Tại sao con nhà nghèo mặc đồ hiệu trong phim?

Việc cho diễn viên đóng vai nghèo mặc các bộ đồ xa xỉ nhận về nhiều ý kiến trái chiều của khán giả.

Không thể phủ nhận rằng phim truyền hình Hàn Quốc giống hệt "kênh tiếp thị sinh lợi", Business of Fashion bình luận. Người hâm mộ nhiều lần chứng kiến các sản phẩm xa xỉ được bán hết nhanh chóng nhờ sự lăng xê của thần tượng. Jennie của nhóm BlackPink là minh chứng điển hình.

Vậy phim truyền hình có áp dụng hình thức tượng tự? "Hình như vậy" là câu trả lời của Teen Vogue. Dù việc này tốt cho việc kinh doanh, đảm bảo lợi ích giữa đôi bên, liệu những sản phẩm xa xỉ này có luôn mang lại ý nghĩa cho bộ phim?

Nghèo vẫn xách túi, mặc quần áo hiệu hàng ngày

Nhiều sản phẩm xa xỉ xuất hiện trong các bộ phim Hàn, đặc biệt là khi nói đến thời trang. Bất kỳ tín đồ thời trang nào cũng có thể nhận ra chúng nhanh chóng. Thực tế, ngay cả những người không thích thời trang ít nhất cũng sẽ có thể xác định món đồ cao cấp.

Giám đốc thương hiệu của Roger Vivier tại Hàn Quốc - Stephanie Kim - nói với BoF: "Một số thương hiệu xa xỉ thậm chí còn yêu cầu diễn viên phải chú ý để lộ đặc điểm nổi bật của sản phẩm".

 Hye Jun mặc chiếc áo khoác denim Margiela không cổ và chiếc túi xếp hình Loewe. Ảnh: NF.

Hye Jun mặc chiếc áo khoác denim Margiela không cổ và chiếc túi xếp hình Loewe. Ảnh: NF.

Điều này có thể được thấy rõ thông qua bộ phim Record of Youth được phát hành vào cuối năm 2020. Trong tập đầu tiên, Sa Hye Jun (Park Bo Gum) mặc chiếc áo khoác Maison Margiela phối với chiếc túi xếp hình Loewe phiên bản đặc biệt có giá 3.500 USD. Điều này không hợp lý khi nhân vật này đang phải vật lộn để chi trả các hóa đơn. Thậm chí, khi sự nghiệp vẫn chưa ổn định, anh vẫn luôn mặc những thiết kế xa xỉ như chiếc áo khoác Gucci, giày thể thao Valentino hay áo khoác Burberry.

Vào vai nữ chính, An Jeong Ha (Park So Dam) là một thợ trang điểm vẫn còn học nghề để phát triển. Do phải thể hiện cá tính mạnh, trang phục của cô xoay quanh áo sơ mi, blazer và quần tây rộng. Tuy nhiên, chúng đều là những món đồ đến từ các thương hiệu cao cấp như Officerine Générale, Coach, Michael Kors và YUUL YIE. Điều này khiến phim trở nên phi thực tế nhưng nó có thể khiến người xem muốn mua đồ của nhà thiết kế.

Hye Jun đeo túi AMI Paris và giày Valentino trong khi Jeongha diện bộ suit sang trọng. Ảnh: NF.

Ngoài Record of Youth, điểm nghịch lý còn xuất hiện ở những bộ phim nổi tiếng gần đây như Start-Up, True Beauty hay Hospital Playlist.

"Là người cuồng phim Hàn, tôi đầu tư rất nhiều thời gian và cảm xúc vào mỗi nhân vật khi câu chuyện của họ diễn ra. Vì vậy, mỗi khi nhìn thấy những nhân vật mặc một thương hiệu sang trọng không phù hợp với cốt truyện, nó ảnh hưởng đến tâm trạng của tôi", Sandy Aziz của Teen Vogue viết.

Vì sao các thương hiệu đổ dồn vào phim truyền hình?

Thực tế, không ít người hâm mộ đã sẵn sàng bỏ ra khoản tiền lớn để được mặc bộ váy đẹp hoặc xách chiếc túi như thần tượng diện trong phim. Nhiều cô gái trẻ thậm chí có xu hướng thay đổi hẳn phong cách để giống nữ chính sau khi xem phim. Việc này rõ ràng giúp các nhà mốt tăng doanh thu.

Về phía diễn viên, việc lăng xê hiệu quả một vài mẫu trang phục qua tác phẩm truyền hình cũng có thể giúp họ được các nhà mốt chú ý. Sau phim, họ có thể được làm đại sứ thương hiệu hoặc nhận nhiều hợp đồng thời trang khác.

Không chỉ xứ kim chi, phim của Trung Quốc cũng có tình trạng tương tự. Dữ liệu của Yunhe cho thấy 59% số người theo dõi phim truyền hình là phụ nữ vào năm 2020 và 70% ở độ tuổi 20-39. Đây là đối tượng khách hàng các thương hiệu xa xỉ đang nhắm đến.

Nhân vật Cố Giai mặc áo trench coat hiệu Dior (trái) và phụ kiện Bvlgari (phải). Ảnh: Wb.

Chenxi Shi - nhà tư vấn cấp cao của iBlue Communications - cho biết: "Phim truyền hình hiện thực hóa những lý tưởng. Nhiều người xem phim truyền hình với mục đích tìm hiểu về lối sống khác. Các cô gái thường phản chiếu chính mình trong các nhân vật và khao khát cuộc sống của họ".

