Tại sao Djokovic phải coi chừng Monfils?

Lịch sử nói rằng đó là chuyện... tầm phào bởi 14 lần đối mặt Gael Monfils trước đó, Djokovic toàn thắng. Nhưng Monfils hiện tại đã thay đổi ít nhiều.

Có một Monfils bản năng, hoang dại

Nếu ATP không chỉ cần những tay vợt tài năng, đẳng cấp hàng đầu để kéo khán giả đến sân mà còn cần cả những cá tính và phong cách dị biệt để tạo nên những bữa tiệc của thị giác người xem thì Gael Monfils chính là sứ giả số 1.

Tay vợt người Pháp có lối đánh được liệt vào dạng hoang dã, ngẫu hứng và bản năng hàng đầu thế giới. Monfils không đơn thuần là một tay vợt mang phong cách điền kinh, có thể chạy khắp sân, có thể tung ra những cú giao bóng mạnh như búa bổ mà còn là một chuyên gia trình diễn.

Dường như với anh việc trình diễn trong các trận đấu giống như một nhu cầu tự thân không thể thiếu được, thậm chí là nhu cầu lớn nhất chứ không phải chuyện thắng thua. Từ nhiều năm nay, hình ảnh một tay vợt cực khỏe, giao bóng uy lực, sở hữu những bước chạy tốc độ nhưng lại có xu hướng thích đánh... cuối sân đã in sâu vào tâm trí người xem.

Hình ảnh một Monfils với những pha bay người bắt vô lê để tấn công đối thủ hay cứu bóng, một Monfils với những cú xoạc chân như VĐV trượt băng nghệ thuật đã không còn xa lạ với những người hâm mộ banh nỉ. Rất nhiều tiếng vỗ tay tán thưởng đã vang lên trên khắp các khán đài sau những pha biểu diễn của tay vợt người Pháp.

Nhưng cũng nhiều câu hỏi đặt ra. Tại sao Monfils lúc nào cũng phù phiếm đến thế? Sao anh không đơn giản hóa những động tác thi đấu của mình có phải vừa tiết kiệm sức lực, vừa hiệu quả hơn không? Nhưng nếu làm vậy thì đã không phải là Monfils. Và ít nhất ATP đã mất đi ít nhiều sự đa dạng và tính hấp dẫn của nó khi thiếu đi một phong cách cá tính.

Ngoài lối đánh quá nặng tính trình diễn khiến anh được mô tả như là một “showman” (người trình diễn) của ATP, Monfils còn bị chê trách nhiều về chuyện anh gần như không biết hoặc không quan tâm tới chuyện phân bổ sức lực sao cho hợp lý trong mỗi trận đấu, mỗi giải đấu hay trong cả mùa. Tay vợt 30 tuổi sẵn sàng “biểu diễn” hết mình trong những pha bóng “vô thưởng vô phạt” nhưng rồi lại “đứng hình” ở những “big point” (điểm số mang tính quyết định) của trận đấu.

Monfils biểu trưng cho một lối đánh tuyệt đối không toan tính. Một sự tương phản hoàn toàn với Djokovic, người đang đợi anh ở bán kết US Open năm nay.

Cận thận đấy, Nole!

Nhưng chiến thắng trước Lucas Pouille có thể coi là lời nhắc nhở với Nole. Monfils không chỉ biết biểu diễn mà còn biết cách chiến thắng. “Tôi bay người đánh bóng để giành điểm chứ đâu phải để làm trò. Có nghĩa lí gì đâu nếu bạn chơi đẹp rồi... thất bại?”.

Monfils nói như muốn khẳng định tất cả đã nhầm khi vội vàng phán xét anh. Lần đầu tiên sau 8 năm vào bán kết một giải Grand Slam (từ sau Roland Garros 2008) là một bước tiến đáng ghi nhận. Ở tuổi 30, Monfils dường như đã trở nên chín chắn và trưởng thành hơn.

US Open 2016 đang trải thảm đón Djokovic vào chung kết sau một hành trình nhàn nhã đến khó tin khi 2 đối thủ bỏ cuộc giữa chừng và 1 người thậm chí rút lui từ trước trận. Nhưng sau 2 lần gác vợt trước Nole ở Flushing Meadows và 14 lần toàn thua trong lịch sử, Monfils đang ấp ủ giấc mơ báo thù.

Có thể thành công, có thể không. Nhưng chắc chắn, “showman” đã sẵn sàng biến thành “Actionman” (người hành động) để ít nhất cũng buộc Nole phải đổ mồ hôi đúng nghĩa thay vì “dạo chơi” như từ đầu giải.

Trọng Tuệ
Thể thao & Văn hóa

Nguồn TT&VH: http://thethaovanhoa.vn/tennis/tai-sao-djokovic-phai-coi-chung-monfils-n20160907225355989.htm