Tại sao còn ít doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh?

Hàng trăm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh… cản bước hoạt động của doanh nghiệp (DN) đã được các bộ ngành hủy bỏ trong thời gian qua. Thế nhưng, tại sao hầu hết DN tư nhân vẫn chưa lớn mạnh như kỳ vọng?

Cơ chế “xin - cho” trì hoãn sự phát triển

Theo số liệu của Cục Phát triển DN, năm 2017, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp 43,22% GDP và 39% vốn đầu tư cho toàn bộ nền kinh tế. Thế nhưng hiệu quả sản xuất kinh doanh của khu vực này vẫn còn hạn chế, dẫn đến tỷ suất lợi nhuận của các DN khá thấp. Tốc độ tăng doanh thu của DN tư nhân cũng giảm mạnh, từ 34% giai đoạn 2007-2011 xuống còn 10% giai đoạn 2012-2015.

Tương tự, số liệu từ cuộc tổng điều tra kinh tế năm 2017 của TPHCM cũng chỉ ra mặc dù số lượng DN phát triển nhanh nhưng quy mô DN thì chủ yếu là DN nhỏ và siêu nhỏ, chiếm tới 97,8%, trong đó DN siêu nhỏ chiếm 82,76%. Xét về hiệu quả thông qua chỉ tiêu lợi nhuận còn rất hạn chế. Trong tổng số 171.655 DN đang hoạt động trên địa bàn TPHCM thì chỉ có 64.607 DN hoạt động có lãi, chiếm 37,81%; 96.936 DN bị thua lỗ, chiếm 56,49%; số còn lại kinh doanh hòa vốn. Đây là thực trạng rất đáng suy ngẫm!

Lắp ráp xe máy tại một đơn vị. Ảnh: THÀNH TRÍ

Lắp ráp xe máy tại một đơn vị. Ảnh: THÀNH TRÍ

Theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), kinh tế tư nhân, nhất là DN tư nhân, vẫn chưa có nhiều DN lớn mạnh là do chưa có sự an toàn trong hoạt động kinh doanh, cụ thể là môi trường kinh doanh còn nhiều rủi ro.

TS Nguyễn Đình Cung đánh giá, bên cạnh rủi ro thông thường, các DN phải đối mặt với rủi ro từ hệ thống pháp lý: không cụ thể, không rõ ràng, không minh bạch, không hiệu lực, cùng với việc áp dụng tùy tiện “sáng đúng, chiều sai” khiến DN không thể ứng phó. Điều này có thể lý giải, nhiều DN chọn giải pháp là cứ làm nhỏ, không lớn và không chính thức. Bởi lẽ, càng chính thức càng nhiều rủi ro do bị thanh tra, kiểm tra.

Mặt khác, với những DN muốn lớn thì họ lại không lớn được vì hiện nay việc phân bố nguồn lực còn theo cơ chế “xin - cho”, thay vì dựa trên tiêu chí chất lượng, ai làm tốt thì được cấp vốn, cấp đất.

Ông Trần Văn Thế, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đèo Cả, khẳng định còn rất nhiều rào cản trong hoạt động đầu tư của DN. Các DN tư nhân làm BOT như Đèo Cả đều cảm thấy chưa được đối xử bình đẳng trong quá trình đàm phán và làm việc với cơ quan nhà nước. Đó là chưa kể, các văn bản pháp lý cũng có sự xung đột nhất định. Ví dụ, Luật DN cho phép chuyển nhượng cổ phần, cho phép quyền góp vốn, tuy vậy Luật Đầu tư lại đặt ra nhiều quy định phức tạp đối với việc chuyển nhượng dự án. Các văn bản hành chính nhà nước thiếu tính thực tiễn. Như chính sách lãi vay với dự án BOT trong hơn năm qua, một thông tư ban hành được sửa tới 4 lần về cùng một vấn đề. Điều kỳ lạ là dự thảo lần cuối lại quay về đúng như một thông tư trước đó!

Chưa có nhiều doanh nghiệp Việt có quy mô lớn. Ảnh: CAO THĂNG

Phải sửa từ tư duy

Bên cạnh môi trường kinh doanh chưa thực sự an toàn, nhiều ý kiến cho rằng thị trường đang xuất hiện phổ biến tình trạng “cá lớn nuốt cá bé”, DN lớn “đàn áp” DN nhỏ, thông qua việc chèn ép hoặc tự ý cắt giảm giá trị các hợp đồng rất trắng trợn và gần như không có bất cứ một sự thỏa thuận nào. DN nào chấp nhận thì tiếp tục có nguồn thu, còn không thì “nghỉ chơi”. Đây chính là hệ quả của việc đầu tư theo phong trào, thiếu sản phẩm và công nghệ riêng biệt, tự cạnh tranh không lành mạnh lẫn nhau nên không mang lại hiệu quả. Bản thân các DN cũng chưa xây dựng được hiệp hội ngành nghề đủ mạnh để giữ sân chơi và bảo vệ quyền lợi cho chính mình, cũng như làm nên sức mạnh cộng hưởng.