Ví dụ, Tiffany & Co. đầu tư vào 30 chưa phải là hết. Nhân vật chính Gu Jia (Cố Giai) được miêu tả là một phụ nữ thành đạt và độc lập. Hình ảnh này hoàn toàn phù hợp với thương hiệu và gây được tiếng vang lớn với người tiêu dùng. Anna Li - giám đốc PR cấp cao của thương hiệu tại Trung Quốc - xác nhận việc đưa sản phẩm vào bộ phim truyền hình là một thành công.

Hashtag #GuJiaOutfit đã đạt được 180 triệu lượt xem, nhiều trang phục và phụ kiện cô diện như vòng cổ Tiffany, áo phông Dior và hoa tai Bvlgari cũng đã trở thành xu hướng "hot" trong mùa phim chiếu.

Khả năng hiển thị thương hiệu có được thông qua việc "gieo hạt" trong các phim truyền hình phổ biến chắc chắn là một khoản đầu tư đáng giá, Jing Daily bình luận. Bởi 30 chưa phải là hết đã thu được 4 tỷ lượt xem trong 18 ngày kể từ khi ra mắt.

Tuy nhiên, cây bút của tờ này vẫn đưa ra lời cảnh báo tới các thương hiệu. Tác giả Lisa Nan cho rằng nhãn hàng chỉ dựa mãi vào các bộ phim là chưa đủ. Thay vào đó, họ phải kết nối với người tiêu dùng thông qua các nền tảng mạng xã hội và các phương tiện truyền thông để nâng cao nhận thức, thúc đẩy doanh số bán hàng.

Tác dụng ngược

Dù mang lại nhiều lợi ích, việc lợi dụng quá mức đôi khi cũng tạo ra tình huống "tham quá hóa thâm". Chẳng hạn, phim Hạ cánh nơi anh cũng từng gây ra nhiều cuộc tranh cãi khi người xem nhận diện được trang phục của nhân vật Yoon Se Ri (Son Ye Jin). Dù đang lưu lạc ở một vùng quê của Triều Tiên, Se Ri liên tục mua được những bộ quần áo đắt đỏ từ chợ như áo trench coat Miu Miu, túi xách Fendi 40 triệu hay blazer của Giambattista Valli…

"Xa rời thực tế" là lời nhận xét chủ yếu của cộng đồng mạng dành cho bộ phim khi đó.

"Giờ đây, các thương hiệu đang vấp phải rào cản khi cư dân mạng liên tục cáo buộc phim truyền hình mang lại những giá trị không bền vững cho người xem trẻ tuổi, bóp méo thực tế và khiến họ khao khát lối sống dễ thấy ngay từ khi còn nhỏ. Khán giả chỉ tay vào đạo diễn và biên kịch", Jing Daily cho biết.

Việc nhân vật Yoon Se Ri trong Hạ cánh nơi anh mua được hàng hiệu trong chợ đã gây ra tranh cãi. Ảnh: tvN.

Tác phẩm mới được tung ra thị trường Falling Into Your Smile khiến người hâm mộ trò chơi điện tử tức giận vì mô tả cuộc sống không chân thực về họ. Những lời buộc tội này được đưa ra sau khi nhiều khán giả phát hiện nữ chính đi giày thể thao Balenciaga Triple S trị giá 995 USD dù cô đang thất nghiệp và mới tốt nghiệp đại học.

Từ những câu chuyện trên, nhà tư vấn Chenxi Shi khuyên các thương hiệu nên suy nghĩ kỹ trước khi đưa sản phẩm vào phim truyền hình. Hình ảnh của các diễn viên, danh tiếng đạo diễn và chất lượng kịch bản đều là những yếu tố họ phải tính đến.

Shi gợi ý chìa khóa để đặt sản phẩm vào phim là "hòa trộn nó một cách tự nhiên nhất". Ví dụ, vai phụ có ngoại hình đẹp và xuất thân giàu sang nên được đầu tư mặc đẹp, không nhất thiết phải là vai chính.

Dù có nhiều điểm phi lý xuất hiện trong các bộ phim truyền hình nổi tiếng, độ "hot" của nó vẫn không giảm. Diễn viên nổi tiếng kết hợp với nội dung hấp dẫn vẫn luôn được ưu tiên. "Cuối cùng, việc diễn viên đóng vai nghèo mặc đồ sang có khiến chúng ta ngưng xem phim Hàn? Thực tế là không" là câu kết của tác giả Sandy Aziz cho bài báo được đăng trên Teen Vogue.

Việc khiến thời trang phim trở nên thực tế hơn không phải chuyện "một sớm một chiều" bởi mối quan hệ cộng sinh của cả nhà sản xuất, diễn viên và thương hiệu khó có thể chấm dứt. Diễn viên không cần tốn nhiều tiền cho phục trang vẫn trông sang trọng khi lên hình. Trong khi đó, nhà mốt được chú ý, ê-kíp phim không cần phải khổ sở tìm đồ.

Nhìn vào khía cạnh khác, nhiều khán giả cũng không thể phủ nhận rằng họ mặc đẹp hơn nhờ dựa vào phong cách của nam, nữ chính trong phim.

Dĩ An

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tai-sao-con-nha-ngheo-mac-do-hieu-trong-phim-post1247316.html