nguồn gốc của quan niệm hôn nhau để được may mắn, theo tác giả Bonos. Đầu tiên phải nói đến các vũ hội hóa trang thời Phục hưng ở châu Âu, cũng là những cuộc chè chén ồn ào. "Hoạt động tình dục diễn ra tự do, bất kể giới tính và tầng lớp, ở những vũ hội mà người tham gia phải đeo mặt nạ, để đàn ông và đàn bà có thể tự do nuông chiều sở thích tình dục của bản thân với bất kỳ giới tính và tầng lớp nào họ chọn", theo Encyclopedia.com.

Khi mọi người tháo mặt nạ ra, họ sẽ hôn người đầu tiên họ thấy như một cách tự làm sạch mình khỏi mọi thế lực xấu xa, Joanne Wannan, tác giả cuốn Kisstory: A Sweet and Sexy Look at the History of Kissing (Lịch sử nụ hôn: Cái nhìn ngọt ngào và quyến rũ về lịch sử của việc hôn nhau), viết.

Sau này, dân gian Anh và Đức cho rằng "người đầu tiên mà một người tiếp xúc sẽ xác định vận mệnh trong năm", theo cuốn Enter Entertaining from Ancient Rome to Super Bowl (Hoạt động giải trí từ thời La Mã cổ đại đến Super Bowl).

"Theo thời gian, mọi người có thể đã bắt đầu cách tiếp cận chủ động bằng cách hôn một người mà họ biết và thích vào thời khắc đầu tiên của năm mới", cuốn sách viết.

Đông Phong

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/tai-sao-chung-ta-hon-nhau-luc-giao-thua-post1031424.html