Bàn về hướng phát triển bền vững cho các DN, TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, cho rằng doanh nhân giống như một hạt giống được cấy trồng trong môi trường, nếu như môi trường tốt thì hạt giống sẽ phát triển lên tươi tốt và ngược lại.

Tuy nhiên, TS Trần Du Lịch cũng lưu ý: “Bên cạnh sự năng động, dám nghĩ, dám làm, doanh nhân Việt Nam còn tồn tại một số hạn chế, đó là trong quá trình điều hành, sự liên kết giữa các DN, hiệp hội ngành nghề còn yếu kém. Trong giai đoạn sắp tới, việc hình thành chuỗi giá trị của sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có ý nghĩa rất quan trọng để DN cùng phát triển. Một DN không thể tự phát triển nếu không có sự liên kết, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh như hiện nay”.

Ở góc độ DN, ông Lê Trí Thông, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), nhìn nhận nếu 5 năm trước có tình trạng dành hết nguồn lực cho DN nhà nước thì nay cán cân đã đỡ lệch hơn, DN tư nhân đã nhận được những chính sách tốt từ Nhà nuớc và cộng đồng, nhờ vậy có không ít DN tư nhân đã lớn lên rất nhanh. Tuy nhiên, để tự thân lớn lên, mỗi DN cần một chiến lược phát triển phù hợp, vì có rất nhiều DN vẫn đang sử dụng mô hình tăng trưởng của thời kỳ 2.0, hoặc sử dụng cách phát triển theo kiểu “săn bắt, hái lượm”.

“Tôi tin, với những DN có kỹ năng “chăn nuôi, trồng trọt” thì họ cần thời gian canh tác, nên có thể họ đi chậm hơn so với DN chuyên “săn bắt, hái lượm” nhưng chắc chắn họ đi được đường dài và sẽ phát triển vượt trội. Điều quan trọng, Nhà nước cần đảm bảo sự công bằng, làm tốt vai trò thuyền trưởng và dẫn dắt các DN trong hợp tác quốc tế, phải có đội ngũ làm công tác hành chính trong sạch, không nhũng nhiễu DN. Các DN có trách nhiệm cùng nhau lành mạnh hóa môi trường đầu tư, có tiếng nói chung trong đối thoại về chính sách với Nhà nước, cũng như có cơ chế để liên kết trong sản xuất, kinh doanh. Chỉ như vậy, chúng ta mới có được một đội ngũ DN thực sự lớn mạnh”, ông Lê Trí Thông chia sẻ.

Liên quan đến các cơ chế, chính sách phát triển DN, theo TS Nguyễn Đình Cung, phải sửa từ tư duy chứ không phải sửa luật. Đó là nguyên tắc cơ bản của xây dựng thể chế. Cải cách thể chế không phải là cải cách thủ tục hành chính, bởi cải cách thủ tục hành chính là chưa đủ và chưa phải vấn đề căn bản của cải cách thể chế. Do đó phải lấy lại lòng tin của cộng đồng DN, lời nói phải đi đôi với việc làm. Nghị quyết 24/2016 của Quốc hội về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 cũng chỉ rõ sự cần thiết xây dựng môi trường cạnh tranh minh bạch, công bằng, bình đẳng, thuận lợi, giảm chi phí liên quan đến quản lý nhà nước và rủi ro thể chế đối với khu vực DN, nhất là DN tư nhân. Nếu DN nỗ lực để đổi mới, còn các cơ quan nhà nước chỉ cần làm đúng với tinh thần của các nghị quyết, chắc chắn hoạt động của các DN sẽ có sự cải thiện.

Phó Chủ tịch Hội Tin học TPHCM Trần Anh Tuấn lo lắng, theo nguồn tin chưa được kiểm chứng, trong thời gian tới Chính phủ chỉ đạo các tỉnh, thành triển khai các giải pháp chính phủ điện tử thì phải sử dụng sản phẩm của 1 trong 3 đơn vị là VNPT, Viettel hoặc FPT. Tại TPHCM, khi triển khai các chương trình, giải pháp cũng nghĩ tới và dành ưu tiên cho VNPT, Viettel. Điều này vô hình trung làm mất niềm tin của các DN nhỏ và vừa. “Theo tôi, sự lớn mạnh của một quốc gia là dựa vào sự phát triển và lớn mạnh của cả cộng đồng DN, chứ không phải ở một vài DN cực lớn”, ông Trần Anh Tuấn nói.

THÚY HẢI

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/tai-sao-con-it-doanh-nghiep-tu-nhan-lon-manh-556461.html